Chậm tiến độ 12 năm, dự án tỉ đô ở Thanh Hóa xin chuyển từ điện than sang điện khí

19/07/2023 19:28 GMT+7

Có nguy cơ bị chấm dứt dự án vào tháng 6.2024 do chậm tiến độ 12 năm, chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Công Thanh đề nghị xin được chuyển đổi dự án điện than sang điện khí LNG.

Tháng 3.2011, Công ty CP Xi măng Công Thanh (chủ đầu tư) tiến hành khởi công xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh, quy mô hơn 60 ha (thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa). Nhà máy có công suất 600 MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD.

Lối thoát nào cho dự án nhiệt điện tỉ đô 'chết yểu' 12 năm? - Ảnh 1.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh sau 12 năm khởi công mới xây được cổng và một phần hệ thống tường rào

PHÚC NGƯ

Theo kế hoạch, tổ máy số 1 (công suất 300 MW) sẽ hoàn thành vận hành trong quý 1/2014; tổ máy số 2 (300 MW) hoàn thành và vận hành trong quý 3/2014. Tuy nhiên, kể từ khi khởi công năm 2011 đến nay, đã 12 năm trôi qua, nhưng dự án tỉ đô này mới xây được cổng và một phần hệ thống tường rào quanh khu đất. Mặt bằng của dự án vẫn đang là đất trống.

Nguyên nhân dẫn tới việc chậm trễ trong đầu tư được chủ đầu tư đưa ra là do gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông và thu xếp vốn đầu tư.

Trước thực trạng chậm tiến độ của dự án, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo giao cho Bộ Công thương làm việc với nhà đầu tư, nếu đến tháng 6.2024 dự án không triển khai thì sẽ xem xét chấm dứt dự án theo quy định.

Theo tìm hiểu của PV, để tiếp tục thực hiện dự án, chủ đầu tư là Công ty CP Xi măng Công Thanh đã đề xuất với UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với cấp có thẩm quyền chuyển đổi dự án từ điện than sang điện khí LNG, và tăng quy mô dự án, tăng vốn đầu tư từ 1,2 tỉ USD lên 2 tỉ USD.

Mới đây, ngày 11.7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang nhiên liệu LNG cho Nhà máy nhiệt điện Công Thanh.

Lối thoát nào cho dự án nhiệt điện tỉ đô 'chết yểu' 12 năm? - Ảnh 2.

Dự án tỉ đô đến nay vẫn đang là khu đất trống

PHÚC NGƯ

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc đề xuất chuyển đổi nhiên liệu than sang khí LNG của dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh là phù hợp với chiến lược phát triển nguồn năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu theo hướng bền vững.

Khi chuyển đổi, Nhà máy nhiệt điện Công Thanh sẽ sử dụng khí LNG nhập khẩu, tiêu thụ từ 1,2 - 1,5 triệu tấn/năm; công suất nhà máy sau khi chuyển đổi sẽ tăng từ 600 MW lên 1.500 MW; sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm tăng từ 3,9 tỉ kWh lên 9 tỉ kWh. Ngoài ra, tổng diện tích sử dụng đất của dự án tăng lên 197,3 ha; công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp; cung cấp nước làm mát từ nước biển; và tổng mức đầu tư tăng từ 1,2 tỉ USD lên 2 tỉ USD. 

Cũng theo UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án điện khí LNG nhằm tận dụng lợi thế của Cảng nước sâu Nghi Sơn và hạ tầng đồng bộ của Khu kinh tế Nghi Sơn, nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm về năng lượng của cả nước.

Hơn nữa, dự án Nhiệt điện Công Thanh đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt, san lấp mặt bằng, và chủ đầu tư cũng đang tích cực làm việc với các nhà đầu tư uy tín nước ngoài để nghiên cứu tính khả thi của việc đầu tư dự án nhiệt điện Công Thanh bằng nhiên liệu khí LNG.

Vì vậy, dự án nhiệt điện Công Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đầu tư và hoàn thành đưa vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028), nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.