Sạt lở đe dọa trung tâm hành chính huyện vùng cao

Mạnh Cường
Mạnh Cường
07/09/2023 07:30 GMT+7

Trung tâm hành chính huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) đang đối diện nguy cơ bị vùi lấp nếu xảy ra sạt lở đất, bởi ngay sau lưng là đồi núi cao đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài.

VẾT NỨT KÉO DÀI GẦN 1 KM

Sau đợt mưa lũ cuối năm 2020, nhiều nơi trên địa bàn H.Nam Trà My xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở. Đáng chú ý, quả đồi nằm phía sau trung tâm hành chính huyện đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Trong đó, có đoạn kéo dài gần 1 km chạy dọc triền đồi, nguy cơ đổ sập, vùi lấp một dãy trụ sở làm việc như: Huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện, Viện kiểm sát, Tòa án… nếu xảy ra sạt lở đất. Ngoài ra, khu vực này cũng rất đông dân cư sinh sống nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông T.V.M (công chức H.Nam Trà My) cho rằng tình trạng sạt lở xuất hiện dày đặc sau đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020. Hầu hết khu nhà ở tập thể đều nằm dưới các vết nứt dọc triền đồi nên rất nguy hiểm. "Vào mùa mưa, chúng tôi đều lo lắng, bất an. Vì vậy, không có một người nào dám ở tại khu nhà tập thể vì lo ngại sẽ xảy ra tình trạng sạt lở trên quả đồi nếu có mưa lớn kéo dài. Chúng tôi rất mong cấp trên có biện pháp xây dựng kè bảo vệ, đảm bảo an toàn vào mùa mưa lũ để an tâm làm việc", ông M. nói.

Sạt lở đe dọa trung tâm hành chính huyện vùng cao - Ảnh 1.

Quả đồi xuất hiện vết nứt kéo dài gần 1 km

MẠNH CƯỜNG

Một cán bộ Viện kiểm sát nhân dân H.Nam Trà My cho hay trước đây, phía sau trụ sở làm việc của đơn vị đã xảy ra sạt lở, vùi lấp một phần khu ở tập thể. Tuy nhiên thời điểm đó, mọi người được di dời đến nơi khác nên không xảy ra thương vong. Hiện tại huyện đã bố trí kinh phí xây dựng kè bảo vệ phía sau. "Đến nay, cơ bản trụ sở làm việc của đơn vị đã đảm bảo an toàn, nhưng Huyện ủy, UBND huyện, công an huyện, Tòa án… đang nằm trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất lớn. Mấy năm nay, cứ vào mùa mưa bão, hầu hết cán bộ, công chức không ai dám ở tại khu nhà tập thể. Ngoài ra, các phạm nhân bị tạm giam tại công an huyện cũng được di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn", vị này chia sẻ.

Trong khi đó, chị Lưu Thị Nghĩa (35 tuổi, ở xã Trà Mai, H.Nam Trà My) lo lắng vì hiện nay quả đồi đã xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài. "Trước việc sạt lở đe dọa, mong muốn của người dân chúng tôi là sớm xây dựng kè để bảo vệ. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần bố trí kinh phí để hạ thấp ngọn đồi này để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Sạt lở núi ở Trà Leng cuối năm 2020 trên địa bàn huyện là một nỗi đau lớn, giờ nhớ lại ai cũng lo lắng bất an. Trong khi đó, hiện nay mùa mưa bão thì đang cận kề…", chị Nghĩa bày tỏ.

ĐÀO HẠ ĐỒI ĐỂ GIẢM SẠT LỞ

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngọn đồi quanh các trụ sở của huyện đã có hiện tượng tụ thủy, nước bắt đầu chảy rỉ ra từ phía chân đồi. Nhiều vết nứt lớn xuất hiện, có vết nứt độ sâu gần 0,5 m, dài hàng trăm mét bị cây dại mọc che khuất.

Trước nguy cơ sạt lở, chính quyền H.Nam Trà My cũng tính đến phương án di dời trung tâm hành chính. Tuy nhiên, với một huyện miền núi, quỹ đất khan hiếm nên rất khó tìm được nơi bằng phẳng để xây dựng. Mặt khác, việc xây mới hàng chục trụ sở làm việc gây tốn kém, lãng phí nên phương án này đã bị loại bỏ.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho biết huyện đã đề xuất giải pháp là xây dựng tường kè chắn bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng hiện có. Ngoài ra, đào hạ thấp đồi phía sau khu hành chính tập trung đến cao độ thích hợp, giảm thiểu nguy cơ sạt lở đất, kết hợp san mặt bằng khoảng 6,7 ha tạo quỹ đất dự trữ xây dựng phục vụ phát triển khu vực trung tâm huyện trong tương lai gần.

Giải pháp này được Thường vụ huyện ủy, UBND và các phòng ban xác định là giải pháp duy nhất đáp ứng một lúc 2 nhiệm vụ với kinh phí đầu tư hợp lý. Nhưng theo tính toán, giải pháp này cần có kinh phí hơn 350 tỉ đồng là rất lớn nên cần sự hỗ trợ từ T.Ư và UBND tỉnh. Trước mắt, huyện cũng đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí khoảng 70 tỉ đồng để xây dựng bờ kè nhằm bảo vệ khu trung tâm hành chính huyện. "Chúng tôi rất mong sớm được tiếp nhận nguồn kinh phí để triển khai thực hiện dự án nhằm đảm bảo giữ ổn định chống sạt lở đất. Vào mùa mưa lũ phải đảm bảo điều kiện làm việc của khu hành chính tập trung, ổn định tâm lý của cán bộ và nhân dân sống trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao", ông Dũng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.