Sáp nhập để mạnh hơn

08/11/2011 23:50 GMT+7

Tái cơ cấu các ngân hàng, (NH) theo quan điểm của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (ảnh), trước tiên phải phân khúc lại thị trường để các NH hoạt động đúng trong khả năng, sức khỏe và quy mô của mình.

Tái cơ cấu các ngân hàng, (NH) theo quan điểm của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (ảnh), trước tiên phải phân khúc lại thị trường để các NH hoạt động đúng trong khả năng, sức khỏe và quy mô của mình.

Nhiều ý kiến cho rằng quá trình tái cơ cấu NH khó tránh khỏi việc mua bán, sáp nhập. Điều này, theo ông có xảy ra không?

Đó là xu hướng tất yếu, thuận theo quy luật của thị trường. Ở Việt Nam, từ trước tới nay không phải không có các NH mua bán hay sáp nhập với nhau, đầu năm 2011 chúng ta chứng kiến vụ sáp nhập điển hình giữa NH Thương mại cổ phần Liên Việt (LienVietBank) với Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện (VPSC), trở thành NH Thương mại cổ phần bưu điện Liên Việt. Ở đây thấy rằng, về mặt pháp lý dù hành lang và hàng rào chưa hẳn là hoàn thiện, nhưng đã có để các tổ chức tín dụng chủ động sáp nhập. Điều quan trọng là hai bên cảm thấy có lợi, sáp nhập để tồn tại và phát triển. Phương hướng của chúng ta sắp tới sẽ khuyến khích các NH tự sáp nhập lại với nhau khi phải cơ cấu lại.

Rõ ràng, số lượng NH đang vượt quá nhu cầu, nhưng muốn biết bao nhiêu cho đủ thì phải do thị trường quyết định

Nếu các NH không tự nguyện làm việc này thì sao?

Chúng ta cũng phải tôn trọng họ, vì có thể một số NH cho rằng dù yếu, dù nhỏ nhưng vẫn có thể tồn tại, tham gia vào thị trường tài chính. Chúng ta không cấm được. Vấn đề là nếu không sáp nhập, hợp nhất thì lộ trình tồn tại và phát triển của hệ thống NH sẽ như thế nào. Không thể là những quyết định duy ý chí, nếu mai NH không tăng được vốn từ 1.000 tỉ đồng lên 3.000 tỉ hay 5.000 tỉ đồng sẽ bị đóng cửa, mà phải có lộ trình và giải pháp cơ cấu lại. Theo tôi, lúc đó có thể phải đưa ra một quyết định hành chính là phân khúc lại thị trường. Nghĩa là có cơ chế, quy định để một số NH chỉ hoạt động trong một số lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, NH quy mô nhỏ, chi nhánh ít, năng lực quản trị còn chưa tốt hoạt động ở khu vực nông thôn. Các NH mạnh hơn hoạt động rộng hơn, làm sao phải phân khúc rõ ràng, không để các NH yếu tiềm lực ảnh hưởng quá rộng, trải chi nhánh trên khắp các tỉnh thành. Trong trường hợp tổ chức tín dụng nào đã cổ phần hóa rồi phải ra quy định yêu cầu tiếp tục, nhanh chóng lên sàn OTC hoặc đưa lên sàn chứng khoán tập trung. Tuy nhiên, với các trường hợp này, NH Nhà nước có thể dùng ngân sách mua lại cổ phần để trở thành cổ đông chính hoặc ủy quyền cho một NH nào đó sử dụng tiền vốn của NH Nhà nước mua lại, kể cả bảo hiểm tiền gửi.

Chủ trương tái cơ cấu NH có đề cập tới việc giảm quy mô, số lượng, theo ông với một nền kinh tế như nước ta cần bao nhiêu NH, và quy mô hoạt động như thế nào?

Muốn xác định số lượng NH đảm bảo cung ứng đủ vốn, đáp ứng được sự phát triển nền kinh tế rất khó. Tôi giả sử nếu chỉ có khoảng 97 tổ chức tín dụng hoạt động trong nền kinh tế có GDP hơn 100 tỉ USD, bình quân mỗi NH chỉ phục vụ trên dưới 1 tỉ USD, trong khi vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng, trên thế giới không có tổ chức nào hoạt động và phục vụ số lượng ít ỏi như vậy. Tuy nhiên, phải thấy rằng cái nhỏ của chúng ta bởi các DN sản xuất kinh doanh cũng vẫn còn nhỏ và yếu, khi ra hội nhập kinh tế quốc tế khó cạnh tranh, hiệu quả thấp. Rõ ràng, số lượng NH đang vượt quá nhu cầu, nhưng muốn biết bao nhiêu cho đủ thì phải do thị trường quyết định. Thị trường ở đây, như tôi đã nói chính là sự phân khúc.

Muốn tái cơ cấu trước hết phải tổng rà soát lại, vậy chúng ta nên có những tiêu chí gì để đánh giá sức khỏe của từng NH, xác định rõ đối tượng cần xử lý?

Tổng rà soát chủ yếu các tiêu chí về chất lượng tài sản, nợ xấu về quy mô hoạt động thông qua các chi nhánh.

Quá trình tái cơ cấu cần làm gì để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, nhất là khi các NH mua bán, sáp nhập xử lý lại tài sản, thưa ông?

Không phải ngẫu nhiên chúng ta nâng quy định về bảo hiểm tiền gửi từ nghị định lên thành luật, bởi vì muốn tạo những bước chuẩn bị pháp lý, để cuối năm 2012 khi thông qua, quá trình tái cơ cấu nếu xảy ra rủi ro đã có hệ thống luật bảo vệ. Tuy nhiên, tôi khẳng định, người gửi tiền sẽ không bị ảnh hưởng gì, các món tiền gửi sẽ vẫn an toàn và sinh lời vì khi mua bán, hay sáp nhập điều đầu tiên các NH phải làm là đảm bảo quyền lợi của khách hàng, Thông tư 04 năm 2010 của NH Nhà nước về mua bán, sáp nhập tổ chức tín dụng đã quy định rõ rồi.

Xin cảm ơn ông!

Anh Vũ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.