Sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi là ‘thiên đường’ mới về du lịch biển?

10/12/2020 16:47 GMT+7

Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp mọc lên những công trình quy mô, phố thị khang trang. Địa phương này đang sở hữu nhiều nét tương đồng với TP.Đà Nẵng - điểm đến du lịch biển được yêu thích.

Thế mạnh sông biển và đòn bẩy Dung Quất - Chu Lai

Năm 1994, Chính phủ chọn khu vực vịnh Dung Quất để xây dựng Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, từ đó tỉnh Quảng Ngãi được đánh thức. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, tạo bàn đạp vững chãi cho chặng đường phát triển của Quảng Ngãi.
Hơn 20 năm qua, nhờ khai thác và phát triển cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai, Quảng Ngãi hiện là đất lành của hàng loạt dự án công nghiệp tầm cỡ: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan, Khu phức hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP… Tính đến tháng 9.2020, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh đã thu hút 678 dự án với tổng số vốn gần 300.000 tỉ đồng. Quyết định số 452/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng định hướng địa phương này sẽ mở rộng “thành phố hướng biển”.
Vẻ đẹp hoang sơ của biển Mỹ Khê, Quảng Ngãi

Vẻ đẹp hoang sơ của biển Mỹ Khê, Quảng Ngãi

Chiến lược khai thác thế mạnh tài nguyên sông, biển để phát triển kinh tế có nhiều điểm tương đồng ở các tỉnh thành miền Trung. Trước Quảng Ngãi, Đà Nẵng hẳn là địa phương đã làm tốt nhất. Quyết định xây cầu Sông Hàn năm 1998 và sau đó hàng loạt cây cầu mới ra đời kết nối bờ Đông Tây từ sông ra biển, cùng với đô thị trung tâm đã mở ra một kỷ nguyên mới cho TP.Đà Nẵng. Tương tự, Quảng Ngãi trong 2 năm qua đã khánh thành 2 cây cầu Thạch Bích và Cổ Lũy với tổng mức đầu tư 2.900 tỉ đồng.
Nhờ chính sách hướng biển và thu hút đầu tư hấp dẫn, hiện Đà Nẵng sở hữu hàng loạt dự án khu du lịch, thương mại và dịch vụ đẳng cấp như Intercontinental, Furama, BRG…góp phần định hình TP.Đà Nẵng tươi đẹp, năng động và hiếu khách.
Năm 2019, Đà Nẵng thu hút hơn 8,6 triệu lượt du khách, tăng 13,4% so với 2018, trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 3,5 triệu lượt, tăng 22,5%. Tờ The New York Times bình chọn Đà Nẵng là 1 trong 15 điểm đáng đến nhất trên thế giới.

Cú hích từ những công trình

Những thành tựu của thành phố Đà Nẵng ngày nay đã minh chứng cho con đường phát triển đúng đắn của một đô thị hướng biển. Tiếp nối Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã vươn lên từ biển, đang đứng trước cơ hội bứt phá nhờ nhiều nét tương đồng với Đà Nẵng.
Tạp chí Forbes bình chọn biển Mỹ Khê Đà Nẵng là 1 trong 6 bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh, thì ở Quảng Ngãi cũng có bãi biển Mỹ Khê không thua kém, đặc biệt còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, thanh bình, chứa đựng nhiều tiềm năng.
Cầu Cổ Lũy đã thông xe, đưa khu Đông Quảng Ngãi bước vào giai đoạn phát triển mới

Cầu Cổ Lũy đã thông xe, đưa khu Đông Quảng Ngãi bước vào giai đoạn phát triển mới

Bên bờ biển Mỹ Khê Quảng Ngãi cũng có tuyến đường du lịch chiến lược được đặt tên Hoàng Sa như Đà Nẵng. Nếu đảo Sơn Trà sừng sững tượng Phật Quan Thế Âm thì đường Hoàng Sa Quảng Ngãi cũng đi qua Khu văn hóa tâm linh Thiên Mã, nơi sẽ đặt tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Đông Nam Á (122m).
Đặc biệt, tháng 10.2020 vừa qua, cây cầu dây văng hiện đại nhất tỉnh Quảng Ngãi (dài 1.877m) đã chính thức được thông xe, nối trung tâm TP.Quảng Ngãi với vùng đô thị phía Đông. Nhiều người cũng liên tưởng cầu Cổ Lũy với cây cầu dây văng Thuận Phước Đà Nẵng (1.856m). Đây đều là những công trình độc đáo của địa phương, góp thêm hạ tầng giao thông vững chắc để phát triển về hướng biển.
Quảng Ngãi và Đà Nẵng đều là mảnh đất của những bước đi vững vàng. Sự phát triển của Đà Nẵng đã truyền cảm hứng cho nhiều địa phương mà trong đó, Quảng Ngãi đang bứt phá như một đô thị trẻ đầy tiềm lực của miền Trung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.