Trước đó, tại buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng với quận Bình Tân chiều 23.12, ông Đỗ Văn Đạo, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nêu thực trạng: Quận 4 diện tích 4 km2, nhỏ hơn cả phường Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân). Dân số chỉ hơn 200.000 người, chưa gấp đôi được phường này thế nhưng quận 4 vẫn phải duy trì bộ máy cấp quận và 15 bộ máy thu nhỏ cấp phường.
“Nếu cho sáp nhập với một quận khác sẽ tiết kiệm rất nhiều về biên chế, cơ sở vật chất...”, ông Đạo đề xuất với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.
tin liên quan
Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập một số phường, quận TP.HCMPhó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Đỗ Văn Đạo cho biết Sở Nội vụ sẽ nghiên cứu, kiến nghị Thường trực Thành ủy TP.HCM sáp nhập một số phường, kể cả sáp nhập quận, để tinh giản biên chế, tiết kiệm cơ sở vật chất.
Tinh giản bộ máy trung gian
Đa số các chuyên gia được hỏi đều cho rằng, việc sáp nhập sẽ giúp tiết kiệm ngân sách chi cho quỹ lương, quỹ đất cũng dư ra và đặc biệt quan trọng là tổ chức lại bộ máy để quản lý tốt hơn, tạo thuận lợi trong phát triển về kinh tế xã hội.
|
|
Ủng hộ đề xuất sáp nhập vì cho rằng thực tế có nhiều phường rất nhỏ, TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học - Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích cái lợi rất lớn là việc này giúp thu hẹp các đầu mối trong quản lý. Ví dụ ở quận Phú Nhuận có nhiều phường như 12 - 13 - 14 rất bé nhưng vẫn có đầy đủ một bộ máy và phường nào cũng phải tốn quỹ đất cho khu Đảng, chính quyền, các tổ chức Mặt trận đoàn thể. Nếu chúng ta gom lại với nhau sẽ giảm được nhân sự hiện quá cồng kềnh và tiết kiệm được quỹ đất để làm chuyện khác.
Đồng tình quan điểm trên, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định: Hiện nhân sự hành chính không riêng TP.HCM mà tại VN đang thừa và phí phạm vô cùng. Tinh giảm nhân sự chắc chắn quyền lợi của các cán bộ hành chính của quận, phường sẽ ảnh hưởng. Nhưng với người có năng lực, có thể bố trí họ sang các việc khác.
“Trong tương lai, chính phủ điện tử sẽ được xây dựng hoàn thiện. Lúc đó, quản lý hành chính có phần mềm đảm trách, không cần nhiều người nên việc tinh giảm nhân sự bắt buộc phải tiến hành. Việc sáp nhập các cơ quan hành chính lúc này là bước chuẩn bị cần thiết cho chương trình chính phủ điện tử trong tương lai gần”, ông nói.
PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng đây là đề xuất tốt, nhưng không biết có làm được không vì còn phụ thuộc một số điều kiện. Theo ông Hảo, nếu có chính phủ điện tử tốt, chúng ta có thể sáp nhập 3 - 4 quận vào một chứ không chỉ có 2 quận với nhau. Việc sáp nhập các phường không những tinh giản biên chế công chức nói chung mà tinh giản được các chức danh quản lý. Chẳng hạn, giảm bớt một ông chủ tịch phường, sẽ bớt các khoản chi bên cạnh lương như văn phòng, bộ máy giúp việc, máy tính, máy in... Nếu sáp nhập quận, thì chi phí giảm được còn lớn hơn nhiều.
|
|
Đánh giá đó là một ý tưởng hay và hoàn toàn ủng hộ, nhưng GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết đề xuất trên không phải ý tưởng mới. Trước đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM từng đề xuất xây dựng chính quyền đô thị. Theo đó, không chỉ một quận mà sẽ sáp nhập nhiều quận huyện lại với nhau theo hướng xây dựng một thành phố trung tâm và 4 thành phố vệ tinh theo các hướng đông, tây, nam, bắc. Việc xây dựng chính quyền đô thị này có nhiều mục đích và vấn đề biên chế chỉ là chuyện nhỏ.
