Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 63: Trước “hoa chân”, giờ “hoa tay”

13/04/2013 00:50 GMT+7

Dù chỉ cao 1 m 52 nhưng Đoàn Nữ Trúc Vân đã khiến đối thủ Supriati Sutono (Indonesia), vốn là nhà vô địch châu Á và SEA Games 21 trên đường chạy 10.000 m, phải ôm hận ở SEA Games 22. Vậy mà chị lại sớm rời đường chạy để chuyển sang nghề làm đẹp cho các cô dâu ở quê hương Khánh Hòa của mình.

Dù chỉ cao 1 m 52 nhưng Đoàn Nữ Trúc Vân đã khiến đối thủ Supriati Sutono (Indonesia), vốn là nhà vô địch châu Á và SEA Games 21 trên đường chạy 10.000 m, phải ôm hận ở SEA Games 22. Vậy mà chị lại sớm rời đường chạy để chuyển sang nghề làm đẹp cho các cô dâu ở quê hương Khánh Hòa của mình.

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 62: Võ sĩ thành nhiếp ảnh gia
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 61: Mẹ hơn mọi tấm huy chương
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 60: Số 1 thế giới ăn cơm bụi
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 59: Cô, trò và... quả bóng vàng

Qua mặt Sutono

Ở SEA Games 21, Trúc Vân đoạt HCĐ cự ly 10.000 m. Trước phong độ rất cao của Sutono, tại SEA Games 22, Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia chỉ giao chỉ tiêu cho Trúc Vân đổi màu huy chương, tạm hiểu là từ huy chương đồng sang bạc. Thế nhưng, chiều 8.12.2003, trên Sân vận động Mỹ Đình, chính Trúc Vân lại là người về đích đầu tiên, còn Sutono đành phải “lấp ló” ở phía sau.

Trúc Vân nhớ lại: “Chúng tôi phải chạy 25 vòng sân. Ở 5 vòng cuối, tôi quyết định tách tốp đông để kéo Sutono theo và liên tục dẫn đầu các vòng 21, 22 và 23. Đến vòng 24 thì Sutono vượt lên nhưng khoảng 200 m cuối thì tôi qua mặt lại đối thủ để trở thành VĐV đầu tiên của Việt Nam đoạt HCV chạy cự ly dài trong các kỳ SEA Games”. Kể đến đó, ánh mắt Trúc Vân sáng rực và nhoẻn miệng cười: “Nghĩ lại giây phút đó, tôi thấy hạnh phúc quá”.

 Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 63: Trước “hoa chân”, giờ “hoa tay”
Vợ chồng Đoàn Nữ Trúc Vân và đứa con bị bệnh tim bẩm sinh - Ảnh: N.Q

Tôi gặp Trúc Vân vào một ngày đầu tháng 4.2013 tại Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, lúc vợ chồng Vân đang đưa con trai thứ hai mới 3 tháng tuổi tái khám bệnh tim bẩm sinh. Ánh mắt chị đỏ hoe vì xúc động khi kể về những gian khó của mình thời gian sau khi nghỉ thi đấu. Nụ cười và nước mắt cứ xen kẽ nhau trong câu chuyện, giống như những giai đoạn thăng trầm của cô học trò bản lĩnh của HLV Bùi Lương ngày nào.

 

Đoàn Nữ Trúc Vân sinh năm 1978 tại Khánh Hòa; đoạt HCV môn chạy 10.000 m và HCĐ chạy 5.000 m tại SEA Games 22 năm 2003, 2 HCĐ chạy 5.000 m và 10.000 m  tại SEA Games 21 năm 2001; nhiều lần vô địch quốc gia và hiện đang giữ kỷ lục quốc gia chạy cự ly 5.000 m và 10.000 m, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2003.

Ở tuổi 28, cuối năm 2006, Vân nghỉ thi đấu với nhiều điều đang dang dở. Thời điểm đó, Trúc Vân vẫn được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, bản thân chị cũng tự thấy “còn sức để tập luyện và thi đấu tiếp, vẫn còn đam mê lắm” nhưng lại phân vân chuyện “đi - ở” vì tương lai chưa được xác định rõ ràng. Trình bày nguyện vọng được làm huấn luyện viên sau khi tốt nghiệp ĐH thì “cấp trên không trả lời, cũng không nói năng gì thêm nên tôi phải tìm con đường khác”, như lời chị thổ lộ.

Do vậy, dù đã học đại học tại chức (Trường ĐH TDTT 2 liên kết tổ chức tại Khánh Hòa) được 6 học kỳ, chỉ còn 2 học kỳ nữa là thi tốt nghiệp nhưng Vân cũng... bỏ luôn. Căn phòng được cho ở tạm cũng phải trả lại nên Vân đành phải về bám bố mẹ ở Dục Mỹ, cách Nha Trang khoảng 50 km. “Thời gian đó, cuộc sống của tôi vất vả vô cùng. Có lúc tôi cũng không biết định hướng như thế nào vì cảm thấy tương lai mờ mịt. Nhưng được sự động viên của gia đình và sự an ủi của chồng, tôi quyết tâm đứng dậy để tìm đường mưu sinh”, Vân nhớ lại. 

Làm đẹp cho mọi người

Từ năm 2010, hai vợ chồng Trúc Vân thuê một căn nhà mặt tiền để mở tiệm dịch vụ đám cưới. Việc phân công trong nội bộ gia đình cũng khá rõ ràng. Chồng Trúc Vân là cựu thủ môn đội tuyển Khánh Hòa Trần Minh Cường (cùng thời với Hữu Đang, Anh Tuấn, Đặng Đạo…), thành viên đội tuyển U.19 quốc gia 1998, đảm nhiệm việc quay phim, chụp ảnh nhờ có thời gian học nghề này ở TP.HCM. Còn Trúc Vân, khi con đầu lòng được 2 tuổi thì vào Nha Trang học cấp tốc lớp trang điểm, “tốt nghiệp” quay về quê để khai trương cửa hàng mang tên  “Photo - Studio -  Áo cưới  Cường - Vân”.

Niềm vui của Vân giờ đây là làm đẹp cho mọi người. Với bản tính chịu khó chịu khổ, công việc mới này của Trúc Vân giờ đây đã tạo được uy tín ở địa phương nhờ tay nghề được nâng cao nhiều rồi, không còn “lóng ngóng” như lúc mới vào nghề cách đây 3 năm. Khá đông chị em tìm đến cửa hàng của vợ chồng Cường - Vân để được đẹp hơn trong ngày cưới. Chị cười tươi và ví von: “Hồi xưa, dù thân hình thấp lùn nhưng nhiều  người bảo tôi có “hoa chân”, bây giờ thì tôi phải cố học nghề mới này để cũng có “hoa tay” mới được”.

Nhớ về quãng thời gian say mê với thể thao, Trúc Vân cũng thoáng buồn và luyến tiếc. Nhưng ai cũng có một thời, hai vợ chồng chị đành gác lại ước mơ để lo mưu sinh cuộc sống, nhất là tập trung lo cho đứa con đang bị bệnh nặng.    

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.