Hiện tượng cát tràn từ trên đồi xuống đường và nhà dân khi mưa lớn từng xảy ra nhiều lần ở Bình Thuận. Cách vị trí sạt lở cát ở P.Mũi Né sáng 21.5 khoảng 200 m, cũng từng xảy ra vụ sạt lở cát từ công trình xây dựng bất động sản phía trên khiến một nhà hàng bên dưới bị vùi trong bùn cát.
Ở xã Tiến Thành (phía nam TP.Phan Thiết) cũng từng xuất hiện lũ cát tràn từ công trình xây dựng phía trên xuống đường ven biển, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đặc điểm địa chất vùng ven biển Bình Thuận có những đồi cát hình thành từ nhiều năm. Bên dưới là đường dân sinh ven biển. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hầu hết các đồi cát đều bị đào xới để tận thu khoáng sản, hoặc xây dựng các dự án bất động sản, du lịch. Mỗi khi mưa lớn, một lượng cát rất lớn lại tràn xuống đường gây ách tắc giao thông.
Lý giải nguyên nhân cát tràn xuống đường ven biển ở Mũi Né sáng 21.5, một lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Thuận cho rằng, dự án bất động sản Sentosa Villa chưa tuân thủ các quy định về phòng chống thiên tai. Sở Xây dựng Bình Thuận đã yêu cầu chủ đầu tư công trình này phải san lấp các điểm sạt lở, có giải pháp phòng khi mưa lớn cát lại tiếp tục tràn xuống đường.
Sạt lở đồi cát ở Bình Thuận: Chuyên gia và nhà quản lý nói gì?
Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân, cho biết hệ thống thoát nước của dự án không đồng bộ, không thoát được nước mưa khiến lượng nước tràn thành dòng xé đất, kéo theo cát tràn xuống đường.
Đối với điểm tràn cát ở P.Hàm Tiến (cũng xảy ra sáng 21.5), ông Tân cho biết do hệ thống thoát nước từ đường 706B chưa đồng bộ. Hệ thống thoát nước không phát huy tác dụng, khi mưa lớn, vỡ bờ hồ chứa trên cao làm cho nước tràn xuống phía dưới.
Để khắc phục tình trạng này, sáng 22.5, Sở Xây dựng Bình Thuận đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng công trình thoát lũ tại đường 706B, nhằm tạo lối thoát nước khi mưa lớn.
Vì sao lũ cát từng xảy ra nhiều lần ở Mũi Né?
Trả lời PV Thanh Niên ngày 22.5, PGS-TS Vũ Thanh Ca (giảng viên cao cấp Trường đại học Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Bộ TN-MT), cho biết địa hình ven biển Bình Thuận có nhiều đồi cát. Những đồi cát này được hình thành từ tác động của gió và nước mưa chảy tràn qua nhiều năm và cấu kết khá chặt chẽ.
"Do độ dốc của các đồi, đụn cát ở mức độ vừa phải, cân bằng, mặt đồi lại được cây cỏ, thực bì bao phủ nên cát ở đây rất khó sạt lở ngay cả trong những trận mưa lớn", ông Ca phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Ca, ở những đồi cát được đào xới làm dự án thì đã bị "làm sạch thực bì hoặc bê tông đường" trong dự án.
"Do không còn cây cỏ nên khi mưa lớn dòng chảy mặt rất lớn. Dòng chảy này sẽ xói bề mặt, tập trung vào một số khu vực thấp hơn và tạo ra các khe nứt lớn với độ dốc lớn. Các khe nứt này chính là nguyên nhân làm cho khối đất cát trở nên mất ổn định", PGS-TS Vũ Thanh Ca giải thích.
Ông Ca cho rằng, hoạt động san lấp mặt bằng trước đó cũng làm xáo trộn, chuyển dịch đất cát, tạo ra các khu vực đất cát không ổn định, dễ thấm nước, dễ sạt lở và hóa lỏng. Các khối đất cát lớn thấm đẫm nước sẽ tạo ra áp suất thủy tĩnh rất lớn, làm đất cát sạt xuống theo các khe nứt, bị hóa lỏng tạo ra các lũ cát, chảy xuống đường và khu dân cư như vừa qua xảy ra ở Bình Thuận.
"Tôi cho rằng, thậm chí ngay cả các khu vực đã xây dựng nhà cửa, công trình, nếu được thiết kế và xây dựng kỹ thuật không phù hợp thì sạt lở có thể tàn phá nhà cửa, công trình, gây thiệt hại tài sản, có khi cả tính mạng con người", PGS-TS Vũ Thanh Ca khuyến cáo.
Theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, để tránh lũ cát tương tự xảy ra trong tương lai, cần phải cẩn trọng trong việc làm thay đổi những cân bằng trong tự nhiên ở các đồi cát ven biển Bình Thuận. Khi xây dựng công trình ở đồi cát ven biển, cần có những khảo sát địa chất, thủy văn cẩn trọng để xây dựng phương án chống sạt lở một cách phù hợp.
"Đối với một số khu vực có nguy cơ sạt lở lớn, phải dùng biện pháp công trình, khoan và lắp đặt các ống thoát nước ngầm, đồng thời xây dựng một số tường chắn tại các khu vực xung yếu để ngăn cát sạt lở xuống đường và khu dân cư. Ngoài ra, cần hạn chế việc làm sạch lớp phủ thực vật tại bề mặt hoặc khôi phục lại lớp phủ thực vật này, nhằm làm giảm tốc độ dòng chảy mặt, ngăn chặn việc hình thành các rãnh xói", PGS-TS Vũ Thanh Ca đề xuất.
Bình luận (0)