PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng: “Chu kỳ El Nino đang có xu hướng giảm dần tác động tới khu vực ĐBSCL nên tình hình hạn hán đang dần được đẩy lùi. Tuy nhiên theo đó, chu kỳ La Nina dự báo sẽ bắt đầu xuất hiện vào tháng 8 năm nay, khi ĐBSCL vào mùa lũ, sẽ gây ra hiện tượng ngập lụt ở các địa phương trong vùng”.
Tình trạng trên sẽ trầm trọng hơn bởi hai vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười vốn được xem là 2 túi chứa nước cho ĐBSCL đã bị thu hẹp không gian trữ lũ đáng kể bởi hệ thống đê bao sản xuất lúa vụ 3. Vì vậy, đúng như quy luật, lũ từ đầu nguồn sẽ thoát nhanh hơn gây sạt lở và ngập lụt đô thị ở vùng phía hạ lưu.
Ông Tuấn cũng nêu ĐBSCL cần từng bước khôi phục các vùng chứa nước tự nhiên của đồng bằng; phát triển mô hình canh tác hợp sinh thái như lúa - tôm cho các vùng nước lợ; ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm, chống bốc hơi; tăng nhận thức về tài nguyên nước; phải có giải pháp ngoại giao nước trong vấn đề nước xuyên biên giới.
Theo Th.S Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ, một giải pháp khác là lập bản đồ cao độ đất thực tế, bản đồ lũ lụt, hạn hán trong quá khứ để thiết lập hệ thống quan trắc và dự báo sớm hơn nguy cơ lũ hay hạn hán ở ĐBSCL. Cùng với đó là xây dựng hệ thống hồ, cải tạo hệ thống kênh rạch vừa trữ nước thoát nước trong mùa mưa, mùa lũ; đồng thời cũng “để dành” nước ngọt chủ động cho những năm hạn hán gay gắt.
Bình luận (0)