Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 71: Cánh chim không mỏi

21/04/2013 00:30 GMT+7

Được xem là HLV trẻ ấn tượng nhất trong làng xe đạp VN hiện nay, Đỗ Thành Đạt không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình mà ngày đêm anh vẫn đau đáu để làm sao VĐV xe đạp có được sự trả công xứng đáng với những hy sinh, cống hiến trên đường đua.

Được xem là HLV trẻ ấn tượng nhất trong làng xe đạp VN hiện nay, Đỗ Thành Đạt không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình mà ngày đêm anh vẫn đau đáu để làm sao VĐV xe đạp có được sự trả công xứng đáng với những hy sinh, cống hiến trên đường đua.

Giấc mơ chuyển nhượng

Ngồi trò chuyện với chúng tôi suốt buổi sáng tại Huế, ngày mà đoàn đua Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM 2013 được nghỉ tự do, Đạt nói rằng, những giây phút thư giãn như thế này thật sự hiếm hoi với các HLV và cua rơ.

Đạt nói: “Khác với những VĐV khác, VĐV xe đạp thật sự gặp muôn vàn khó khăn, bởi những lúc không thi đấu, ngày nào họ cũng phải “nuốt” hơn

100 km đường trường trong các buổi tập. Các cua rơ liên tục phải nhồi khối lượng nặng như vậy vì chỉ cần bỏ tập vài ngày thì người sẽ uể oải, khó lấy lại phong độ, quan trọng là sẽ khó đảm bảo sức bền và sức nhanh”.

 Đỗ Thành Đạt luôn tận tụy với nghề
Đỗ Thành Đạt luôn tận tụy với nghề - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Là VĐV xuất sắc trong làng xe đạp VN, Đỗ Thành Đạt đã nếm trải tất cả những đắng cay, ngọt bùi của đời cua rơ. Đó là những giọt nước mắt lúc chiến thắng hay là những khoảnh khắc thất bại dù chỉ thua đối thủ một vành xe. Rời tay khỏi ghi đông năm 2003, Đỗ Thành Đạt dấn thân vào nghiệp HLV để sống trọn niềm đam mê của mình.

Vì đã trải qua những ngày tháng gian nan, vất vả nên ngay khi vừa bước vào nghề, Đạt đã nhận thức được rằng chỉ có đưa xe đạp tiến lên chuyên nghiệp, VĐV có tiền chuyển nhượng thì mới giúp họ cải thiện được cuộc sống của mình.

“Đời VĐV xe đạp ngắn lắm, một VĐV giỏi có thể lực tốt cũng chỉ có thể đua hơn 10 năm, nên phải giúp họ có thu nhập tốt hơn. Nếu xe đạp tiến lên chuyên nghiệp như bóng đá, VĐV xe đạp có tiền chuyển nhượng, thì họ sẽ có một ít tích lũy lúc rời đường đua”. Đạt luôn trình bày ý tưởng của mình với những nhà quản lý xe đạp VN và cơ quan chủ quản mỗi khi có cơ hội, nhưng đặc thù của xe đạp VN, của thể thao VN vẫn mang nặng tính phong trào khiến ý tưởng của Đạt vẫn còn là một điều rất xa xăm.

Với gương mặt đăm chiêu, Đạt  trăn trở: “Như anh thấy đó, VĐV xe đạp cực hơn rất nhiều VĐV các môn khác, lại phải liên tục xa nhà, nên không ai có thể vừa thi đấu vừa học văn hóa. Các VĐV xe đạp đa phần đều không có bằng cấp, nên nghỉ thi đấu là thất nghiệp. Những VĐV kiếm được việc làm chỉ đếm được trên đầu ngón tay, bởi thế để thuyết phục được một VĐV trẻ có triển vọng gắn bó với xe đạp là một vấn đề không nhỏ với bất cứ HLV nào”.

