Giá vàng thế giới dự báo tăng
Giá vàng miếng SJC trong năm 2023 tăng 7 triệu đồng/lượng, lên 74 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, còn mua vào 71 triệu đồng/lượng. Tính ra giá vàng miếng SJC tăng 10,4% so với đầu năm. Thế nhưng nếu tính từ mức giá kỷ lục 80,3 triệu đồng/lượng đạt được trong tháng 12.2023, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng lên đến 13,3 triệu đồng, tương ứng mức tăng giá gần 20% so với đầu năm. Vàng nhẫn 4 số 9 có mức tăng 9 triệu đồng/lượng so với đầu năm 2023, lên khoảng 63 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, và mua vào khoảng 62 triệu đồng/lượng; mức tăng là 16,8% so với đầu năm.
Tốc độ tăng giá của vàng trong nước nhanh hơn thế giới. Khép lại năm 2023, kim loại quý quốc tế tăng giá gần 240 USD/ounce, tương đương 13%, đóng cửa ở mức 2.063 USD/ounce. Đây là năm tăng giá tốt nhất của vàng kể từ năm 2020 đến nay. Ngày 4.12.2023, giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục gần 2.150 USD/ounce khi thị trường đặt cược vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ vào đầu năm 2024 sau khi nhận thấy xu hướng ôn hòa từ ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Mức giá nói trên vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2020.
Biến động vàng ngày 2.1: Giá vàng nhích nhẹ, thị trường ẩn chứa đầy rủi ro
Theo phân tích của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), vàng có xu hướng hoạt động rất tốt trong tháng đầu năm, đạt mức sinh lời trung bình là 1,79% trong tháng 1 kể từ năm 1971, gần gấp ba lần mức trung bình hằng tháng dài hạn của kim loại quý. Năm 2024, các chuyên gia, tổ chức trên thế giới dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng xoay quanh những thông tin về lãi suất của Mỹ, rủi ro địa chính trị ở các nước và hoạt động mua của các ngân hàng trung ương cũng như các nhà đầu tư.
Một số dự báo giá vàng của các tổ chức trên thế giới gần đây cũng cho rằng vàng sẽ tăng giá, như JP Morgan đưa ra mức cao nhất của vàng vào giữa năm 2024 ở mức 2.300 USD/ounce; UBS dự báo mức kỷ lục 2.150 USD vào cuối năm 2024; WGC dự đoán vàng sẽ tăng giá 4%; Ngân hàng Wells Fargo kỳ vọng kim loại quý này sẽ giao dịch trong khoảng từ 2.100 đến 2.200 USD/ounce trong năm 2024.
Thận trọng với vàng miếng SJC
Giá vàng thế giới hiện nay thấp hơn mức dự báo từ 40 - 240 USD/ounce, tương ứng gần 1,2 - 7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa giá vàng trong nước sẽ tăng cùng chiều với giá thế giới. Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, giá vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới khoảng 13 triệu đồng/lượng, và cao hơn nhiều so với con số dự báo tăng của giá thế giới.
Trong những ngày gần đây, giá vàng trong nước biến động lệch pha so với quốc tế. Giá vàng thế giới có lúc giảm thì giá vàng trong nước lại tăng hoặc giảm mạnh hơn rất nhiều. Vàng trong nước không liên thông với quốc tế, thêm vào đó những thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố sắp tới sẽ can thiệp thị trường sẽ càng làm cho giá vàng biến động khó dự đoán hơn. Trong trường hợp giá vàng miếng SJC rút ngắn mức đắt đỏ so với thế giới thì khả năng giá sẽ giảm.
Cùng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng giá vàng trong nước thường biến động theo giá thế giới, thế nhưng có thời điểm hoàn toàn trái ngược. Giá vàng miếng SJC có khoảng cách với giá thế giới quá cao, lên 18 - 20 triệu đồng/lượng trong thời gian qua là không hợp lý. Trước đây, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3 - 5 triệu đồng/lượng.
Thế nhưnG, từ năm 2013 đến nay, NHNN không dập thêm lượng vàng miếng nào. Thị trường mua bán với nhau số lượng vàng miếng đã dập trước đó. Nhu cầu mua tích trữ, đầu cơ xuất hiện thì vàng miếng SJC được lựa chọn vì là loại vàng thương hiệu quốc gia, đảm bảo chất lượng nên người mua an tâm, không phải kiểm tra nhiều. Cứ thế mà cầu cao hơn cung, đẩy giá vàng lên.
Trong tuần qua, ngoài tuyên bố can thiệp thị trường vàng, NHNN còn nhắc lại quy định các đơn vị kinh doanh vàng phải báo cáo các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên (tương đương khoảng 6 lượng vàng) cho nhà điều hành. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu quản lý, kiểm tra thị trường vàng. Với những biện pháp này, cộng thêm giá vàng thế giới dự báo có thể xuống quanh mức 2.000 USD/ounce vào giữa tháng 1, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng khả năng giá vàng miếng SJC xuống 67 - 68 triệu đồng/lượng là phù hợp.
"Giá vàng trong nước không liên thông với giá thế giới nhưng cũng chỉ nên cao hơn từ 6 - 7 triệu đồng/lượng là hợp lý, chứ mức 13 - 14 triệu đồng/lượng như hiện nay và mức 18 - 20 triệu đồng/lượng trước đó là khó có thể chấp nhận", ông Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Chuyên gia vàng Dương Anh Vũ cho rằng tuần giao dịch cuối của năm 2023, giá vàng thế giới tiếp cận gần ngưỡng 2.100 USD/ounce nhưng không giữ vững mà trở về mức 2.060 USD/ounce. Diễn biến này khiến cho xu hướng tăng của giá vàng thế giới bị ảnh hưởng khá nhiều bởi động thái chốt lời đã xảy ra. Như vậy, trong thời gian đầu năm 2024, nhiều khả năng giá vàng thế giới sẽ trở về kiểm tra lại mức 2.030 USD/ounce hoặc vùng thấp hơn 2.010 USD/ounce.
Với bức tranh này của thị trường thế giới, tình trạng "lên thang bộ, xuống thang máy" của giá vàng trong nước khó có thể tái diễn. Trong trường hợp giá vàng thế giới điều chỉnh sâu, giá vàng trong nước có thể giảm về 72 triệu đồng/lượng vào đầu năm. Nhiều khả năng biên độ 72 - 74 triệu đồng/lượng sẽ là khoảng dao động của giá vàng trước khi bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Nhu cầu vàng trước tết Nguyên đán và ngày vía Thần tài thường tăng lên, làm cho giá gia tăng. Nhưng năm nay khả năng sẽ không còn tăng cao như các năm khi thị trường được kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Vì vậy, những người mua vàng trong giai đoạn này cần thận trọng.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
Bình luận (0)