(Tin Nóng) Ngày 20.6 qua, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus chính thức phê duyệt đưa danh sách 74 thuỷ thủ Mỹ chết trong vụ tàu khu trục USS Frank E. Evans chìm trên Biển Đông hồi năm 1969 vào bức tường ở Washington tưởng niệm lính Mỹ chết trận tại Việt Nam.
Tàu khu trục USS Frank E. Evans của Hải quân Mỹ - Ảnh Hải quân Mỹ
|
Sự kiện này được thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân chủ, bang New York) thông báo đến hội tưởng niệm tàu khu trục USS Frank E. Evans (DD-754).
Lâu nay thân nhân 74 thuỷ thủ Mỹ đòi người thân của họ phải được công nhận tử trận tại Việt Nam nhưng bị chính quyền bác bỏ.
Tàu khu trục USS Frank E. Evans đã bị tàu sân bay của Úc HMAS Melbourne đâm gãy làm đôi khi đang tham gia cuộc tập trận của khối Liên phòng Đông Nam Á (SEATO) trên Biển Đông, ngoài khơi bờ biển Việt Nam khoảng 160 km ngày 3.6.1969, làm 74 thuỷ thủ tàu Evans chết chìm, chỉ 1 người tìm được xác.
Con tàu này trước đó từng tham gia pháo kích vào các vị trí của Quân giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Dự kiến sau khi kết thúc tập trận, tàu Evans sẽ quay lại vùng chiến sự ở ven biển miền nam Việt Nam.
Theo AP, đêm 3.6.1969, thuỷ thủ Stephen Kraus (22 tuổi, người bang California) đang phiên gác trên đài quan sát của tàu USS Frank E. Evans, một tàu khu trục đóng thời Thế chiến II. Lúc đó anh ta phát hiện tàu sân bay HMAS Melbourne của Úc đang lù lù tiến đến theo hướng thẳng góc với hông tàu Evans. Kraus liền phát tín hiệu báo động nhưng đã quá trễ, tàu HMAS Melbourne đâm thẳng vào hông tàu khu trục Evans, cắt nó ra làm hai. Kraus và một đồng đội rơi xuống sàn tàu Úc và bị thương.
Phần mũi tàu Evans chìm trong vòng 3 phút, mang theo 74 thuỷ thủ xuống độ sâu hơn 1,6 km. Chỉ 1 thi thể được tìm thấy sau đó. Gần 200 thuỷ thủ còn lại được các tàu xung quanh đến cứu và nhờ bám vào phần đuôi tàu còn nổi.
Mũi tàu sân bay Úc cũng bị hư hại nặng vì cú va chạm bất ngờ này. Đáng nói là tàu sân bay HMAS Melbourne trước đó từng đâm chìm 1 tàu chiến của Úc là chiếc HMAS Voyager vào ngày 10.2.1964 làm 82 thuỷ thủ chết.
|
Tàu Evans bị cắt làm đôi sau khi bị tàu sân bay Úc đâm phải, chỉ còn phần đuôi là còn nổi - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Tìm kiếm cứu hộ thuỷ thủ tàu Evans ngày 4.6.1969, lúc này tàu chỉ còn phần đuôi (giữa) - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Mũi tàu sân bay HMAS Melbourne bị hư hại sau cú va chạm tàu khu trục Evans ngày 3.6.1969 - Ảnh: Hải quân Úc
|
Sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, tên tuổi 74 thuỷ thủ tàu khu trục Evans không được đưa lên bức tường tưởng niệm lính Mỹ chết trận tại Việt Nam, ở thủ đô Washington. Lý do là các quan chức Lầu Năm Góc nói tai nạn xảy ra với tàu Evans là nằm ngoài vùng chiến sự.
Sau đó là một cuộc đấu tranh dài hơi của gia đình các nạn nhân và của các đồng đội còn sống sót.
Gần đây họ được sự ủng hộ của thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, ông Charles Schumer (bang New York) về việc đưa tên 74 thuỷ thủ tàu Evans vào bức tường ở Washington.
Việc thuỷ thủ tàu Evans tử nạn được cho vào bức tường tưởng niệm ở Washington dự kiến sẽ mở đường cho việc công nhận lính Mỹ chết khi ở ngoài vùng chiến sự Việt Nam cũng được ghi tên lên bức tường. Đó là trường hợp 58 lính thuỷ quân lục chiến Mỹ tử nạn năm 1965 khi máy bay chở họ từ Hồng Kông bay về lại Nam Việt Nam bị rơi khi vừa cất cánh.
Đồ hoạ vụ va chạm giữa tàu sân bay HMAS Melbourne với tàu khu trục USS Frank E. Evans – Nguồn: Wikipedia
|
Tàu sân bay HMAS Melbourne, hoạt động từ năm 1955 và giải ngũ năm 1982 - Ảnh: Hải quân Úc
|
Anh Sơn
>> Hồi ức phi công trực thăng UH-1 Mỹ về chiến tranh Việt Nam
>> Quân đội Mỹ tiết lộ bị đĩa bay tấn công trong chiến tranh Việt Nam
>> Hải quân Mỹ từng triển khai 100 đầu đạn hạt nhân ở Vịnh Bắc bộ
>> Những bí ẩn không lời giải của Mỹ từ cuộc chiến tranh Việt Nam
Bình luận (0)