Sáng 18.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 tổ chức hội thảo "Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp".
Tại hội thảo, ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho biết từ khi cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường được ban hành (năm 2011 - PV), giá bán lẻ điện được điều chỉnh không những đảm bảo tài chính bền vững cho EVN để đầu tư, vận hành hệ thống mà còn đảm bảo tài chính cho các nhà đầu tư nguồn điện, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh điện.
Tuy nhiên, do giá điện là mặt hàng nhạy cảm, việc thay đổi có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân nên trong một số năm, giá điện đã được giữ ổn định. Theo đại diện Bộ Công thương, cần nghiên cứu để luật hóa quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện phù hợp.
"Cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo sự phát triển của thị trường điện. Mục tiêu là thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, công bằng, điều hành giá điện qua hoạt động mua bán điện", ông Quang nói, và đề xuất ban hành nghị định của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, cùng đó bổ sung chính sách giá điện theo vùng miền, phản ánh chi phí bán lẻ điện cho nhóm khách hàng.
Tương tự, PGS - TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện lực miền Bắc, đánh giá mặc dù đã có Quyết định 24 năm 2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân, song việc điều chỉnh giá lại không diễn ra mang tính định kỳ.
Do đó, ông Hồi đánh giá đợt điều chỉnh gần nhất vào tháng 5, sau 4 năm không điều chỉnh giá điện, là không phải điều tiết giá theo tín hiệu của thị trường.
"Việc không điều chỉnh quá lâu sẽ dẫn tới giá điện không phản ánh tín hiệu của thị trường và nguy cơ lỗ lớn có thể xảy ra. Không thể mãi hô khẩu hiệu là phải làm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, phá bỏ thế độc quyền của EVN nhưng các điều kiện tiên quyết không thể thực hiện", ông Hồi nhấn mạnh.
Nhà nước vẫn phải kiểm soát
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương, khẳng định điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước vẫn phải tiếp tục. "Dù chúng ta có hình thành thị trường bán lẻ điện đi nữa thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát", ông An nhấn mạnh, và cho rằng, quan trọng là kiểm soát mức độ nào để tăng cạnh tranh, minh bạch.
Cho rằng thị trường điện chỉ là một trong biện pháp tái cơ cấu ngành điện, ông An phân tích, nếu tập trung vào xây dựng thị trường điện thì chỉ là một góc của tái cơ cấu ngành điện, không dẫn tới chi phí tối ưu. Một phần nào đó có thể mất vai trò của Nhà nước, mất cân đối an ninh năng lượng.
Về giá điện, ông An nói không phải chi phí của riêng EVN mà là chi phí toàn ngành, của các loại hình doanh nghiệp tham gia vào hoạt động điện lực cho tới khâu bán lẻ cuối cùng.
"Câu chuyện giá điện gắn chặt với chuyện quản lý của ngành điện. Nhưng tái cơ cấu gì thì mục tiêu số một là phải đủ điện. Giá điện phải tối ưu nhất và thực sự minh bạch, dù là Nhà nước hay tư nhân làm", ông An nêu.
Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, hiện đã có luật Điện lực và luật Giá là 2 luật quan trọng, nền tảng cho quản lý các chi phí của ngành điện. Tới đây sẽ tiếp tục phải sửa đổi luật Điện lực, trong đó luật hóa điều hành giá điện chứ không để ở mức quyết định của Thủ tướng, đồng thời luật hóa các quy định về thị trường điện.
Ông An thông tin, Bộ Công thương cũng đề xuất xây dựng luật Năng lượng tái tạo và sửa đổi, bổ sung luật Tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Bình luận (0)