Cuộc điều tra nói trên do hãng thông tấn Anh BBC thực hiện. Theo đó, người bị hại bị dụ dỗ sang Ấn Độ để rồi mãi mãi không về. Các âm mưu giết người hình thành trong những phòng khách ở Anh và được thực hiện phần lớn tại bang Punjab của Ấn Độ.
Những vụ án mạng
Phóng viên của BBC đã thực hiện một chuyến đi sang Ấn Độ để điều tra những tội ác nói trên. Tại một ngôi làng hẻo lánh có những đồng lúa xanh tốt bao quanh và xe bò cũ kỹ đi lại trên con đường đầy bụi bặm, phóng viên BBC được nghe kể chuyện về một phụ nữ Anh thiệt mạng khi đang cùng chồng về thăm thân nhân, trong một vụ tai nạn mà người phạm tội trốn biệt tăm. Tuy nhiên, thân nhân của người phụ nữ này nghi ngờ đây là một hành động gian trá. Mẹ của người phụ nữ thổ lộ: “Chồng nó muốn lấy vợ khác. Anh ta bảo nó chia tay. Con gái tôi đã trả lời: Có chết tôi cũng không cho anh đi!”.
Bà mẹ trên là người đầu tiên chạy đến hiện trường vụ tai nạn. “Chúng đánh đập con tôi, ném nó xuống mương và làm ra vẻ đã xảy ra một vụ tai nạn. Thế nhưng không có máu, không có xe hơi và không có dấu vết bánh xe!”. Bất chấp một cuộc điều tra dài hơi của cảnh sát, chưa có lời buộc tội nào được đưa ra đối với những người bị tình nghi tiến hành vụ việc.
Vì lý do pháp lý, tên của người phụ nữ xấu số không được tiết lộ. Nhưng cái chết của cô có nét tương đồng đáng chú ý với một phụ nữ Anh khác là Surjit Athwal. Người phụ nữ 26 tuổi có 2 con này đã bị mất tích vào cuối năm 1998 khi cô đến bang Punjab của Ấn Độ với niềm tin sẽ cùng chồng dự đám cưới. Tuy nhiên chỉ đến năm 2007, vụ việc mới được đưa ra tòa do nhiều thành viên trong gia đình sợ rằng họ sẽ là người kế tiếp phải chết nếu giúp đỡ cảnh sát, theo báo Daily Mail. Tòa án khi đó đã kết tội mẹ chồng và chồng của Surjit Athwal dàn xếp việc sát hại cô. Chính hai người đã thuê bọn tội phạm ở Ấn Độ ra tay với Surjit. Cô bị siết cổ đến chết và xác bị ném xuống sông.
Anh trai của Surjit Athwal, Jagdeesh Singh, hiện đang vận động hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân khác nói với phóng viên BBC: “Tôi nghĩ trường hợp của Surjit đã lần đầu tiên phơi bày ở Anh chuyện thuê sát thủ giết người ở nước ngoài. Làm sao cộng đồng Punjab định cư ở Anh có thể cho phụ nữ về thăm quê khi biết rằng họ có thể bị giết dễ dàng và nhanh chóng?”.
Không chỉ phụ nữ bị dụ dỗ ra nước ngoài để bị hạ thủ. Raju (không phải tên thật) nhớ lại chuyện anh trai bị sát hại trong chuyến về thăm làng cũ ở Punjab: “Anh ấy nằm trên sàn nhà với một viên đạn ghim vào đầu. Chúng tôi có bằng chứng để nói rằng vụ giết người này là do vợ và tình nhân sắp xếp. Chúng tôi tin rằng động cơ của vụ việc là nhằm đòi tiền bồi thường bảo hiểm”.
Cảnh sát Anh vào cuộc
Làm thế nào mà người Anh gốc Nam Á có thể thuê kẻ giết người ở nước ngoài? BBC dẫn lời nhà báo Ấn Độ Neelam Raaj nói rằng việc tìm người giết thuê là hết sức đơn giản. “Kẻ nhận hợp đồng luôn là một tên tội phạm tầm thường. Y là kẻ chuyên đi khủng bố thuê trong làng”, Raaj nói. Theo điều tra của BBC, tại Ấn Độ việc giết người không mấy tốn kém, những kẻ giết thuê được trả cao lắm là 800 USD (khoảng 14 triệu đồng).
Trước đây, cách thực hiện hợp đồng thường là lái xe bắn người, nhưng hiện tại bọn giết thuê tại Ấn Độ thường ra tay dưới hình thức một vụ tai nạn giao thông. Cách làm này có vẻ rất ít rủi ro. Jassi Khangura, người từng là một doanh nhân thành công tại London (Anh) trước khi được bầu vào cơ quan lập pháp Punjab với tư cách đại biểu của đảng Quốc đại, phát biểu: “Điều chúng ta chứng kiến ở Punjab, cũng như tại nhiều bang khác ở Ấn Độ, là mối quan hệ giữa cảnh sát, chính trị gia và tội phạm. Mối quan hệ đó tạo cho người Ấn Độ sống ở Anh một tấm bình phong lớn. Ngay cả khi đã được xác định là thủ phạm, bọn chúng sẽ được nhận một mức độ bao che đáng kể và điều đó nghĩa là chúng không bị xử tội”. Khangura cáo buộc rằng chính nạn tham nhũng của cảnh sát đã tạo ra một xu hướng mà ông tin là đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100 người gốc Ấn Độ ở nước ngoài mỗi năm.
Từ ngôi biệt thự cổ của mình ở Chandigarh (thủ phủ Punjab), Chánh thanh tra cảnh sát quận Jalandhar Sanjiv Kalra nói rằng con số mà ông Khangura đưa ra là cường điệu và khẳng định lực lượng của ông không hề tham nhũng. Tuy nhiên, với nhiều gia đình nạn nhân, cuộc tìm kiếm sự công bằng ở Ấn Độ là không dễ dàng. Không ít người quay sang cầu cứu Chính phủ Anh. Ngày càng nhiều trường hợp cảnh sát xứ sương mù được yêu cầu hỗ trợ điều tra. Cảnh sát Anh cho biết hiện không nắm được có bao nhiêu trường hợp bị sát hại kiểu như trên, nhưng họ cam kết sẽ đưa bọn tội phạm ra trước công lý “bất kể chúng gây tội ác ở đâu”. Hiện tại, theo Văn phòng Ngoại giao và Khối Thịnh vượng chung Anh, 6 công dân nước này đang bị mất tích ở khu vực Delhi và Punjab.
Trùng Quang
Bình luận (0)