Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 97: Kinh doanh vì “nghiện” cầu lông

19/05/2013 03:39 GMT+7

Đam mê cầu lông đến mức “cãi” lại cha mẹ, nhưng cô gái quê lúa Thái Bình vẫn phải cám ơn song thân vì nhờ vậy cô mới có được ngày hôm nay.

Đam mê cầu lông đến mức “cãi” lại cha mẹ, nhưng cô gái quê lúa Thái Bình vẫn phải cám ơn song thân vì nhờ vậy cô mới có được ngày hôm nay.

Tên gọi yêu thương

Đằng sau cái tên Bình Thơ nghe như bút danh của một nữ văn sĩ là câu chuyện thú vị. Cha cô công tác tại Cần Thơ, mẹ vào thăm cha, ở lại 1 năm thì có Thơ. Thơ được sinh trên đường cha mẹ đi tàu hỏa từ Sài Gòn về ga Nam Định. Theo dự tính của bác sĩ thì về đến Thái Bình, phải 2 tuần nữa mẹ mới sinh, thế nhưng em bé “sốt ruột” quá, bố mẹ phải xuống tàu gấp. Bé gái đón mặt trời ở trạm xá Xuân Sơn, tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định), ngay sau đó được đặt tên Bình Thơ. Cái tên được ghép bởi 2 từ trong 3 địa danh: Cần Thơ - nơi tình yêu cha mẹ đơm hoa kết trái, Nghĩa Bình - nơi Thơ sinh và Thái Bình - quê hương cha mẹ, cũng là nơi Thơ đang sống và lập nghiệp.

Bình Thơ tại cửa hàng của cô ở Thái Bình
Bình Thơ tại cửa hàng của cô ở Thái Bình - Ảnh: Như Minh 

Bình Thơ lớn lên cùng tinh hoa của những miền đất trong tên gọi yêu thương. Sự chăm chỉ, hiếu học của quê lúa Thái Bình. Sự phóng khoáng của con người miền Tây và không thể thiếu tinh thần thượng võ của nơi cô cất tiếng khóc chào đời. Đó có thể là nguyên nhân khiến bé Thơ từ nhỏ đã hiếu động, thích đủ các môn thể thao, đặc biệt là bóng đá. Những năm cấp 2, tình yêu bóng đá “cám dỗ” Thơ trốn không ít các buổi học để được tung hoành trên sân. Sau đó cô chuyển đam mê từ bóng đá sang cầu lông.

Năm 2003 là bước ngoặt trong sự nghiệp thi đấu của Thơ khi cô quyết định vào Đà Nẵng tập luyện với đội tuyển trẻ VN. Với nhiều người, được gọi vào ĐTQG là vinh dự và cơ hội lớn. Thế nhưng cha Thơ không đồng tình ngay. Ông nghĩ nếu Thơ quyết định chọn thể thao chuyên nghiệp, việc học văn hóa bỏ dở, đồng nghĩa với con đường tương lai khép lại. Hai bố con tranh luận rất căng thẳng. Thơ nóng nảy và ngang bướng, cô đã muốn gì thì phải làm bằng được. Cha Thơ đành chịu thua. Ông chỉ còn cách “điều động” mẹ Thơ tạm gác việc buôn bán ở Thái Bình vào Đà Nẵng chăm sóc để con có thể học tiếp hệ THPT, không phải học hệ bổ túc văn hóa của trường thể thao. Ngày vào Đà Nẵng, Thơ không khóc mà trong lòng thổn thức. Nghĩ đến cha một mình ngoài Bắc, nghĩ đến mẹ sớm hôm tần tảo để Thơ vừa được học hành tử tế, vừa được tập thể thao. Cô càng thôi thúc mình phải có thành tích cao để báo hiếu và minh chứng với cha mẹ rằng cô đã đúng khi lựa chọn cầu lông!

Duyên kinh doanh gắn với cầu lông

Ông trời không phụ người có chí. Thơ luôn khẳng định năng lực bằng những huy chương. Mỗi huy chương ghi dấu một chặng đường cô đi qua. Thơ không quên lần nhận HCV năm 2006, tấm HCV đầu tiên trong sự nghiệp đỉnh cao của Thơ. Liên tiếp từ đó đến năm 2009, Thơ vô địch và bảo vệ ngôi vô địch đơn nữ toàn quốc. Năm 2006, Thơ theo học hệ tại chức ĐH TDTT Từ Sơn, rồi sau đó học luôn bằng thạc sĩ. Cô gái đã thử sức vai trò HLV trong suốt quá trình từ 2006 - 2010 khi vừa đi học vừa  huấn luyện các VĐV trẻ. Sau Đại hội TDTT toàn quốc 2010, Thơ nghỉ hẳn việc thi đấu chuyên nghiệp, chuyên tâm vào công tác huấn luyện.

Là người cầu toàn, muốn gì phải làm bằng được dù có khó khăn, Thơ mang chính những bài học mình từng trải lúc chập chững bước vào cầu lông chuyên nghiệp để dạy bảo các em. Cô giáo trẻ lúc nào cũng ấp ủ ước mơ được đi học ở nước ngoài để có thêm nhiều bài tập hiệu quả hơn với các tuyển thủ trẻ.

“Nghiện cầu lông rồi”, nhiều người trêu Thơ như thế, bởi có cảm giác cô gái làm gì, ở đâu cũng có bóng dáng cầu lông bên cạnh. Mô hình kinh doanh đồ thể thao, các sản phẩm liên quan đến cầu lông của Thơ được gây dựng từ năm 2005 đến 2008 thì phát triển thành một cửa hàng lớn tại ngay gia đình. Thơ hiểu rõ người chơi cần gì và cái gì tốt nhất cho người chơi ở các cấp độ khác nhau, chính vì thế cửa hàng ngày một ăn nên làm ra. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở Thái Bình mà còn nhiều tỉnh thành lân cận, một phần nhờ sự góp sức của cha mẹ cũng như chị gái Thơ những ngày cô bận rộn cho công tác chuyên môn.

Mấy năm trở lại đây, nhiều người gặp phải thốt lên không nhận ra vì Thơ xinh hơn cô gái “quần đùi áo phông” ngày trước nhiều quá. Vẻ đẹp càng mặn mòi sau khi cô lên xe hoa một ngày đẹp trời cuối năm 2012. Chồng Thơ, chàng trai bằng tuổi và... không biết gì về cầu lông. Họ yêu nhau và mong chờ một thiên thần bé nhỏ, như trước đây cha mẹ họ từng yêu nhau và cho cuộc đời một Bình Thơ như thế... 

Nguyễn Thị Bình Thơ sinh năm 1985, quê Thái Bình, giành 38 huy chương các loại từ các giải quốc gia, quốc tế, trong đó có 17 HCV, 14 HCB và 7 HCĐ. 4 năm liên tiếp từ 2006 đến 2009, Thơ giành vô địch và bảo vệ thành công ngôi vô địch đơn nữ cầu lông toàn quốc.

T.H

>> VN vào bán kết cầu lông
>> Khán giả hờ hững với cầu lông
>> Tiến Minh dừng bước ở tứ kết cầu lông toàn Anh
>> Tiến Minh dự giải cầu lông Trung Quốc
>> Tiến Minh vô địch giải cầu lông Đài Loan
>> Tiến Minh dự giải cầu lông Đài Loan
>> Nguyễn Tiến Minh dự giải Vô địch cầu lông cá nhân toàn quốc 2012

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.