Nữ nghệ sĩ vĩ cầm tài năng thế giới Sarah Chang luôn mong muốn được trở lại Việt Nam từ sau lần biểu diễn đầu tiên. Tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ cùng các nhạc công VN - đó là lý do của hành trình trở lại lần này của chị. Sarah Chang đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện ngắn.
|
Chị từng biểu diễn với những dàn nhạc danh tiếng ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới, còn lần này là Dàn nhạc dây Hà Nội với các nghệ sĩ VN. Họ truyền cho chị cảm hứng như thế nào?
Cách đây hai năm, tôi đã biểu diễn ở đất nước các bạn nhưng đó là chương trình song tấu cùng nghệ sĩ dương cầm Andrew von Oeyen. Lần này là những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, tôi được chơi cùng các nhạc công VN, đây cũng là lý do chính tôi muốn quay lại đây. Tôi đến Hà Nội từ ba ngày trước và bắt đầu tập luyện cùng dàn nhạc. Họ khiến tôi ngạc nhiên bởi tài năng cũng như sự cần mẫn, chăm chỉ. Không giống như một số dàn nhạc tôi đã cùng làm việc, họ không bao giờ nhìn lên đồng hồ yêu cầu được nghỉ mà luôn tập luyện miệt mài, điều đó rất đáng khâm phục. m nhạc của họ có chiều sâu và mang nhiều sắc màu phong phú. Tôi nghĩ mình rất may mắn vì học được nhiều điều ở họ.
Tổ khúc Bốn mùa của Antonio
Vivaldi đã quá nổi tiếng và khá quen thuộc với công chúng yêu nhạc cổ điển. Ngay bản thân Sarah Chang đã chơi tới hàng trăm lần tác phẩm. Chị có e ngại cảm xúc của mình sẽ cũ đi?
Mỗi một lần chơi là một lần cảm xúc thăng hoa khác nhau. Bạn biết đấy, tổ khúc Bốn mùa mang nhiều tính thơ, hình ảnh, âm thanh độc đáo, mang đến sự thưởng thức với đầy đủ những giác quan. Đây là lần đầu tiên tôi sẽ chơi cùng 19 nhạc công trên sân khấu. Điều đó đòi hỏi những kỹ thuật khá phức tạp, nhưng tôi cảm thấy vô cùng hứng thú. Đặc biệt là cây đàn tôi sử dụng trong đêm trình diễn sắp tới có từ cách đây 300 năm, nó ra đời cùng thế kỷ với tổ khúc Bốn mùa của Antonio Vivaldi.
Năm ngoái, Sarah Chang được phong tặng danh hiệu Đại sứ nghệ thuật Mỹ. Chị đón nhận danh hiệu này như thế nào?
Những danh hiệu trước tôi nhận được đều liên quan đến công việc chuyên môn, nhưng danh hiệu này là một vinh dự lớn của tôi. Tôi đã đi đến rất nhiều nơi, quốc gia để biểu diễn, dạy nhạc cho trẻ em. Bạn biết không, có nơi trẻ em không hề biết tới một thứ nhạc cụ nào, đất nước quá đói nghèo. Tôi đã tới Serbia, đây không phải là nơi thích hợp để tôi trình diễn, nhưng tôi nghĩ đó là nơi mình cần đến để nuôi dưỡng những tài năng âm nhạc. Hành trình sắp tới của tôi có thể là Nam Mỹ.
Chiều 10.4 tại Hà Nội, trong buổi họp báo giới thiệu chương trình hòa nhạc Hennessy lần thứ 16 (diễn ra vào ngày 12.4 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội), Sarah Chang đã chia sẻ về việc nuôi dưỡng tài năng âm nhạc trẻ, mà chị từng trải qua từ năm lên 8 tuổi: “Điều đầu tiên là bạn cần có tài năng thiên bẩm, tiếp đó là sự rèn luyện - đây là con đường mà bạn không thể rút ngắn nếu muốn đi đến con đường thành công. Bên cạnh sự giáo dục tốt, cần phải có một đội ngũ hỗ trợ để hỗ trợ tài năng, người nghệ sĩ được chuyên tâm vào âm nhạc. Khi tôi 8 tuổi, tôi đã có một nhóm làm việc của riêng mình gồm 29 người... Tôi cũng không nhớ hết nổi tên của mọi người. Điều quan trọng là người nghệ sĩ và nhóm làm việc phải cùng có chung một tầm nhìn, vạch ra chiến lược lâu dài từ bé cho đến khi trưởng thành, không phải là mai tôi sẽ biểu diễn ở đâu, mà 30 năm nữa, khi tôi 38 tuổi tôi sẽ làm gì. Phát triển tài năng từ khi còn nhỏ không phải là điều đơn giản. Đứa trẻ dễ bị kiệt sức bởi những buổi biểu diễn kín đặc. Quan trọng người nghệ sĩ luôn cần có những cảm xúc mới mẻ, nuôi dưỡng tình yêu đứng trên sân khấu cùng âm nhạc. |
Minh Ngọc (thực hiện)
Bình luận (0)