Với cựu tiền vệ tuyển thủ đội bóng đá nữ Việt Nam Phùng Thị Minh Nguyệt, mẹ luôn là “suối nguồn thành công” của chị.
“Cầm đến kim là tôi... buồn ngủ”
Minh Nguyệt kể lại cơ duyên đến với bóng đá của chị bắt nguồn từ những lần theo anh trai đi đá bóng. “Hồi đó, tôi nghịch ngợm và hiếu động đến nỗi chỉ thích chơi các trò chơi của con trai. Mẹ tôi bảo con gái phải biết tề gia nội trợ nên rủ con gái thêu thùa. Nhưng cứ cầm đến kim là tôi... buồn ngủ. Giữa trời nắng nóng, tôi chỉ hứng thú chạy lon ton sau quả bóng, say sưa với những lần ghi bàn, dù làn da cứ đen dần, đôi bàn chân rắn chắc và mái tóc bị cháy xém”.
Say mê tập tành rồi trở thành cầu thủ trong đội bóng nữ quốc gia, Minh Nguyệt vẫn theo học Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Năm 2001, chị tốt nghiệp rồi về làm giáo viên dạy thể dục thể chất trong Trường THCS Tô Hoàng. Những năm gắn bó với trường, chị “kết” vào lòng biết bao kỷ niệm, kể cả những trò đùa tai quái của lũ học trò. Lần duy nhất chị mắng phạt học trò là ba học sinh nữ vờ mệt xin nghỉ tiết nhưng lại lôi máy sấy tóc, son phấn ra làm điệu. Chị yêu cầu kiểm điểm trước lớp và “răn dạy” một bài học. Đến giờ, các em vẫn còn nhắc: “Cô giáo Nguyệt hiền lành nhưng khi nghiêm khắc thì... dữ quá”.
|
Các thầy cô ở trường và học sinh vẫn đồng hành cùng cầu thủ - cô giáo Minh Nguyệt trong các giải đấu. Có nữ giáo viên không thích xem bóng đá, nhưng khi trận đấu có Minh Nguyệt tham gia luôn sẵn sàng gác lại công việc để theo dõi. SEA Games 22, đội nữ Việt Nam đá trận chung kết với Myanmar ở sân Lạch Tray (Hải Phòng), các thầy cô của trường cùng học sinh thuê ô tô xuống tận Hải Phòng rồi mua vé vào sân cổ vũ. Hơn 40 người có mặt tại sân bóng trở thành động lực lớn cho từng đường bóng của chị và đồng đội. “Lúc đó, mắt tôi nhòe đi và chỉ nghĩ là phải đá hết mình” - chị Nguyệt xúc động kể.
Năm 2004, chị đăng ký học lên hệ đại học, xây ước nguyện gắn bó lâu dài với sự nghiệp dạy học bên những trang giáo án, bài giảng và lũ học trò “nhất quỷ nhì ma”. Nhưng kế hoạch đổ vỡ, khi chị được lãnh đạo Sở TDTT khi đó mời về tham gia huấn luyện cho đội bóng đá nữ Hà Nội. “Chuyển về làm HLV nhưng tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm, soạn giáo án và bồn chồn khi ngày Nhà giáo Việt Nam đến. Tới giờ, các em đã ra trường, thỉnh thoảng vẫn mời gọi cô giáo đi dùng trà, ăn cháo...” - Minh Nguyệt cười tươi.
Dành nhiều quan tâm đến mẹ
Năm 12 tuổi, bố Nguyệt qua đời, mọi gánh nặng gia đình dồn lên vai người mẹ tần tảo nuôi hai con khôn lớn. Thế nhưng, điều bất hạnh lại đến khi năm 2002, anh trai chị mất vì bạo bệnh. Trong gia đình chỉ còn hai người phụ nữ, mẹ chị càng trông đợi nhiều hơn ở đứa con gái - “vốn nghịch ngợm, cứng cỏi, ít nói nhưng ẩn chứa trái tim nhạy cảm, yếu đuối” của bà. Đáp lại kỳ vọng của mẹ, Nguyệt chỉ biết cố gắng luyện tập, phấn đấu, giành những tấm huy chương về tặng mẹ. Nhớ lại khoảng thời gian cống hiến trên sân, Nguyệt nói: “Lúc đó tôi chơi ăn ý với Hiền Lương, Thúy Nga, Lưu Ngọc Mai và Nguyễn Thị Hà nên hình thành một hàng tấn công dũng mãnh. Tôi vừa là người kiến tạo, quán xuyến hành lang phải nhưng vừa phải có nhiệm vụ từ tuyến 2 dâng lên ghi bàn. Hầu như tuần nào cũng có giải đá suốt mà không biết mệt là gì, vì bóng đá nữ khi đó dù tiền thưởng không nhiều nhưng ai cũng đồng lòng, quyết tâm nên ra sân là quyết giành chiến thắng”.
Do chỉ còn mẹ, nên Minh Nguyệt luôn thường xuyên bên cụ. Chị động viên mẹ tham gia các hoạt động xã hội, tập luyện thể thao... Đi xa, chị đều gọi về nhà đều đặn mỗi ngày 2 lần. Sau giờ làm việc, chị luôn về sớm nấu cơm, ăn bữa tối cùng mẹ. Hai mẹ con cùng xem bản tin thể thao, mẹ chị thêu tranh. Thỉnh thoảng, bà Ngại nhắc đến chuyện yêu đương, lấy chồng của con gái, Nguyệt dạ vâng cho mẹ vui. Nguyệt tâm sự: “Tuổi trẻ cứ say mê, bẵng đi đã thấy thời gian trên mái tóc. Nắng cháy khiến làn da sạm đi, vết tàn nhang dày lên. Có bôi kem chống nắng, thuốc chữa... cũng không thể lấy lại được nhan sắc. Con gái theo thể thao, cũng thiệt thòi hơn những ngành nghề khác. Nhưng hy vọng thời gian tới, tôi cũng sẽ tìm được ý trung nhân cho mình”.
Phùng Thị Minh Nguyệt sinh năm 1974, sở trường tiền vệ tấn công cánh phải của đội tuyển nữ Việt Nam, cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành 2 HCV SEA Games 2001 và 2003. Năm 2002, chị được trao danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất” tại giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2002. Hiện chị là HLV của đội tuyển bóng đá nữ Hà Nội. |
Thủy Triều
Bình luận (0)