Cuộc gọi cấp cứu 115 ở TP.HCM tăng 40 lần sau 13 năm

Duy Tính
Duy Tính
09/02/2025 11:29 GMT+7

TP.HCM phát triển hệ thống cấp cứu 115 ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp, hướng tới chuẩn khu vực ASEAN, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực.

Ngày 9.2, Sở Y tế TP.HCM cho biết, ở thời điểm trước năm 2013, hoạt động cấp cứu ngoại viện của cấp cứu 115 trên địa bàn TP.HCM chỉ do Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (nay là Bệnh viện Trưng Vương) phụ trách. 

Nguồn lực thời điểm đó chỉ có 5 xe cứu thương, mỗi năm chỉ tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc gọi. Năng lực cấp cứu chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Mô hình cấp cứu 115 sáng tạo

Trước thực trạng trên, Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu lãnh đạo UBND TP.HCM thành lập Trung tâm cấp cứu 115. Đồng thời kêu gọi sự tham gia tình nguyện của các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân theo mô hình làm trạm cấp cứu vệ tinh đặt ngay tại các khoa cấp cứu của bệnh viện và chịu sự điều phối chung của Trung tâm cấp cứu 115. 

Đây là cách làm sáng tạo đầu tiên trên phạm vi cả nước về hình thành mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh, thay vì chỉ có một Trung tâm cấp cứu 115. Đây được xem là cánh tay nối dài của Trung tâm cấp cứu 115, góp phần bao phủ cung ứng dịch vụ cấp cứu ngoại viện đến tất cả các quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Cuộc gọi cấp cứu 115 ở TP.HCM tăng 40 lần sau 13 năm- Ảnh 1.

Trung tâm cấp cứu 115

ẢNH: DUY TÍNH

Sau 13 năm, TP.HCM đã có 44 trạm cấp cứu vệ tinh 115. Số lượng cuộc gọi cấp cứu qua tổng đài 115 tăng gấp 40 lần so với thời điểm năm 2013 trở về trước.

Bên cạnh đó, lực lượng cấp cứu ngoại viện đã từng bước triển khai các loại hình cấp cứu chuyên sâu như cấp cứu người bệnh tâm thần, bệnh trầm cảm có ý định tự sát, cấp cứu người bệnh đột quỵ đảm bảo giờ vàng trong điều trị, cấp cứu người bệnh đa chấn thương bằng quy trình báo động đỏ liên viện…

Ứng dụng nhiều mô hình tiên tiến

Ngành y tế TP.HCM đã nghiên cứu, học tập mô hình cấp cứu ngoại viện của các nước có hệ thống y tế phát triển như Úc về mô hình "paramedic". Tham khảo mô hình cấp cứu theo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) và Liên đoàn cấp cứu quốc tế (IFEM).

Bên cạnh đó, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp Trường đại học khoa học ứng dụng Saimaa (Phần Lan) đã xây dựng thành công và tuyển sinh đào tạo loại hình điều dưỡng cấp cứu ngoại viện (Paramedic nursing). 

Nhiều giải pháp cụ thể sau đó đã chứng minh hiệu quả như đồng phục paramedic giúp lực lượng cấp cứu thuận tiện trong thao tác kỹ thuật tại nhiều môi trường phức tạp; mô hình thí điểm xe cứu thương hai bánh giúp một số trạm vệ tinh tiếp cận người bệnh nhanh chóng hơn tại khu vực hẻm sâu, các sự kiện tập trung đông người; mô hình cấp cứu người bệnh tâm thần, trầm cảm mang tính nhân văn cao.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, Trung tâm cấp cứu 115 đã có những đột phá, sáng tạo trong thích ứng và chống dịch.

Cuộc gọi cấp cứu 115 ở TP.HCM tăng 40 lần sau 13 năm- Ảnh 2.

Tháng 8.2021, Tổng đài cấp cứu 115 dã chiến với 40 tổng đài viên cùng lúc hoạt động, mỗi ngày 3 ca, liên tục 24/24 để tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu của người dân TP.HCM. Một tổng đài viên 115 mỗi ngày có thể nghe và gọi đến cả trăm cuộc, chủ yếu liên quan bệnh nhân Covid-19...

ẢNH: DUY TÍNH

Từ đầu năm 2021, Trung tâm cấp cứu 115 phối hợp với Sở TT-TT triển khai hệ thống phần mềm điều phối cấp cứu. Bên cạnh đó, tổng đài 115 đã triển khai các quy trình tư vấn, hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại, vừa trấn an vừa giúp người dân có thể thực hiện được những việc nên làm trong khi chờ kíp cấp cứu đến, thậm chí có thể hướng dẫn sơ cứu từ xa.

Ngoài ra, quy trình hướng dẫn hồi sinh tim phổi, sơ cứu hóc dị vật qua điện thoại thực sự đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch. Trong hơn 1 năm triển khai, đã có 1.469 trường hợp ngừng tuần hoàn hô hấp được sơ cứu qua điện thoại, giúp cải thiện tỉ lệ hồi sinh tim phổi thành công tăng thêm được 11%.

Lập 3 trung tâm cấp cứu 115 khu vực hiện đại

Ngày 26.3.2024, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn 2024 - 2030. Mục tiêu xây dựng hệ thống cấp cứu hiện đại, đáp ứng nhu cầu người dân với 3 trung tâm theo quy hoạch 3 cụm y tế chuyên sâu:

  1. Trung tâm cấp cứu 115 tại cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên (Bình Chánh) là trụ sở chính, điều phối cấp cứu ngoại viện, huấn luyện sơ cấp cứu và nghiên cứu phát triển.
  2. Trung tâm cấp cứu 115 tại cụm y tế trung tâm là đội ngũ tinh nhuệ, đảm bảo cấp cứu nhanh tại khu vực trung tâm và các sự kiện trọng điểm, có khả năng cấp cứu chuyên sâu các trường hợp phức tạp nguy kịch ngay tại hiện trường.
  3. Trung tâm cấp cứu 115 tại TP. Thủ Đức là lực lượng phát triển cấp cứu chuyên sâu, phù hợp với đặc thù khu vực.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã và đang tiếp tục nghiên cứu thực hiện loại hình cấp cứu đường không, đường thủy vừa phù hợp với thực tiễn về nguồn lực và địa lý của địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.