Nên làm trên cả nước
Theo TS Nguyễn Minh Hòa, những quận nhỏ nhưng giữ vị trí quan trọng riêng của nó như quận 1 - 3 - 5 thì không nên sáp nhập. Vì các quận này nhỏ nhưng đứng một mình mới phát huy được vai trò vị trí của mình. Quận 4 muốn nhập vào đâu lại là câu hỏi khó và cần được bàn tính thật cẩn thận. “Hiện nay, chúng ta đang xé ra quá nhỏ trong quản lý nên vô tình tạo ra một bộ máy hưởng lương quá lớn. Chuyện sáp nhập không chỉ ở một phường, một quận nào mà đáng ra phải làm trên cả nước và làm từ lâu rồi. Mỗi phường có từ 35 - 50 người trong biên chế hưởng lương từ ngân sách là rất nhiều. Xu hướng chung là nên nhập lại giảm bộ máy trung gian và chuyển thành 2 cấp thôi”, TS Nguyễn Minh Hòa nhận xét.
Ủng hộ nhưng GS-TS Nguyễn Trọng Hòa cũng thừa nhận “nói thì đơn giản nhưng thủ tục rất phức tạp”. “Phải được Quốc hội thông qua vì việc tách phường thôi đã là khó rồi. Phải có nghiên cứu để chứng minh cho T.Ư thấy đó là điều cần thiết. Phải nghiên cứu kỹ càng và phải làm một cách đồng bộ chứ không phải thấy quận này bé rồi sáp nhập vào quận kia để cho nó to mà là động lực phát triển kinh tế, quản lý đô thị. Không chỉ giảm biên chế mà là phục vụ nhân dân tốt hơn, kinh tế phát triển hơn, đường sá, nhà ở quản lý tốt hơn... một cách toàn diện. Từ đó mới có thể đưa ra đề án sáp nhập”, ông Hòa phân tích.
“Bí thư thành phố đã tuyên bố muốn xây dựng thành phố đứng đầu cả nước và trở thành một thành phố mạnh trong khu vực. Để làm được điều này cần có phần nghiên cứu về quản lý đô thị và giải pháp cũng phải sáp nhập các quận huyện của thành phố lại với nhau để quản lý được tốt hơn. Tôi nghĩ lãnh đạo Sở Nội vụ nói ra điều này cũng thể hiện chủ trương chung của thành phố là muốn làm sao quản lý đô thị tốt để phát triển. Tôi được phân công tham gia đề án nghiên cứu phát triển thành phố, trong đó sẽ có một phần nghiên cứu về vấn đề này. Sẽ nghiên cứu sâu và đề xuất thành phố cần làm những gì”, ông Nguyễn Trọng Hòa cho biết thêm.
|
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng ủng hộ chính sách sáp nhập một cách có khoa học và hiệu quả. “Đây là đề xuất mang tính tích cực, nhưng cần điều nghiên cẩn trọng. Nguyên tắc điều chuyển cán bộ các phường, quận bị sáp nhập theo hướng ngang, không lên không xuống. Quận bé sẽ về với quận lớn, phường có dân số ít sẽ về với phường dân đông hơn”, TS Thành nói.
“Quan điểm của tôi là ủng hộ chuyện nhập. Còn nhập ra sao thì phải bàn rất kỹ vì nó liên quan đến vị trí, kinh tế, xã hội, tôn giáo”, TS Nguyễn Minh Hòa kết lại.
Phân bổ “quyền lực” hợp lý
Chính quyền đô thị không chỉ là giảm bớt các đơn vị hành chính để hình thành những đơn vị hành chính mạnh hơn mà nó còn là phân bổ chức năng, nhiệm vụ, quyền lực một cách hợp lý cho từng cấp. Khi đó, cấp thành phố sẽ quản lý về mặt đô thị, phát triển kinh tế, còn cấp phường sẽ quản lý về mặt địa chính, nhân khẩu và những việc liên quan trực tiếp với người dân. Đó là sự phân bổ quyền lực lại một cách hợp lý, chỗ nào đáng có và chỗ nào không. Hiện nay phân bổ quyền lực đều hết nên quản lý khó và người ta làm khó lẫn nhau rồi cuối cùng người dân bị ảnh hưởng.
GS-TS Nguyễn Trọng Hòa
|
Bình luận (0)