Vốn FDI giải ngân 6 tháng tăng cao nhất cùng kỳ 5 năm
Theo Bộ KH-ĐT, thời gian qua, nắm bắt được những tiềm năng và lợi thế trong ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ KH-ĐT đã tham mưu cấp có thẩm quyền từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trực tiếp làm việc với các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, nâng cao năng lực về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành KH-ĐT và thống kê chiều nay 15.7, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, một trong những kết quả nổi bật của toàn ngành nửa đầu năm là đẩy mạnh đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược của Việt Nam (như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…).
Cạnh đó, thu hút các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực chip, bán dẫn, AI…; làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. "Thu hút các dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn", ông Dũng nói.
Ở góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, nửa đầu năm, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng minh sự hấp dẫn đáng kể. 6 tháng qua, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá, tổng vốn đăng ký đạt gần 15,2 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó vốn đăng ký mới tăng 46,9%.
Số vốn FDI giải ngân đạt 10,84 tỉ USD, tăng 8,2%, tăng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây. "Điều này phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết tại thị trường Việt Nam; đồng thời phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo…", Bộ KH-ĐT đánh giá.
Nghiên cứu gói chính sách đủ lớn hỗ trợ công nghiệp bán dẫn
Theo người đứng đầu ngành KH-ĐT, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương vừa qua, Chính phủ đã quyết nghị kịch bản tăng trưởng năm 2024 phấn đấu ở mức cận trên là 6,5 - 7%, cao hơn mục tiêu 6 - 6,5% tại nghị quyết của Quốc hội.
Mục tiêu này cũng cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2024 là 5,8%; Ngân hàng Thế giới (WB) là 5,5%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 6%...
Trong khi đó, bối cảnh, tình hình thời gian tới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế.
Bên cạnh tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, đầu tư tư nhân phục hồi chậm, sức mua trong nước tăng chậm, chi phí sản xuất tăng cao, ông Dũng còn nhấn mạnh: "Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm".
Bộ trưởng KH-ĐT nêu rõ, thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết. Cùng đó, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chip, bán dẫn… chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực.
Thể chế, chính sách, quy định pháp luật còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm, nhũng nhiễu, gây phiền hà… cũng là điều được ông Dũng nhắc tới.
Đề cập nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành cần thực hiện trong nửa cuối năm, theo Bộ trưởng KH-ĐT: "Cần xác định lấy cải cách thể chế làm khâu đột phá, động lực cho phát triển; chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi các quy định còn vướng mắc, bất cập và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan rà soát các vướng mắc pháp lý ở tầm luật và dưới luật, kiến nghị ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban để xem xét, tháo gỡ".
Ngoài ra, rà soát, sửa đổi ngay các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, không cần thiết cho quản lý nhà nước, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh việc tháo gỡ, giải quyết, xử lý các dự án, đất đai tồn đọng để giải phóng nguồn lực cho phát triển.
"Cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tạo điều kiện, môi trường để thu hút đầu tư tư nhân, vốn FDI.
Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chip, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bình luận (0)