Sau khi đăng ký xét tuyển, làm ngay những điều này để không rớt đại học

24/08/2022 07:30 GMT+7

Đừng để điểm cao mà rớt là điều các chuyên gia đến từ các trường đại học muốn lưu ý đến thí sinh ở giai đoạn sau khi đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Chiều 23.8, trong chương trình tư vấn trực tuyến của Báo Thanh Niên với chủ đề: “Đừng quên điều này nếu muốn trúng tuyển đại học”, rất nhiều lời khuyên bổ ích về những khâu tiếp theo thí sinh (TS) cần thực hiện sau khi kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển, để không vụt mất cơ hội vào đại học đúng ngành, trường yêu thích.

Điểm chuẩn năm nay sẽ không biến động nhiều ?

Năm nay, cả nước có hơn 941.000 TS dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học, nhưng đến hết ngày 20.8, thống kê của Bộ GD-ĐT chỉ có hơn 65% nhập nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh. Với con số này, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho rằng có thể những TS còn lại đã xác định rõ và đăng ký vào các trường trung cấp nghề, cao đẳng để phù hợp với năng lực của mình. Đây cũng là một trong những tín hiệu tốt, khi các em đã biết cách đăng ký phù hợp với năng lực và thời gian học tập cũng như điều kiện kinh tế của gia đình.

Các chuyên gia tham gia chương trình cung cấp cho thí sinh những thông tin cần thiết sau giai đoạn đăng ký xét tuyển

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nguyên nhân thứ 2, theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, sau 2 năm dịch bệnh, khi dịch đã kiểm soát được, nhiều TS chọn hướng đi du học hoặc theo các chương trình liên kết quốc tế. Một nguyên nhân khác có thể là do chủ quan, TS đã trúng tuyển bằng nhiều phương thức xét tuyển sớm nên các em ỷ lại mình đã đậu đại học dẫn đến việc chủ quan không đăng ký trên hệ thống của Bộ. Còn một nguyên nhân nữa cũng có thể là do khó khăn của TS trong việc tiếp cận thông tin, kỹ thuật và hệ thống đăng ký xét tuyển, nhất là các em ở vùng sâu vùng xa.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng nếu so với những năm trước, đăng ký nguyện vọng cùng với thời điểm đăng ký kỳ thi tốt nghiệp THPT, lúc này các bạn chưa biết điểm nên số lượng đăng ký sẽ nhiều. Còn năm nay, sau khi biết điểm mới đăng ký nguyện vọng nên các bạn có nhiều sự lựa chọn, cân nhắc hơn. Nhiều bạn lựa chọn con đường riêng của mình như du học, các chương trình học quốc tế hoặc học nghề để tham gia vào thị trường lao động sớm hơn… nên con số đăng ký này cũng khá khách quan và đúng với tình hình thực tế.

Đặc biệt, tiến sĩ Hà Thúc Viên dự đoán: “Tổng chỉ tiêu của các trường năm nay là khoảng 600.000 nên so với số lượng đã đăng ký nguyện vọng (616.000) thì gần như đã bằng nhau, điều này chưa có nghĩa tất cả các em đăng ký là đậu đại học. Nhưng với tình hình đăng ký xét tuyển năm nay, tôi cho rằng điểm chuẩn đại học sẽ không biến động nhiều”.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên thông tin: Với tình hình hiện tại, mức điểm trúng tuyển năm nay của các trường cũng sẽ tương đồng với những năm trước. Tuy nhiên, mức điểm trúng tuyển còn phụ thuộc vào một số yếu tố như số lượng chỉ tiêu của các ngành, phổ điểm của các trường và số lượng TS đăng ký. Đối với Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, mức điểm trúng tuyển vào trường bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay có thể tăng từ 1 - 3 điểm so với năm trước.

Tiến sĩ Đinh Văn Phúc, Trưởng đại diện tuyển sinh Trường ĐH Duy Tân, dự đoán những trường tốp thấp điểm chuẩn không thay đổi nhiều, còn trường tốp cao có thể thay đổi từ 1 - 2 điểm.

Cùng dự báo, thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết điểm chuẩn theo lộ trình của trường có thể tăng nhẹ từ 1 - 2 điểm, tùy ngành.