Không chỉ lo cho VĐV lúc rời đường đua mà Đỗ Thành Đạt còn nói rằng ngay cả khi đang ở đỉnh cao thì một VĐV giỏi như Lê Văn Duẩn, Mai Nguyễn Hưng… thu nhập cũng chỉ có thể đủ chi phí, ăn uống sinh hoạt hằng ngày chứ không thể nào trang trải cho cuộc sống được. Với vật giá leo thang như hiện nay, thì vấn đề tính toán để các VĐV ăn uống hằng ngày như thế nào để đủ năng lượng cho mỗi chặng đua luôn là vấn đề gây nhức đầu cho BHL. “Rất may là đã đua nhiều năm, gắn bó với nhiều hàng quán quen ở các địa phương, nên chúng tôi luôn được họ vui vẻ phục vụ chu đáo mỗi khi quay trở lại. Nhờ thế mới giúp các VĐV nạp đủ năng lượng cho suốt hành trình xuyên Việt” - Đạt tâm sự.

Chuyện tình 12 năm

Xe đạp sẽ không là niềm đam mê của Đỗ Thành Đạt nếu như anh không lên TP.HCM để học nghề sửa xe ô-tô. Rời quê hương Long Thành (Đồng Nai) khăn gói lên TP.HCM để kiếm một cái nghề đã giúp Đạt làm quen với môn thể thao rất phát triển ở thành phố mang tên Bác. Đầu những năm 1990, ở trọ tại Gò Vấp, gần nhà VĐV tên tuổi Huỳnh Kim Hùng nên Đạt đã mê xe đạp như mê thần tượng của mình.

Ngay khi được nhận vào tập đội Khách sạn Thanh Bình, Đạt đã quyết định nghỉ học nghề để tập trung toàn lực tập luyện xe đạp. Thấp bé, nhẹ cân với chiều cao 1 m 60, nhưng niềm đam mê đã giúp Đạt trở thành một VĐV tên tuổi hàng đầu của xe đạp VN thời đó.

Khi được hỏi đua xe đạp luôn vất vả, nhưng điều gì đã khiến những người như Đạt luôn hết mình, anh cười rất tươi: “Nó còn hơn cả niềm đam mê, bởi đã thấm vào máu của mỗi người. Chỉ cần nghĩ đến những thử thách gian khó, những vinh quang nhận được trên một lộ trình dài, thì bất kỳ ai cũng háo hức lên đường”.

Bây giờ, Đỗ Thành Đạt hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình với người vợ rất xinh đẹp và cô con gái 3 tuổi Đỗ Thụy Thiên Thảo. Với tính rất hiền, ít nói, hay cười, Đạt đã chinh phục được cô nữ sinh đang học lớp 11 Trường Nguyễn Trung Trực (Gò Vấp), dù nữ sinh Tôn Nguyễn Khánh Vy hồi đó thua anh đến 10 tuổi. 

Mối tình của Đỗ Thành Đạt là chuyện tình lãng mạn kéo dài trong suốt 12 năm và kết thúc đẹp bằng đám cưới ngay trong ngày đội tuyển VN vượt qua Thái Lan để đoạt ngôi vô địch AFF Cup 2008. Chính vì thế đám cưới của Đạt trở thành một đám cưới rất vui bởi mọi người đều “zô zô” để mừng hạnh phúc của anh và mừng cho chức vô địch Đông Nam Á của bóng đá VN.

Với nghề của mình, Đạt phải rày đây, mai đó, nhưng anh đã được vợ tin tưởng tuyệt đối, nên gia đình luôn là hậu phương vững chắc giúp anh yên tâm theo sát các học trò trên mỗi chặng đường đua.

Đỗ Thành Đạt sinh ngày 8.6.1971 tại Đồng Nai, giành HCV Đại hội TDTT toàn quốc 2002, nhiều năm liền có mặt trong tốp 5 Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM. 3 lần đoạt áo vàng Cúp xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 2 lần đoạt áo vàng Cúp xe đạp Hội Nhà báo TP.HCM.

 

Quang Huy

>> Đua xe đạp cổ động bảo vệ môi trường biển
>> Kết thúc cuộc đua xe đạp ADC Tour of Vietnam: Eximbank TP.HCM vô địch đồng đội
>> Việt Nam lần đầu tổ chức đua xe đạp chuyên nghiệp
>> Đua xe đạp Cúp truyền hình TP.HCM 2012: Lê Nguyệt Minh gặp nạn
>> Khai mạc giải đua xe đạp Đà Nẵng mở rộng lần II
>> Giải đua xe đạp Cúp Tanimex lần 1 - 2007: Áo vàng đổi chủ
>> Kết thúc cuộc đua xe đạp Về Trường Sơn: Đặng Trung Hiếu đoạt áo vàng chung cuộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.