Sau cuộc điêu linh

03/05/2014 10:30 GMT+7

(TNTS) Đã gần bảy mươi năm kể từ thời bom nguyên tử dội xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của nước Nhật, kết thúc một Nhật Bản quân phiệt và chiến tranh.

 Sau cuộc điêu linh 1
Cảnh trong phim Seven Samurai

Nước Nhật hiện tại vươn mình mạnh mẽ tựa cành hoa anh đào rũ tuyết ngày đầu xuân, và khi mùa xuân ấm áp thật sự đến, nó hóa thành vùng đất lành của Phật pháp, tuy nhiên không vì vậy mà người Nhật đã thôi ám ảnh chiến tranh. Thấp thoáng đâu đó đằng sau những tác phẩm nghệ thuật lớn của Nhật Bản, bóng ma chiến tranh vẫn còn say sưa kể chuyện. Thậm chí, người ta hoàn toàn có thể bắt gặp bóng ma ấy lởn vởn trong một cuốn phim đầy chất thiền như Tokyo Story của Ozu Yasujiro.

 

Nếu Ozu Yasujiro được xem là tiếng nói đương đại của Nhật Bản bấy giờ thì hai vị đạo diễn kia thi thoảng lại gặp nhau ở điểm chung quá khứ, mà hai tác phẩm chính là Seven Samurai và Ugetsu

Thời điểm Ozu làm Tokyo Story, Nhật Bản là một đất nước thua cuộc đang trên đà khôi phục lại nền kinh tế với nỗi mặc cảm chưa kịp nguôi ngoai, thế nên con người ta cứ xa cách nhau, từ gia đình cho đến các mối quan hệ xã hội. Điện ảnh Nhật Bản rất đỗi lạ lùng. Cũng thoát xác sau chiến tranh, song nó không náo nhiệt tạo thành làn sóng kiểu Tân hiện thức Ý. Điện ảnh Nhật Bản đủ hướng ngoại để hòa nhập và đủ thâm trầm để gìn giữ, nếu không muốn nói là nó tìm được chỗ đứng nhất định trên thế giới bằng thứ tinh thần vô cùng Nhật Bản chẳng thể trộn lẫn đâu được. Và người Nhật, họ tự chữa lành vết thương chiến tranh của mình bằng cách đối mặt sòng phẳng, như một cách nhắc nhở về bản tính tàn bạo có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào đang tạm thời ngủ yên bên trong mỗi con người.

Thế chiến thứ hai vừa kết thúc được năm năm thì điện ảnh Nhật Bản chính thức bước vào thời kỳ đỉnh cao cùng nhiều tác phẩm thuộc hàng kinh điển. Điện ảnh Nhật Bản lúc đó vượt ngoài tầm khu vực và khiến phương Tây sững sờ, trong đấy phải kể đến ba tên tuổi xuất sắc là: Akira Kurosawa, Ozu Yasujiro, Kenji Mizoguchi. Nếu Ozu Yasujiro được xem là tiếng nói đương đại của Nhật Bản bấy giờ thì hai vị đạo diễn kia thi thoảng lại gặp nhau ở điểm chung quá khứ, mà hai tác phẩm tiêu biểu chính là Seven SamuraiUgetsu. Seven Samurai của Akira Kurosawa và Ugetsu của Kenji Mizoguchi miêu tả về một nước Nhật chinh chiến và điêu linh. Từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16, Nhật Bản rơi vào tình trạng chia rẽ bởi các cuộc nội chiến. Người ta gọi đây là thời kỳ chiến quốc. Các lãnh chúa thi nhau tìm cách bành trướng quyền lực và lãnh thổ. Cũng trong thời kỳ này, những người châu Âu đầu tiên đã đặt chân đến Nhật Bản, họ mang theo súng ống và Cơ đốc giáo. Chiến tranh triền miên khiến dân chúng cùng cực lầm than. Đâu đâu cũng thấy cướp bóc, nạn đói, xác người...

 

Đời tựa một giấc nam kha, và cũng bên gốc hòe năm đó, chỉ thay thế nồi cơm sôi bằng cái chết thê lương của người đàn bà khổ mệnh

Thời buổi tao loạn, không chỉ nông dân mà ngay cả tầng lớp samurai, quý tộc đều lâm vào hoàn cảnh bi đát. Seven Samurai tựa một bản cáo trạng đanh thép về sự phân chia giai cấp trong xã hội Nhật Bản phong kiến, nói theo lời của tay võ sĩ đạo giả danh Kikuchiyu thì, tầng lớp thống trị gây ra chiến tranh và bắt tầng lớp nông dân gánh chịu. Những người nông dân quê mùa có ngu dốt, có bần tiện, có hèn nhát... cũng do các samurai uy quyền trên cao kia ban tặng cho họ. Samurai đánh đập họ, samurai đốt nhà họ, samurai bắt đàn bà của họ... Và tương tự “con vua thì lại làm vua...”, đã sinh ra trong gia đình nông dân thì muôn đời không thoát khỏi kiếp cùng đinh. Họ lúc nào cũng trông như những con chuột lầm lũi suốt một đời không dám ngước mặt lên ngay tại chính nơi ở của mình. Những con người ấy càng lầm lũi hơn khi chiến tranh kéo đến phá tan ruộng đồng, làng mạc của họ. 

