Có hiện tượng găm hàng, đẩy giá
Trong bối cảnh giá đường đang "nóng" thì nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường đã hết niên vụ, một số nhà máy viện dẫn lý do sửa chữa, giảm sản lượng để... ngừng bán đường. Trước diễn biến giá đường tăng cao, Hiệp hội Mía đường VN đã ban hành công văn khẩn để khuyến cáo hội viên đưa đường ra thị trường và giữ giá bán đường hợp lý, bảo đảm mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, cũng cảnh báo: "Thời gian gần đây, giá đường trên thị trường đã có những biến động bất thường. Diễn biến thị trường cho thấy bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị, giá đường có thể bị đẩy đến mức vượt quá mức độ hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng".
Đường là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành chế biến thực phẩm, giá đường tăng mạnh sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều lĩnh vực chế biến khác. Theo một số doanh nghiệp, trong 2 năm qua, VN áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan và gần đây là một số nước khác trong khu vực ASEAN.
Việc này khiến lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan và 5 nước ASEAN giảm mạnh. Để có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà máy đường trong nước cũng như các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm bắt buộc phải chấp nhận gia tăng chi phí giá mua và chi phí vận chuyển để tìm kiếm nguồn đường nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài khu vực ASEAN.
Cảnh báo tình trạng găm hàng làm tăng giá đường
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá đường trên thế giới hiện tại đang tăng rất cao và nhanh (cao nhất trong vòng 11 năm qua) vì sản lượng đường tại các quốc gia sản xuất đường lớn trên thế giới như Brazil, Úc, Ấn Độ và Thái Lan ít hơn dự kiến, đặc biệt trong quý 3 và quý 4/2023.
Trước nguy cơ thiếu hụt lớn nguồn cung đường và giá đang tăng cao, Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA) kiến nghị Chính phủ xem xét ngoài số lượng 119.000 tấn đường hạn ngạch theo cam kết với WTO, FFA kiến nghị bổ sung lượng nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn đường để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước. Con số này được đưa ra trên cơ sở lượng thiếu hụt là 1,199 triệu tấn trừ đi khoảng 600.000 tấn đường nhập khẩu bình quân theo đường không chính thức đến nay chưa kiểm soát được.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký công văn giao Sở Tài chính theo dõi sát tình hình giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời tham mưu các biện pháp điều hành giá các mặt hàng gạo theo diễn biến thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; giao Sở Công thương tăng cường theo dõi sát diễn biến cung cầu mặt hàng gạo trên thị trường, phối hợp cung cấp thông tin, cùng với Sở Tài chính phân tích, dự báo thông tin thị trường, tham mưu kịp thời cho UBND TP các giải pháp cân đối cung cầu thị trường, quản lý, điều hành giá. Cục Quản lý thị trường tăng cường theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo...
Giá đường, gạo cao nhất trong 10 năm
Ngày 29.8, khảo sát của Thanh Niên tại các kênh phân phối ở TP.HCM cho thấy mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong thời gian này chính là gạo và đường cát. Chị Hương, chủ một cửa hàng tạp hóa gần chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), cho biết: "Giá gạo gần đây thường xuyên nhích lên 200 - 300 đồng/kg, theo mỗi đợt nhập hàng. Tổng mức tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, mặt hàng tăng giá mạnh nhất phải kể đến là đường cát. Các loại đường có thương hiệu hiện khoảng 35.000 - 37.000 đồng/kg. Đường đóng cây 12 kg, giá khoảng 260.000 - 290.000 đồng/cây; còn nếu nhập đường loại đóng bao 50 kg về chia ra bán lẻ cũng 25.000 - 26.000 đồng/kg. So với hồi trước tết, giá đường tăng bình quân khoảng 5.000 đồng/kg; còn nếu so với cách đây một năm tăng gần 10.000 đồng/kg. Không biết thực tế như thế nào, chỉ thấy các đại lý họ báo tăng giá vì hút hàng".
Thống kê ở thời điểm hiện tại giá đường đang tăng 35% so với đầu năm nay và tăng đến 56% so với cùng kỳ năm 2022 và ở mức cao nhất lịch sử 10 năm qua. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết: "Đường đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất thực phẩm. Việc các nhà máy đường trong nước không đủ nguồn đường thô để sản xuất đường thành phẩm đã dẫn tới việc không thể đáp ứng được nhu cầu các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.
Hệ quả tất yếu của vấn đề thiếu đường hiện nay dẫn đến các dây chuyền sản xuất không được tận dụng hết công suất, sản lượng sản xuất thực phẩm bị suy giảm nghiêm trọng kéo theo giá thành thực phẩm cũng từ đó tăng cao. Việc thiếu hụt nguồn đường nguyên liệu trong nước cũng khiến cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tìm kiếm và phụ thuộc nhiều vào nguồn đường nhập khẩu".
Thị trường gạo cũng tương tự. Việc nguyên liệu thiếu hụt đang tập trung vào lượng gạo phẩm cấp thấp để chế biến bún, hủ tíu, phở, bột bánh… Chị Nguyễn Khánh Hà, một doanh nghiệp chế biến bún xuất khẩu tại Bình Thuận, chia sẻ: "Trước đây khi còn nguồn gạo nhập khẩu Ấn Độ, giá gạo nguyên liệu chúng tôi mua chỉ khoảng 11.000 đồng/kg, nhưng hiện nay đã tăng lên đến 15.000, thậm chí 16.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có. Gạo xuất khẩu hiện nay đang hút hàng nên việc trữ lúa gạo khô trên 6 tháng để làm bún là rất khó".
Trên thị trường xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết giá gạo xuất khẩu ngày 28.8 đã tăng 5 USD/tấn lên mức 628 - 643 USD/tấn. Theo đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu ở mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn.
Đại diện Công ty TNHH Vinh Hiển (Tiền Giang) nhìn nhận: "Giá lúa đã tăng khoảng 25% so với vụ đông xuân trước đây. Lúa tăng giá kéo theo giá gạo nguyên liệu cũng tăng theo. Gạo "chợ" gần đây tiêu thụ chậm nhưng lượng gạo xuất khẩu thì hút nhanh. Mấy ngày nay giá lúa, gạo tương đối ổn định, tuy nhiên với giá giữ như hiện nay không ít doanh nghiệp cũng mệt mỏi, nhất là đối với doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa".
Nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục tăng giá
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 8.2023 tăng 3,28% so với tháng trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41%; cụ thể gạo tẻ thường tăng 4,94%, gạo tẻ ngon tăng 3,09% và gạo nếp tăng 1,24%. Giá gạo trong nước tăng cao theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, xung đột chính trị và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp.
Giá gạo tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến và ngũ cốc khác như giá khoai tăng 4,37%, bắp tăng 1,81%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 1,17%; bột mì tăng 0,66%; miến tăng 0,65%; mì sợi, mì, phở, cháo ăn liền tăng 0,31%; bột ngô tăng 0,16%.
Giá thực phẩm tháng 8.2023 tăng 0,48% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng trong mùa du lịch vẫn ở mức cao. Cụ thể, giá thịt heo tăng 0,96%, thịt gia cầm tăng 1,23%, giá trứng các loại tăng 2,04%, giá rau tươi, khô và chế biến tăng 1,52% so với tháng trước, chủ yếu do thời tiết mưa nắng thất thường ảnh hưởng đến canh tác rau. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Bình luận (0)