Cuốn sách dạy người Việt hát tròn vành rõ chữ tiếng Việt
Ông hát ca khúc do chính ông sáng tác khi mới 11 tuổi. Ngạc nhiên là bởi ông vẫn nhiều năng lượng trong giọng hát khi đứng trên sân khấu.
NSND Trần Hiếu nói: “Hôm nay là ngày vui của tôi. Cuốn sách được tôi ấp ủ từ năm 1968, viết trong 30 năm, đến năm 1998 hoàn thành. Đến hôm nay, tôi mới có thể chia sẻ cuốn sách với mọi người”.
NSND Trần Hiếu vẫn chơi đàn và hát ở tuổi 86 |
NSCC |
Cuốn sách Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam đúc kết từ thực tiễn nghiên cứu, biểu diễn và giảng dạy thanh nhạc trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật gắn liền với ca hát của NSND Trần Hiếu.
Với hơn 100 trang, cuốn sách gồm 2 phần chính: Đôi điều về tiếng hát Việt Nam và Ngôn ngữ và học thuật.
Ở phần một, tác giả đề cập tới truyền thống ca hát nói chung, vai trò của tiếng hát Việt Nam nói riêng trong phạm vi khá rộng, từ thời kỳ mở nước, dựng nước đến thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc cho tới thời kỳ âm nhạc mới Việt Nam xuất hiện.
NSND Trần Hiếu |
NSCC |
Ở tuổi 86, NSND Trần Hiếu vẫn cất giọng hát trầm đầy nội lực - Thực hiện: An An |
Trong phần hai, tác giả đưa ra những nhận định và chứng minh những nhận định về sự tinh tế và ý vị của ngôn ngữ trong dân ca, trong những bài nhạc không lời và trong cấu trúc âm nhạc của người Việt.
Đây là lần đầu tiên có cuốn sách phân tích sâu về vai trò và ý nghĩa của âm vị học trong tiếng hát Việt Nam, đưa ra các đặc điểm về nguyên âm, phụ âm, đặc điểm về khiếu thưởng thức ca hát của người Việt Nam, tính tượng hình tượng thanh trong cái tai người Việt, tác động của phụ âm “đầu và cuối âm tiết” vào nguyên âm tiếng Việt, tính biến hóa sinh động của việc xử lý phụ âm cuối âm tiết trong tiếng hát Việt Nam…
NSND Quốc Hưng và nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long là những học trò của NSND Trần Hiếu |
NSCC |
NSND Quang Thọ cho hay với ông, cuốn sách của NSND Trần Hiếu là cuốn sách đầu tiên hướng dẫn cách áp dụng kỹ thuật hát của phương Tây trong việc hát tròn vành rõ chữ tiếng Việt, điều trước đây chưa hề có.
"Con hát gì mà như bò rống"
NSND Trần Hiếu kể động lực thôi thúc ông nghiên cứu là khi có một khán giả ở dưới nghe ông hát xong thì bảo: “Tôi thấy anh làm võ sĩ thì hơn”, người mẹ nuôi ông lúc ông đi sơ tán thì nói: “Con hát gì mà như bò rống”…
30 năm, ông nghiên cứu và viết một cách lặng lẽ. Phải hơn 20 năm sau, người bạn đời của ông - bà Nguyễn Thị Minh Ngà, trong lúc dọn góc ông hay ngồi nghiền ngẫm mới phát hiện thấy tập bản thảo.
“Lúc đó ông bị tai nạn, tôi sợ chuyện xấu xảy đến với chồng. Nếu điều đó xảy ra mà những trang viết này không đến được với mọi người thì là vô cùng uổng phí”, bà Ngà kể.
NSND Trần Hiếu và người bạn đời Nguyễn Thị Minh Ngà |
NSCC |
Bà mang tập bản thảo đến đưa cho NSND Quốc Hưng, học trò và cũng không khác gì người con trong gia đình. Từ những trang bản thảo viết tay, có những dòng chữ ông viết nhanh không ai “dịch” được, NSND Quốc Hưng và tiếp đó là nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, cũng là một học trò của ông, đã cùng biên tập, hiệu đính lại.
“Quá trình đó rất mất công, tốn mất 2 năm”, NSND Quốc Hưng chia sẻ.
Cùng với những trang viết cũ, NSND Trần Hiếu có thêm những bổ sung, chia sẻ mới. Ông trò chuyện với người bạn đời. Bà trở thành thư ký của ông. Bà ghi chép lại, sau đó cùng đọc để ông có thể chỉnh sửa theo ý muốn.
“Thầy rất vui khi cuốn sách hoàn thành. Nhân niềm vui ấy, thầy đã tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ tại gia đình với sự góp mặt của một vài người thân và một vài học trò gắn bó. Nhìn vẻ mặt đầy hạnh phúc của thầy mà tôi xúc động quá! Đó cũng là lý do tôi và một vài anh em gắn bó quyết tâm thực hiện cuốn sách này như một món quà ý nghĩa dành tặng thầy”, NSND Quốc Hưng chia sẻ.
Và ngày hôm nay, người nghệ sĩ ở tuổi gần 90 đã thật hạnh phúc bên người bạn đời, những người học trò,… khi những trang viết ông bắt đầu trong hơn nửa thế kỷ qua đã đến được với mọi người, góp phần vào công tác giảng dạy âm nhạc tại Việt Nam.
Bình luận (0)