Sau 2 năm cho hút cần sa thoải mái, Thái Lan đã hối hận?

09/05/2024 11:25 GMT+7

Thái Lan tái hình sự hóa sử dụng cần sa chỉ hai năm sau khi trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa cần sa vào năm 2022 để thu hút du khách, thúc đẩy tăng trưởng du lịch.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết hôm thứ tư rằng ông muốn cần sa được liệt trở lại vào danh sách ma túy và tái hình sự hóa sử dụng cần sa vào cuối năm nay. Quan điểm này đảo ngược hoàn toàn 2 năm sau khi nước này trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa cần sa, theo New York Times.

Ông Srettha, người nhậm chức vào tháng 8 năm ngoái, viết trên mạng xã hội rằng ông muốn Bộ Y tế thay đổi luật để chỉ được sử dụng cần sa vì lý do y tế và sức khỏe.

Tất cả hoạt động bán cần sa ở Thái Lan về mặt kỹ thuật đều nhằm mục đích y tế, nhưng các quy định lỏng lẻo khiến nhiều doanh nghiệp công khai bán cần sa khô và nhập khẩu bất hợp pháp. Hút cần sa ở nơi công cộng cũng bị cấm.

Cần sa được bán công khai ở Thái Lan trong 2 năm qua đã thu hút đông đúc du khách quốc tế

Cần sa được bán công khai ở Thái Lan trong 2 năm qua đã thu hút đông đúc du khách quốc tế

AFP

Thái Lan đã hợp pháp hóa cần sa vào tháng 6 năm 2022, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp nội địa phát triển đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh và tình trạng dư cung. Có hàng nghìn trạm y tế đã đăng ký trong nước và cần sa được kê đơn tại hàng trăm phòng khám y học cổ truyền. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng ủng hộ việc xây dựng các trang trại cần sa trong nhà công nghệ cao.

Một báo cáo năm 2022 cho thấy, ngành công nghiệp cần sa Thái Lan có thể trị giá 1,2 tỉ USD vào năm 2025.

Sau khi quốc hội Thái Lan bầu ông Srettha, một ông trùm bất động sản, làm thủ tướng, các chuyên gia trong ngành kỳ vọng chính phủ mới sẽ thắt chặt các quy định xung quanh việc trồng và bán cần sa. Ông Srettha nói với các phóng viên trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 năm 2023 rằng đảng chính trị của ông, Pheu Thai, không muốn "hợp pháp hóa hoàn toàn cần sa" và sẽ chỉ ủng hộ việc sử dụng nó cho mục đích y tế.

"Ma túy có thể hủy hoại tương lai đất nước, nhiều người trẻ nghiện ngập. Chúng ta phải hành động nhanh chóng để tịch thu tài sản của những kẻ buôn bán ma túy và mở rộng việc điều trị", ông nói.

Ông cũng cho biết muốn thay đổi cách diễn đạt của luật tàng trữ ma túy để cho phép chính quyền trấn áp hiệu quả hơn.

Nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có luật ma túy hà khắc và đưa ra các án tù dài hạn cho những hành vi tàng trữ, tiêu thụ hoặc buôn bán cần sa. Tại Singapore, ít nhất hai người đã bị xử tử vì tội sử dụng cần sa vào năm ngoái.

Năm 2019, Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á cho phép sử dụng cần sa cho mục đích y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.