Ông Ngọc chuẩn bị kỹ càng trước khi bắt ong
Hàng ngàn con ong túa ra tấn công - Ảnh: Giang Phương |
Lần theo dấu vết ong
|
Bằng dụng cụ bảo hộ tự chế, ông Võ Anh Ngọc (50 tuổi, ngụ H.Dương Minh Châu, Tây Ninh) được nhiều người gọi bằng biệt danh “sát thủ” ong vò vẽ bởi tài săn bắt ong gần 30 năm nay.
Sáng sớm một ngày đầu tháng 11, chúng tôi cùng ông Ngọc tìm đến khu vực hồ Dầu Tiếng (thuộc H.Dương Minh Châu) săn ong vò vẽ. Hành trang của ông là bộ quần áo bằng vải jean dày cộm, đôi giày và chiếc xe máy chở theo toàn bộ đồ nghề bên trong. Vừa chạy xe tà tà, ông Ngọc vừa đem kinh nghiệm săn ong chia sẻ: “Có nhiều cách để “định vị” tổ ong, ngoài việc chú ý tổ ong trên cây thì cũng cần biết cách theo dấu con ong đang đi ăn. Thường thì ong chỉ đi ăn xa khoảng 7 cây số trở lại, cứ lần theo đường bay của chúng là tuy tìm được tổ”. Ông Ngọc nói thêm: “Không phải lúc nào tìm được tổ ong cũng bắt được ong. Nếu ong nằm trong đất rừng thì may ra còn bắt được chứ nằm trong đất người dân thì phải xin phép họ”. Nói chưa xong câu chuyện, tiếng điện thoại trong túi ông Ngọc rung lên. Nghe xong ông bảo chúng tôi quay đầu xe về hướng ngã 3 hồ Dầu Tiếng vì có người thuê bắt ong vò vẽ. Địa điểm chúng tôi tìm đến là Công ty TNHH tinh bột mì Dương Minh Châu. Đập vào mắt chúng tôi bên trên căn tin là một ổ ong vò vẽ to khoảng 0,3 m đóng trên cành cây si chỉ cách ghế khách ngồi khoảng 2,5 m. Sau khi quan sát tổ ong, ông Ngọc đồng ý bắt với mức giá 500.000 đồng.
Ông Ngọc đề nghị tất cả mọi người di tản cách khoảng 100 m để đảm bảo an toàn. Song, ông cẩn thận mang đôi găng tay nhựa, bộ đồ bảo hộ tự chế có gắn mặt nạ bằng kính trong suốt để nhìn ra ngoài (bộ đồ do vợ ông may – PV). Khi chiếc cưa sắt vừa chạm vào cành cây cạnh tổ ông, hàng ngàn con ong túa ra tấn công tới tấp vào người ông Ngọc. Lúc này, ông dùng những túi mang theo quơ bắt gọn những con ong dữ rồi cột lại. Sau gần 45 phút, những con ong xung quanh gần như bị bắt sống toàn bộ. Đây là một tổ ong vò vẽ khoảng 4-5 tháng, được xây 8 tầng với hơn 2.000 quân ong.
Chừng nào không còn leo cây được mới bỏ nghề
Lột bộ đồ bảo hộ, ông Ngọc dùng tay bắt trên tóc một con ong vò vẽ to bằng ngón út cười nói: “Bộ áo giáp có chỗ thủng nên đã lọt một con chích vào trán, bị chích riết thành quen chứ có người bị chích một mũi là sốt li bì rồi”. Ông Ngọc cho biết thêm: “Đã có nhiều người chết vì bắt ong. Cái nghiệp lâu năm tui ráng đeo mà sống chứ tính mạng thấy vậy mà cũng rẻ rúng lắm. Có người đi bắt ong, leo chưa tới tổ đã bị ong tấn công té xuống đất mà chết”. Trong giới săn ong tại Tây Ninh, nhiều thanh niên phải nể phục ông Ngọc vì dù đã 50 tuổi nhưng ông vẫn leo thoăn thoắt lên những cây cao chót vót. Ông Ngọc nói: “Chừng nào tôi không leo trèo nổi nữa mới bỏ nghề”. Nói về cái nghiệp của mình, ông Ngọc chia sẻ, từ nhỏ ông vốn mồ côi nên làm việc gì kiếm được tiền đàng hoàng là làm”. Lúc mới lớn, ông xin vào một nông trường trồng rừng. Trong những lần đi làm ông phát hiện có rất nhiều tổ ong. Thấy mật ong bán được nên ông xin nghỉ việc để lần theo dấu bắt ong mật, ông ruồi bán kiếm tiền. Từ đó ông đeo cái nghề bắt ong cho đến tận hôm nay”. ông Ngọc chia sẻ.
Giang Phương
Bình luận (0)