Những việc cần làm ngay

Dành những lưu ý cho TS ở thời điểm sau khi đã đóng cổng đăng ký nguyện vọng từ 17 giờ chiều qua (23.8), thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất hiện nay là sau khi đã đăng ký lên hệ thống của Bộ, các bạn phải đóng lệ phí, xác nhận nhập học và sau đó đến trường làm thủ tục nhập học. Nếu không làm những điều này thì coi như các bạn từ chối việc xét tuyển năm nay. Lưu ý đừng để điểm cao mà rớt đại học”.

Nộp lệ phí là một điều rất quan trọng giai đoạn hiện nay nên tiến sĩ Đinh Văn Phúc thông tin thêm: “Bắt đầu từ 24 - 31.8 là thời điểm các em nộp lệ phí xét tuyển. Và các em cần lưu ý, năm nay Bộ đã chia ra 6 luồng theo địa bàn cấp tỉnh/thành phố trong việc nộp lệ phí xét tuyển. Những thông tin này các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn trên trang thông tin của Bộ”.

Các bước thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển nguyện vọng ĐH mà Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn thí sinh thực hiện

BỘ GD-ĐT

Tiến sĩ Đinh Văn Phúc cũng nhắc nhở năm nay các em sẽ nộp lệ phí theo hình thức trực tuyến trên 15 kênh theo quy định. Trong đó có thể nộp 6 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, SHB, VPBank); đối với các tổ chức trung gian như các ngân hàng khác thì có 5 kênh (VNPT Money, Ngân lượng, KeyPay, Payoo, Napas); các ví điện tử thì có 3 kênh (VNPT Money, Momo, Viettel Money); và hình thức cuối cùng là kênh di động VNPT Mobile Money.

Thạc sĩ Trần Văn Trắng lưu ý TS trong quá trình nộp lệ phí theo các kênh trên mà nghẽn mạng, không thấy nút thanh toán màu xanh lá cây thì không nên quá hoang mang và cũng đừng cố gắng làm lại nhiều lần mà nên đăng xuất, sau đó 15 phút có thể đăng nhập lại để tiếp tục thao tác.

Thạc sĩ Trắng cũng khuyên TS nên chuẩn bị tài khoản thanh toán từ 4 hình thức và 15 kênh thanh toán mà Bộ quy định, các bạn nên chọn sử dụng tài khoản nào mà mình thuận lợi, phù hợp nhất để dễ dàng thao tác.

“Đừng chờ ngày cuối cùng mới thực hiện việc đóng lệ phí mà phải lường trước tình huống đường truyền để thực hiện cho trơn tru. Sau đó, để trúng tuyển thì cần xác nhận nhập học trên hệ thống và đến các trường làm thủ tục nhập học từ 17.9 - 30.9”, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên nhắc nhở TS.

Nhiều chính sách học bổng cho tân sinh viên

Tiến sĩ Hà Thúc Viên cho hay: “Trường ĐH Việt Đức có học bổng tài năng dành cho khoảng 25% học sinh giỏi với 3 mức là 100%, 50% và 25%; học bổng do các cơ quan tài trợ từ bên Đức sẽ dành cho những sinh viên học giỏi và khó khăn được hỗ trợ mức học bổng hợp lý”.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên thông tin: “Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM có các chương trình học bổng không giới hạn. Có những mức học bổng 25%, 50% và 100%; học bổng doanh nghiệp sẽ hỗ trợ học bổng 30% học phí duy trì toàn bộ các khóa học; hay học bổng tri ân ngành giáo dục dành cho những TS là con em có phụ huynh làm trong ngành giáo dục thì khi các em đậu vào trường sẽ nhận được học bổng 30% duy trì toàn bộ khóa học. Cũng như với TS đoạt các giải thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia thì nhận được học bổng 100% duy trì toàn bộ các khóa học.

Còn ở Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thầy Trần Văn Trắng cho biết: “Có các chương trình học bổng như học bổng chủ tịch SIU, học bổng nhóm ngành khoa học máy tính, học bổng doanh nghiệp, học bổng vinh danh 100 TS đầu tiên đăng ký nhập học…”.

Theo tiến sĩ Đinh Văn Phúc: “Trường ĐH Duy Tân có nhiều chính sách học bổng như ban hành 4.000 suất gần 100 tỉ đồng với nhiều mức hỗ trợ khác nhau. TS vào trực tiếp cổng thông tin điện tử của trường để tham khảo cụ thể các nội dung”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.