33 tuổi mới lên tuyển và có ngay danh hiệu Quả bóng đồng Việt Nam, nhưng 11 năm sau Huỳnh Hồng Sơn vẫn phải “chờ việc”.
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 97: Kinh doanh vì “nghiện” cầu lông
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 96: Có duyên nhưng không phận với karatedo
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 95: Dũng mãnh trên sân, thầm lặng ngoài đời
Cột mốc 2002
2001 là năm bóng đá Việt Nam có thành tích không tốt nên chiếc HCĐ Tiger Cup 2002 (tiền thân của AFF Cup) mà HLV Calisto dẫn dắt đội tuyển quốc gia giành được xem như một dấu mốc quan trọng của đội tuyển.
Nhiều cầu thủ cao tuổi và có kinh nghiệm thi đấu được triệu tập vào ĐTQG năm 2002, trong đó Huỳnh Hồng Sơn. Dù đã ở tuổi 33 nhưng anh vẫn được tin tưởng giao đá cặp với Lê Huỳnh Đức trên hàng tiền đạo. Sơn cho biết: “Khi được HLV Calisto gọi vào đội tuyển tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì không ngờ ở tuối xế chiều của bóng đá rồi mà vẫn có cơ hội góp mặt vào tuyển, nhưng lo bởi thể lực của mình không còn tốt nữa e rằng sẽ phụ lòng người hâm mộ, thầy Calisto và đồng đội. Nhờ được sự động viên của thầy và sự khích lệ của gia đình, bạn bè, tôi đã chiến đấu đến cùng và thật vui khi đứng được đến giờ chót trong đội hình của thầy Calisto năm 2002. Mặc dù là cầu thủ lớn tuổi nhất đội và thi đấu với mật độ 2 ngày/trận nhưng thể lực của tôi vẫn rất tốt, đáp ứng được yêu cầu của HLV, tạo được sự gắn kết với đồng đội”.
|
Ở giải này, Hồng Sơn ghi được 3 bàn gồm bàn mở tỷ số vào lưới Campuchia trong chiến thắng 9-2 và 2 bàn vào lưới Philippines trong trận thắng 4-1. Phần thưởng cho những nỗ lực của anh là danh hiệu Quả bóng đồng VN 2002 và năm này cũng là năm đánh dấu nhiều kỷ niệm đẹp của anh với nghiệp đá bóng, khi cùng đội Cảng Sài Gòn (CSG) đăng quang giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp.
|
Tâm trạng chờ việc
Hồng Sơn gắn bó với đội CSG suốt gần 15 năm. Đội bóng có những thăng trầm như chính cuộc đời của anh, có những thời kỳ hưng thịnh và có những lúc phải “đeo” theo nỗi buồn, nhưng “truyền thống CSG” vẫn mãi in đậm trong anh. Sơn cho biết: “Chính CSG đã tạo nên nhiều tên tuổi giỏi về chuyên môn, đẹp về phong cách. Bản thân tôi học được rất nhiều ở các thầy, nhất là trong những buổi tập của HLV Phạm Huỳnh Tam Lang. Thầy là người hiểu tâm lý từng người và luôn đề ra các bài tập phù hợp với thể trạng cũng như sức khỏe của mỗi cầu thủ. Chính nhờ những buổi tập có chiều sâu và chất lượng như thế nên “quỹ sức khỏe” của mỗi thành viên đội CSG cũ được tích lũy cho đến tận bây giờ”. Ngoài Sơn, những cái tên như Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn, Hồ Văn Lợi, Trần Quan Huy… vẫn sung sức, vẫn hoạt động như những “con ngựa bất kham”.
Sơn kể: “Dù bây giờ mỗi người một hoàn cảnh nhưng các thành viên CSG cũ hễ nghe có trận bóng từ thiện hay giải lão tướng là lại xách giày ra sân. Có lần, nghe tin đồng đội Lê Hoài Thanh bị tai nạn chấn thương cột sống, anh em đã phối hợp với các nghệ sĩ TP.HCM tổ chức trận đấu tại sân Kỳ Hòa để gây quỹ được 18 triệu đồng giúp Hoài Thanh trị bệnh. Ngoài việc đá cho khỏe hằng tuần, Hồng Sơn còn tham gia cùng các cựu cầu thủ CSG huấn luyện lớp bóng đá mang tên “Ươm mầm tương lai” cho các em trong độ tuổi 9 - 15. Các lớp học này được tổ chức từ cuối năm 2011, đến nay vẫn đang hoạt động đều đặn. Chính Hồng Sơn đã khuyến khích con trai đầu của mình tham gia lớp học này để “cho cháu được khoác trang phục truyền thống của đội bóng mình từng tham gia, ngầm cho cháu hiểu dần lối chơi và phong cách lịch lãm của các cầu thủ đã một thời chinh phục người hâm mộ bóng đá cả nước”.
Nói về công việc hiện tại, Hồng Sơn cho biết: “Mấy năm trước tôi làm trợ lý trong ban huấn luyện CLB TP.HCM nhưng bây giờ đang thất nghiệp. Tôi vẫn đang chờ việc, mà chờ từ tháng 8 năm ngoái đến nay nên gay go lắm!”. Gặng hỏi thêm, anh mới thổ lộ:“Nói thật, nếu chỉ riêng cá nhân tôi thì đành chờ, nhưng ở đây là quyền lợi chính đáng của cả tập thể. Trước khi CLB TP.HCM giải thể, một số thành viên trong ban huấn luyện và cầu thủ ở TP.HCM (khoảng trên 10 người) vẫn bị CLB nợ 5 tháng lương, đến nay cũng chưa biết bao giờ được trả. Đầu tháng 5.2012, lãnh đạo CLB xác nhận với đội bóng “có nợ”, nhưng lại không nói rõ trả nợ vào thời điểm nào; đến bây giờ đã đúng 1 năm nhưng vẫn không thấy ai liên lạc với anh em. Tôi biết lãnh đạo đội cũng có những khó khăn nhất định về kinh tế nhưng nếu cứ để tình hình này kéo dài thì tâm lý rất mỏi mệt”.
Dù đang trong tâm trạng chờ việc nhưng Hồng Sơn vẫn còn niềm vui khi luôn có sự chăm sóc động viên của gia đình. Bà xã Sơn là Huỳnh Thị Diễm Kiều rất tinh tế và luôn chia sẻ buồn vui cùng chồng, còn hai con Nhật Kha - Nhật Minh của anh học giỏi và cũng đam mê bóng đá không khác gì cha.
Nhựt Quang
Bình luận (0)