Đạo diễn Akira Kurosawa mệnh danh là người tiên phong của điện ảnh châu Á bởi lối kể chuyện tài tình. Nếu lối kể chuyện tân thời trong Rashomon được tái hiện qua Tuyết sơn phi hồ của nhà văn Kim Dung hay sau này là Hero của đạo diễn Trương Nghệ Mưu thì Seven Samurai đã được Hollywood mua lại làm thành The Magnificent Seven. Một ngôi làng của Nhật Bản bị đe dọa bởi băng cướp bao gồm bốn mươi tên. Mọi người đều biết rằng, khi lúa chín vàng, bọn cướp sẽ tấn công, vì thế họ quyết định tìm thuê samurai giúp đỡ. Trên hành trình tìm thuê samurai ấy, Akira Kurosawa đưa người xem vô từng ngõ ngách của xã hội phong kiến Nhật Bản với cuộc nội chiến Onin. Chiến tranh dễ dàng tước đi mọi lẽ sống và hy vọng của con người. Trong một nhát cắt đau đớn, người nông dân Rikichi đã gặp lại vợ tại hang ổ bọn cướp. Vừa thấy chồng, cô ta vội vã lao mình vào căn nhà đang bốc cháy. Lúc Rikichi nghẹn ngào nói cô ta là vợ mình, sự kiêu bạc pha chút tàn nhẫn chảy trong huyết quản những samurai đi cùng anh đã ngượng ngùng cúi đầu. Số mệnh con người quá đỗi mong manh, và trong chiến tranh, nó càng trở nên bất trắc.

 Sau cuộc điêu linh 2

Seven Samurai có lối kể chuyện bằng hình mạnh mẽ về thân phận con người ở tầng lớp thấp hèn, song có lẽ, Ugetsu mới là tác phẩm toát lên hết được tất cả mặt trái man rợ của chiến tranh. Câu chuyện xoay quanh hai gia đình nông dân, Genjuro và Miyagi, Tobei và Ohama. Giống như bao nhiêu phụ nữ Nhật Bản khác, Miyagi và Ohama cũng là những người yêu thương và chiều chuộng chồng. Chiến tranh xảy ra, gia đình ly tán. Genjuro và Tobie là hai tuýp đàn ông khác nhau. Genjuro chỉ mong kiếm tiền làm giàu, còn Tobie khao khát trở thành samurai. Điểm chung duy nhất của hai gã nông dân là họ đều bỏ mặc vợ con chạy theo giấc mộng đời mình. Gã nông dân Tobie sau một thời gian ngắn bỏ đi đã công thành danh toại. Vui mừng khôn xiết, hắn lập tức đi tìm vợ.

Tay samurai mới toanh ấy nào ngờ, trên đường miệt mài kiếm tung tích chồng, vợ hắn đã bị một toán binh lính cưỡng hiếp. Dẫu biết cuộc sống vô thường, nhưng chắc chỉ trong chiến tranh loạn lạc mới có cảnh hai vợ chồng hôm trước còn mặn nồng, hôm sau đã tái ngộ nhau tại nhà thổ, người chồng lúc này là tướng quân uy nghi, còn cô vợ thì tủi nhục bán thân kiếm sống. Bao nhiêu uất hận bộc phát trong câu nói trách: “Hãy dùng tiền anh kiếm được mua tôi đêm nay”. Về phần Genjuro, sau khi bỏ vợ con chỗ bờ hồ Biwa, hắn ta đã lên tỉnh buôn đồ gốm. Vật đổi sao dời,  lúc Genjuro về lại quê hương thì vợ hắn đã bị giết chết. Trong căn nhà hoang tàn cũ nát, đứa con thơ của Genjuro nằm yên say ngủ. Vĩnh biệt mộng giàu sang. Đời tựa một giấc nam kha, và cũng bên gốc hòe năm đó, chỉ thay thế nồi cơm sôi bằng cái chết thê lương của người đàn bà khổ mệnh.

Có hàng vạn lý do để dẫn đến chiến tranh, song chỉ có một số phận dành cho những con người thấp cổ bé họng đi qua khói lửa.

Ngân Vi

>> Samurai trên chính trường Nhật
>> Lời nguyền của samurai
>> Samurai Warriors - Katana" chuẩn bị trình làng
>> Samurai Western

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.