Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 83: Bóng bàn “thấm vào máu”

03/05/2013 00:00 GMT+7

Giới hâm mộ bóng bàn không lạ gì một tay vợt với dáng người thấp đậm từng khuynh đảo bóng bàn VN những năm cuối thập niên 1980.

Giới hâm mộ bóng bàn không lạ gì một tay vợt với dáng người thấp đậm từng khuynh đảo bóng bàn VN những năm cuối thập niên 1980.

Anh chính là Nguyễn Minh Hiền, cánh chim đầu đàn của bóng bàn miền Tây.

Vừa làm quản lý vừa huấn luyện

Ở những năm đầu thập niên 1980, cậu bé quê Vĩnh Long một mình xách vợt lên Sài Gòn tập luyện dưới sự đỡ đầu của ông Ba Đăng, lúc đó đang là Trưởng phòng TDTT Q.1. Chỉ vài năm sau, với sự chăm chỉ và siêng năng tập luyện, Nguyễn Minh Hiền trở thành nhà vô địch bóng bàn VN ở tuổi 16, sau khi đánh bại đàn anh và cũng là người thầy của mình - “tượng đài” Trần Tuấn Anh trong trận chung kết giải quốc gia năm 1986 tại Đà Nẵng.

Khi VN lần đầu trở lại hội nhập với thể thao khu vực Đông Nam Á vào năm 1989, Hiền cùng Trần Tuấn Anh, Nguyễn Đức Long, Lê Xuân Phong đem về cho bóng bàn VN chiếc HCB đồng đội nam đầu tiên. Năm 1991, một lần nữa anh tham gia SEA Games tại Philippines và đoạt HCĐ đơn nam và đồng đội nam.

Cũng như nhiều VĐV trưởng thành khác, Hiền chọn con đường trở thành HLV rồi phấn đấu thành nhà quản lý. Với cương vị Phó giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh, ngoài bóng bàn anh còn phụ trách một số môn thể thao đỉnh cao khác như bóng chuyền, võ thuật, điền kinh... Dù vậy, Minh Hiền vẫn dành thời gian để huấn luyện tuyển trẻ bóng bàn khu vực 4. Anh tâm sự: “Dù phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều việc, nhưng tôi luôn đề ra cho mình lịch làm việc hợp lý, sắp xếp hoàn thành từng phần việc rõ ràng, cụ thể, tránh ôm đồm và chồng chéo, gây ảnh hưởng lẫn nhau. Khi quản lý, chủ yếu tôi định hướng, đề ra kế hoạch và giao nhiệm vụ cho bộ phận chuyên môn thực hiện, đồng thời thường xuyên kiểm tra tiến độ. Còn khi làm HLV, tôi dấn thân vào từng giờ dạy, chỉ bảo các em từng động tác, uốn nắn những kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, lên các phương án chiến thuật để VĐV lĩnh hội và xây dựng được lối chơi cũng như phong cách của mình”.

Minh Hiền rất chịu khó gần gũi, động viên và chia sẻ với những khó khăn của từng VĐV. Anh từng bỏ tiền túi trang bị camera trong thời gian nắm đội tuyển để ghi lại tỉ mỉ các trận đấu tại giải trong nước và quốc tế, nhằm phân tích từng động tác, giúp VĐV sửa từng lỗi. Trước SEA Games 2001, tay vợt Vũ Mạnh Cường xin nghỉ tập đội tuyển do bị mắc nợ 7 môn học và phải đóng mỗi môn 500.000 đồng để thi lại. Chính anh đã tìm đến các nhà hảo tâm để xin tiền đóng cho Mạnh Cường. Nhờ vậy, Mạnh Cường an tâm tập luyện để rồi đem về cho VN chiếc HCV quý giá. Minh Hiền chia sẻ: “Làm HLV không chỉ là người thầy mà còn là người anh, người bạn của VĐV, phải tìm hiểu và gắn bó với từng bước đi, từng thành công hay thất bại của mỗi người. Tôi luôn tự nhủ chỉ cần có tâm huyết và thương yêu các em, bên cạnh việc chịu khó học hỏi những phương pháp huấn luyện tiên tiến để truyền đạt cho họ thì ắt sẽ thành công thôi”.

Đừng gò ép tuổi trẻ

Có mặt tại giải vô địch bóng bàn toàn quốc vừa tổ chức ở Đà Lạt, Minh Hiền nhận xét: “Chất lượng năm nay tuy có vài khởi sắc khi có một số nhân tố mới xuất hiện, nhưng không khí nhìn chung vẫn rất buồn vì các tay vợt trẻ hiện nay không còn nhiều đam mê như trước. Bên cạnh đó, ý thức kỷ luật cũng không được tốt. Tôi biết vài tay vợt trẻ có triển vọng từng vướng vào tệ nạn cờ bạc và hút chích. Như thế làm sao có đủ lớp kế thừa xứng đáng thay cho đàn anh”.

Ở tuổi 43, gần như cuộc đời của anh từ khi cầm vợt đến giờ đều gắn liền với bộ môn này. Minh Hiền nói: “Bóng bàn đã ăn vào máu thịt của tôi. Có lẽ tôi vẫn còn cống hiến cho bóng bàn đến khi nào không đủ sức nữa thì thôi”.

Đầu năm 2001, anh lập gia đình với đồng nghiệp là tay vợt Phan Thị Hạ Trang. Hiền kể lại: “Đám cưới xong khoảng 2 tuần, tôi phải xách va li lên đường ra Hà Nội theo lệnh triệu tập của quốc gia. Trước đó, gia đình và bạn bè khuyên nên để sau SEA Games hãy tổ chức đám cưới. Nhưng tôi lại muốn việc nào xong việc đó để toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ cùng đội tuyển”. Đến nay, Nguyễn Minh Hiền đã có 2 con, một 10 tuổi và một 5 tuổi. Cả hai hiện chơi bóng bàn ở dạng nghiệp dư. Minh Hiền nói: “Không phải tôi không muốn con mình đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp mà tôi và bà xã luôn tạo cơ hội cho các cháu. Quan trọng là phải có đam mê thật sự và phải có năng khiếu thì tài năng mới có cơ hội phát triển. Nếu không có những yếu tố này thì đừng nên ép các con theo. Làm thế chẳng thể nào mang lại thành công được”.

Nguyễn Minh Hiền sinh năm 1970 tại Vĩnh Long, vô địch Việt Nam năm 1986, giành HCB đồng đội nam tại SEA Games năm 1989, HCĐ đơn nam và đồng đội nam năm 1991, từng dẫn dắt Vũ Mạnh Cường có được HCV đơn nam SEA Games 2001.

Minh Tân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.