Chiều 7.11, thảo luận về dự án luật Điện lực sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề làm thế nào để Việt Nam có một thị trường điện cạnh tranh thực sự?
Thị trường điện cạnh tranh "có vẻ còn rất mờ nhạt"
Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nói cách đây 20 năm, ông là thành viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ, Môi trường Quốc hội khóa XI, tham gia thẩm tra luật Điện lực. Khi ấy, vấn đề được đặc biệt quan tâm là xây dựng và hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh.
Ông Hậu kể tại thời điểm này, ông và nhiều người không thể hình dung làm sao có thể cạnh tranh khi điện là hàng hóa đặc biệt, các nhà máy sản xuất ra hòa chung lên lưới, đưa đến từng công xưởng, từng hộ dân, không thể phân biệt được điện đang sử dụng là của nhà sản xuất nào. Chưa kể, mỗi nhà máy không thể xây lắp 1 hệ thống truyền tải riêng để bán rộng rãi sản phẩm của mình.
Đến khi được tham quan Trung tâm điều độ điện quốc gia, ông Hậu mới biết trung tâm này có thể điều hành tăng, giảm công suất phát điện của từng nhà máy, các đại lý mua bán điện khu vực hoàn toàn có thể mua điện trực tiếp từ bất kỳ nhà máy nào.
Từ câu chuyện trên, ông Hậu kỳ vọng 15 năm sau, đến 2020, khi Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp thì thị trường điện cạnh tranh sẽ vận hành thông suốt. Thế nhưng đến nay, một thị trường điện cạnh tranh thực sự "có vẻ còn rất mờ nhạt, rất xa vời".
Ông Hậu phân tích, thị trường điện cạnh tranh có 3 cấp độ. Cấp độ 1 là phát điện cạnh tranh, khi chứng kiến sự bùng nổ của đầu tư tư nhân, sự tham gia của ngành dầu khí, than - khoáng sản…. Tuy nhiên, "phát điện có cạnh tranh được không khi hầu hết điện sản xuất ra phải hòa lưới, truyền tải trên lưới điện do tổng công ty 100% vốn EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) quản lý, vận hành; và họ vẫn cơ bản chỉ có thể bán điện cho các tổng công ty 100% vốn của EVN?".
Cấp độ 2 là mua, bán buôn điện cạnh tranh. "Bán buôn có cạnh tranh thực thụ được không khi cả 5 đầu mối mua bán buôn hiện tại đều là các tổng công ty 100% vốn EVN", ông Hậu đặt câu hỏi.
Với cấp độ 3 là bán lẻ điện cạnh tranh. Tháng 8.2020, Bộ Công thương phê duyệt đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, và cho đến nay thì "kết quả còn rất khiêm tốn".
Phải tách bạch 3 khâu then chốt
Vị đại biểu đoàn Tây Ninh cho rằng, muốn có một thị trường điện cạnh tranh thực sự thì phải thay đổi triệt để theo hướng tách bạch 3 khâu then chốt của ngành điện, đó là phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia.
Nhưng thực tế thì "trái tim" của hệ thống điện quốc gia - Trung tâm điều độ điện quốc gia - chỉ mới chính thức tách ra khỏi EVN chuyển về Bộ Công thương từ tháng 8.2024, còn đang lo ổn định tổ chức, nhân sự và chưa biết đến bao giờ sẽ thực sự ra khỏi "cái bóng khổng lồ" của EVN.
Trong khi đó, "mạch máu" của hệ thống điện quốc gia là hệ thống truyền tải điện đang thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, trực thuộc EVN.
Trước bối cảnh trên, ông Hậu nhận định những sửa đổi trong dự thảo lần này chưa có những quy định pháp lý đủ mạnh để mang đến sự thay đổi mang tính quyết định, giúp thị trường điện cạnh tranh vận hành thực sự cạnh tranh, công khai, minh bạch và công bằng.
"Nếu thông qua tại kỳ họp này thì chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nếu sửa đổi toàn diện cần có sự nghiên cứu sâu, xem xét kỹ hơn nên cần qua 2 kỳ họp", ông Hậu nêu ý kiến.
"Không có chính sách thì không có đầu tư, không có đầu tư sẽ không có điện"
Giải trình trước ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo luật Điện lực sửa đổi đã bổ sung quy định về những cơ chế, chính sách chủ đạo để xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ, theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhất là vấn đề sản xuất, kinh doanh điện.
"Tôi xin báo cáo rõ là đến giờ này đã phát điện cạnh tranh, bây giờ 52% các nhà đầu tư ngoài nhà nước thì rõ ràng là cạnh tranh chứ không thể không cạnh tranh.
Bán buôn thì chúng ta vừa mới ban hành chính sách mua, bán điện trực tiếp và chúng ta cũng đã quy định không chỉ 5 đơn vị được mua buôn điện, về bán lẻ thì chúng ta đang sửa các quy định về giá, giá 2 thành phần, khung giá theo giờ…, tất cả những việc đó chúng ta đang vận hành", ông Diên nói.
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công thương, Việt Nam có điểm khác với các nước khi không thể theo hoàn toàn cơ chế thị trường, vì đằng sau còn có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. "Đầu vào có cao đến bao nhiêu nhưng đầu ra vẫn phải kiểm soát để bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội", ông Diên cho hay.
Về việc thông qua dự án luật trong 1 hay 2 kỳ họp, ông Diên nói Chính phủ đã đề xuất trình Quốc hội xem xét thông qua tại 1 kỳ họp. Quy hoạch Điện VIII xác định đến năm 2030 - tức là chỉ còn hơn 5 năm nữa - Việt Nam phải tăng gấp đôi công suất, đến năm 2050 - tức là 26 năm nữa - phải tăng gấp 5 lần công suất hiện nay.
Ông Diên cho rằng, nếu từ bây giờ không có luật và không có những cơ chế, chính sách cụ thể chúng ta không thể thu hút được đầu tư. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030 là 14 - 16 tỉ USD, nhưng từ sau năm 2030 phải cần từ 16 - 18 tỉ USD mỗi năm mới bảo đảm an ninh năng lượng điện.
"Chúng tôi rất lo rằng luật này không được thông qua, còn bộ chúng tôi với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo hay lớn hơn là Chính phủ thì chúng tôi cũng chấp hành quyết định của Quốc hội. Nhưng nếu không có chính sách thì không có đầu tư, không có đầu tư sẽ không có điện, không có điện thì không có gì hết. Điện phải đi trước một bước", ông Diên giải trình.
Bình luận (0)