Sáng 31.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Báo cáo của hội nghị cho biết, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Qua đó, giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã; tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 2.008 tỉ đồng. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định yêu cầu cần thiết của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cũng như việc chuẩn bị và triển khai thực hiện rất bài bản, lớp lang, kỹ lưỡng. Dù vậy, quá trình triển khai còn phát sinh một số khó khăn như việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư còn chưa kịp thời. Việc bố trí, sắp xếp các trụ sở cơ quan, đơn vị dôi dư và tài sản công tại một số địa phương thực hiện sắp xếp còn vướng mắc…
Nêu bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh tới việc bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp phải kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật và quy định của Đảng. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên, bảo đảm kịp thời tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính phải tính đến các yếu tố đặc thù, mục tiêu mở rộng không gian, tạo động lực phát triển, khả năng sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và quản lý của chính quyền địa phương.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ kế hoạch của Chính phủ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, nhất là ban hành ngay các văn bản hướng dẫn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Trong đó, Bộ Công an, Quốc phòng, KH-ĐT cần ban hành văn bản hướng dẫn trước ngày 3.8. Bộ Xây dựng, Tài chính, TN-MT, NN-PTNT và Bộ LĐ-TB-XH ban hành trước ngày 5.8.
149 phường, xã ở TP.HCM thuộc diện sáp nhập
Công chức xã không có trình độ đại học sẽ bị tinh giản biên chế
Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, có hiệu lực từ ngày 1.8. Theo nghị định mới, công chức cấp xã gồm 6 chức danh: văn phòng thống kê; chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội. Đối với chức danh công chức trưởng công an xã sẽ không quy định do đã bố trí công an chính quy ở cấp xã. Việc tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh công chức chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ.
Nghị định quy định rõ cán bộ công chức xã phải có tiêu chuẩn khung năng lực từ đại học trở lên, trừ trường hợp luật hoặc điều lệ của tổ chức có quy định khác và nhiệm vụ (bản mô tả công việc) của từng chức vụ, chức danh (vị trí việc làm) cán bộ, công chức cấp xã.
Trường hợp đang là cán bộ, công chức cấp xã mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì quy định ở điều khoản chuyển tiếp theo hướng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định. Hết thời hạn này mà chưa đáp ứng thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Bình luận (0)