Sau khi chuyển đổi giới tính, cần thay đổi, cải chính hộ tịch như thế nào?

15/04/2023 08:00 GMT+7

Sau khi cuộc thi Hoa hậu chuyển giới Việt Nam 2023 tổ chức trái phép có nguy cơ bị xử lý, cộng đồng mạng thắc mắc một vấn đề liên quan. Đó là người chuyển đổi giới tính có cần phải thay đổi giấy khai sinh, căn cước công dân...?

Trong cuộc thi Hoa hậu chuyển giới Việt Nam 2023 do Công ty TNHH Hương Giang Entertainment tổ chức, nhiều thí sinh có những cái tên rất đẹp, để lại ấn tượng với người xem. Có thể kể như: Nguyễn Đan Tiên, Nguyễn Tường San, Nguyễn An Nhi, Trần Hồ Hà Đan, Trương Kim Kim, Nguyễn Hà Dịu Thảo... Những cái tên "nữ tính" này đều đã được "thay tên đổi họ" so với cái tên trước khi họ chưa chuyển đổi giới tính.

Từ đây, nhiều câu hỏi được đặt ra, như: Liệu có phải thay đổi giấy khai sinh, căn cước công dân để "khớp" với cái tên hiện tại? Hoặc cách để thay đổi, cải chính hộ tịch như thế nào?

Đặc biệt, ở những nhóm dành cho cộng đồng LGBT, những thắc mắc ấy xuất hiện rất nhiều. Nhất là đối với những người trẻ đã và đang có ý định phẫu thuật chuyển đổi giới tính, mong muốn "sống một cuộc đời khác dưới một giới tính khác".

Sau khi chuyển đổi giới tính, cần thay đổi, cải chính hộ tịch như thế nào? - Ảnh 1.

Nguyễn Vũ Hà Anh, top 16 thí sinh Hoa hậu chuyển giới 2023 từng có tên khác trước khi chuyển giới

FBNV

Những quy định về chuyển đổi giới tính

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Thông Tinh Luật (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển đổi giới tính như sau: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Và căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền thay đổi tên, thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính".

"Như vậy, sau khi được chuyển đổi giới tính, công dân có quyền thay đổi tên và có nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, đổi lại chứng minh nhân dân (nay là căn cước công dân) để phù hợp với tên và giới tính đã được đổi", Luật sư Bình nói.

Sau khi chuyển đổi giới tính, cần thay đổi, cải chính hộ tịch như thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Thông Tinh Luật (Đoàn luật sư TP.HCM)

FBNV

Trước những thắc mắc về việc người đã chuyển đổi giới tính muốn thay đổi, cải chính hộ tịch thì cần làm gì? Luật sư Bình cho biết căn cứ theo Điều 26, Điều 27, Điều 28 Luật Hộ tịch 2014 quy định về phạm vi thay đổi hộ tịch, thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch và nội dung này được hướng dẫn bởi Mục 4 Chương II Thông tư 04/2020/TT-BTP... thì người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Luật sư Bình hướng dẫn: "Hồ sơ yêu cầu thay đổi họ, tên gồm: tờ khai (theo mẫu quy định); giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch (bản chính); các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch. Và trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu".

"Còn trong trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết là UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi. UBND cấp huyện giải quyết các trường hợp từ đủ 14 tuổi trở lên", Luật sư Bình thông tin thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.