Sự phát triển của công nghệ ngày càng diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Trong đó, công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển công nghệ hiện đại.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố chương trình "Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam" 2024 chiều 18.3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam hiện nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo.
Ngành bán dẫn ở Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022 - 2027.
"Nắm bắt được cơ hội đó, Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn; tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp công nghệ để hỗ trợ, phát triển và lan tỏa", ông Đông nói.
Đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT thông tin thêm, Bộ KH-ĐT đã phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030.
Từ góc độ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia của Intel Việt Nam, cho biết Bộ KH-ĐT đã làm việc với các doanh nghiệp để ghi nhận các ý kiến đóng góp thiết thực cho mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện đề án.
Theo ông Thắng, trong số 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo, cần phân loại nhân lực cho từng công đoạn trong chuỗi của ngành bán dẫn để có lộ trình đào tạo phù hợp nhất. Phía Intel nhấn mạnh sẽ hỗ trợ các bộ, ngành trong việc thực hiện đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Liên quan tới chương trình "Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam" 2024, ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Meta, cho biết: "Meta tự hào là đối tác tin cậy của Việt Nam. Chúng tôi mong muốn tạo ra một sân chơi trí tuệ nhằm thúc đẩy các ý tưởng và tận dụng các cơ hội trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Sáng kiến này sẽ góp phần tăng cường tính hội nhập lĩnh vực công nghệ của Việt Nam trong nền kinh tế số toàn cầu".
"Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam" là chương trình hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ KH-ĐT chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức. Chương trình diễn ra lần đầu tiên năm 2022.
Chương trình năm 2024 bao gồm 3 nhóm.
Nhóm doanh nghiệp lớn đổi mới sáng tạo: Các doanh nghiệp lớn đổi mới sáng tạo với các giải pháp tích hợp, đã được thị trường kiểm chứng và sẵn sàng triển khai ở quy mô lớn.
Nhóm doanh nghiệp SMEs đổi mới sáng tạo: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo đã có các sản phẩm, dịch vụ thực tế về công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đã triển khai thực tế trên thị trường và đã có doanh thu.
Nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Các dự án đổi mới sáng tạo và công ty khởi nghiệp đang có các ý tưởng, đề xuất, mô hình tiếp cận mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị chung ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Các trường, viện đào tạo nghiên cứu đã và đang hoạt động trong ngành vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Bình luận (0)