Sao Việt khai thuế thu nhập ra sao? - Cá nhân gánh thuế nặng hơn doanh nghiệp

21/08/2018 06:49 GMT+7

Có một thực tế là các luật về quản lý thuế của VN còn sơ hở, chưa hợp lý và quá rắc rối. Điều này khiến cho nhiều người có thu nhập cao tìm mọi cách để trốn thuế.

Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Ví dụ biểu thuế cao nhất của thuế TNCN lên mức 35% trong khi thuế TNDN cao nhất 20% là chưa phù hợp. Chi phí cho cá nhân ít được khấu trừ như chi phí của hoạt động DN.
Mức chênh lệch đó khiến cá nhân trong ngành giải trí cũng như nhiều lĩnh vực khác phải chuyển sang khai thuế dưới dạng DN là chuyện dễ hiểu. Bên cạnh đó, quy định các khoản chi trả cho DN khác từ 20 triệu đồng trở lên phải được trả qua tài khoản ngân hàng nhưng việc chi trả cho cá nhân lại không được quy định cụ thể. Chẳng hạn trong lĩnh vực giải trí, các diễn viên, ca sĩ đều có tài khoản ngân hàng nên cần phải quy định bắt buộc các đơn vị tổ chức, quản lý phải chi trả cát sê thông qua tài khoản.
“Quan trọng nhất là phải quản từ gốc mới ngăn chặn được các vụ thất thoát hay cố tình trốn thuế. Ví dụ quản lý chặt các DN tổ chức sự kiện, quản lý biểu diễn… thông qua hóa đơn chứng từ, chi phí có hợp lý hợp lệ hay không. Bên cạnh đó, thu nhập qua mạng xã hội như Facebook, Google đã được kê khai và khấu trừ đầy đủ hay chưa? Tương tự, nên xem xét và điều chỉnh lại tổng thể chính sách thuế TNCN để đơn giản, hạ thấp mức phải nộp để khuyến khích mọi cá nhân có thu nhập đóng thuế cũng như không đẩy nhiều người vào việc gian lận. Hay bổ sung quy định không dùng tiền mặt với các trường hợp DN chi trả chi phí liên quan trong hoạt động giải trí…”, luật sư Đức chia sẻ thêm.
Luật sư Châu Huy Quang, điều hành Hãng luật R&T LCT, chỉ ra có khá nhiều cách khác nhau để lẩn tránh nghĩa vụ thuế, có thể kể như ghi sai, ghi giảm mức thu nhập thực tế, tăng chi phí khấu trừ, giá chuyển nhượng để giảm mức thuế phải đóng; cho người khác dùng tên mình để tránh thuế; sử dụng trộm mã số thuế của cá nhân khác để kê khai, khấu trừ thuế; kê khai chồng chéo người phụ thuộc để được tăng mức giảm trừ nhằm tránh nộp thuế… Hiện nay, thuế TNCN và thuế TNDN là hai loại thuế đánh vào đối tượng và mục đích khác nhau. Mặc dù vậy, mức thuế TNCN cao nhất đến 35% (đối với phần thu nhập trên 960 triệu đồng/năm) là mức cao so với một số nước trong khu vực. Sự chênh lệch lớn giữa thuế TNCN với thuế TNDN có thể dẫn đến việc người có thu nhập cao thành lập DN bình phong để giảm mức thuế phải đóng.
"Được biết, dự thảo sửa đổi luật thuế TNCN đã đang đề xuất giảm thuế TNCN xuống, với mức thuế cao nhất còn 30% để bảo đảm tính tương quan hợp lý với thuế TNDN. Tôi cho rằng giải pháp này cũng tương thích với xu thế cải cách thuế ở các nước trong khu vực", luật sư Châu Huy Quang nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.