Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) cũng đã âm thầm cho nhiều cán bộ giảng viên nghỉ việc do hoạt động không hiệu quả.
Theo một số người vốn là cán bộ giảng viên Trường ĐH Hà Hoa Tiên, năm ngoái trường tuyển được mấy chục sinh viên, song chủ tịch hội đồng quản trị của trường vẫn quyết định ngừng tuyển sinh năm nay. “Trường còn rất ít sinh viên các năm cuối. Trước đó, trường đã thông báo để cán bộ, giảng viên của mình chủ động đi tìm việc nơi khác. Những ai chưa tìm được việc thì có thể nghỉ không lương nhưng vẫn được trường tiếp tục chi trả phần bảo hiểm xã hội mà nhà trường phải đóng. Hiện tại anh em cũng đã tìm được việc làm hết rồi, số còn lại còn làm việc ở trường rất ít, chỉ khoảng chục người”, một vị nguyên là cán bộ của trường cho biết.
Theo phản ánh của người dân địa phương, tại trụ sở của trường ở H.Duy Tiên, Hà Nam, bảng tên Trường ĐH Hà Hoa Tiên đã được hạ xuống, thay vào đó là bảng tên dự án quy hoạch cụm Trường Công an nhân dân của Bộ Công an. Theo một nguồn tin của chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Hà Hoa Tiên không có ý định tiếp tục đầu tư vào giáo dục. Vì thế, đất và tài sản trên đất của nhà trường sẽ chuyển nhượng hoặc đổi đất nơi khác (để kinh doanh lĩnh vực khác) cho Bộ Công an. Có thể trường sẽ được chủ đầu tư làm các thủ tục giải thể hoặc chuyển lại tên pháp lý của trường cho cơ sở khác.
Một lãnh đạo Cục Đào tạo, Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an cho biết việc xây dựng cụm Trường Công an nhân dân trên đất Trường ĐH Hà Hoa Tiên hiện chỉ mới ở bước đàm phán giữa hai bên.
“Khi một trường ĐH đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động, rắc rối lớn nhất là giải quyết như thế nào với số sinh viên còn lại. Cho nên vấn đề của chúng ta không phải là giải quyết thế nào khi trường ĐH giải thể mà phải làm thế nào để đảm bảo trường ĐH phải đào tạo có chất lượng khi còn chưa ngừng hoạt động”, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nhận xét.
Cũng theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, một nguyên nhân khiến nhiều trường lâm vào tình trạng “sống mòn” mà không cần giải thể nhờ vẫn cứ tuyển sinh lay lắt được là sự thiếu mạnh mẽ trong chính sách quản lý. “Chúng ta cứ đặt ra các tiêu chí nhưng cơ sở đào tạo nào không đạt được cũng không sao”.
Các chuyên gia cũng cho rằng phải tạo một hành lang pháp lý để những trường đang “sống” phải thật sự là những cơ sở đào tạo đảm bảo chất lượng từ mức tối thiểu, tránh để tình trạng có trường “dở sống dở chết” trong nhiều năm mà thí sinh lại không có thông tin về việc này. Như trường hợp Trường ĐH Hà Hoa Tiên, cho đến thời điểm này, ngay cả các cơ quan chức năng của Bộ vẫn chưa có thông tin về hiện trạng hoạt động của nhà trường. Một chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH cho biết chỉ thấy trường vẫn chưa gửi cho Bộ các thông tin tuyển sinh năm 2016.
Bình luận (0)