Khoảng 7 giờ ngày 15.9, nhiều người lưu thông trên QL1 hướng từ Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đến xa lộ Hà Nội, khi qua cầu vượt Thủ Đức (còn gọi là cầu vượt Trạm 2, giao lộ QL1 - xa lộ Hà Nội, Q.Thủ Đức, TP.HCM) phát hiện đường dẫn có nhiều vết nứt. Khoảng 20 phút sau, một dãy taluy dài gần 15 m kéo theo đất, đá và lớp bê tông nhựa đường đã sụt xuống bãi cỏ của công viên phía dưới đường dẫn, cách dầm cầu chính 3 m, ăn sâu vào lòng đường 1 - 3 m.
Hiện trường vụ sạt lở tại đường dẫn cầu vượt Thủ Đức ngày 15.9 - Ảnh: An Huy
|
Tại hiện trường, mái taluy (bằng đất chứ không được gia cố bằng bê tông hoặc gạch như thường thấy) bị sụt rộng khoảng 2 m, tạo hàm ếch sâu gần 2 m. Đặc biệt, đất bị sụt làm hở phần mố cầu Thủ Đức.
Sau đó, đại diện Sở GTVT, Thanh tra Sở GTVT, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, Đội CSGT Rạch Chiếc... đã có mặt tiến hành rào chắn, phân luồng giao thông và kiểm tra vụ việc. Đến 16 giờ, công tác khắc phục sạt lở vẫn đang được tiến hành. Một cán bộ tham gia hiện trường cho biết vụ sạt lở này có thể do cơn mưa lớn gây ra. Rất may, thời điểm sạt mái taluy không có xe cộ lưu thông tại khu vực này.
Theo ông Vũ Kiến Thiết - Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (gọi tắt là Khu 2, thuộc Sở GTVT TP.HCM), do ảnh hưởng của cơn mưa kéo dài vào chiều 14.9, làm đất đá mất độ kết dính, cùng với rung chấn của hàng nghìn lượt xe cộ lưu thông qua khu vực này là nguyên nhân dẫn đến sạt lở. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, đơn vị này đã dùng nhiều rọ đá để gia cố chống sạt lở tạm thời, và việc sửa chữa dự kiến hơn 1 tuần. Ngoài ra, hướng lưu thông lên đường dẫn cũng bị phong tỏa để đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ công tác sửa chữa.
Còn theo ông Lê Ngọc Hùng, Phó giám đốc Khu 2, cầu Thủ Đức là một hạng mục của dự án xây dựng đường Xuyên Á do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Công trình đã hoàn thành và bàn giao cho phía TP.HCM từ năm 2005. Một cán bộ Thanh tra Sở GTVT có mặt tại hiện trường cũng cho hay Sở GTVT sẽ làm việc với chủ đầu tư dự án, đơn vị thiết kế, Khu 2 để có hướng giải quyết.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng đây là hiện tượng trượt mái taluy. Nhận định ban đầu, ông cho rằng có thể do đoạn đường dẫn cầu vượt thường được đắp cao nên phải lấp đất bên ngoài mái taluy. Tuy nhiên, nếu đắp không kỹ và gặp mùa mưa sẽ có hiện tượng ngấm nước. Tình trạng này cộng với việc xe có tải trọng nặng lưu thông với mật độ dày, dễ dẫn đến hiện tượng trượt mái taluy. Theo ông Phạm Sanh, để đánh giá chính xác phải xem lại hồ sơ thiết kế cầu, hồ sơ thi công. Ông cho rằng cần xem xét lại chất lượng thi công, nhiều khả năng có vấn đề về chất lượng. Dù đường đã được bàn giao và hết hạn bảo hành nhưng khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm.
Cầu vượt Thủ Đức là một thành phần của nút giao Thủ Đức 2, cửa ngõ phía bắc TP.HCM, kết nối các đường nhánh lên xuống để xe lưu thông từ TP.HCM đi Đồng Nai (và ngược lại), lưu lượng xe rất lớn, nhất là từ KCX Linh Trung.
Bình luận (0)