Nghệ nhân Thạch Mâu được giới nghệ thuật dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh xem là “cây đại thụ” của loại hình âm nhạc Chầm riêng Chà pây (Chòm riêng Chà pây). Mặc dù đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng tiếng đàn và giọng hát của ông vẫn thanh thoát, sâu lắng làm mê hồn người…
|
Một đời với Chầm riêng Chà pây
Căn nhà nhỏ 2 gian của nghệ nhân Thạch Mâu ở tận vùng sâu thuộc ấp Chông Bát, xã Tân Hiệp (H.Trà Cú). Tiếp chúng tôi, mặc dù tiếng Việt có phần hạn chế, nhưng khi nói về Chầm riêng Chà pây, ông rất hồ hởi, nhiệt tình. Ông kể 12 tuổi theo phong tục của dân tộc, ông xuất gia vào chùa tu học. Vốn say mê âm nhạc nên ngoài thời gian học giáo lý, kinh kệ nhà Phật, ông theo học đàn do người bác và người chú truyền dạy. Đến năm 25 tuổi, theo sự vận động của một vài cán bộ hoạt động bí mật tại địa phương, ông hoàn tục tham gia cách mạng làm nhiệm vụ giao liên, đào hầm bí mật nuôi chứa cán bộ cách mạng tại nhà và dùng lời ca, tiếng đàn để tuyên truyền, khơi dậy tình yêu quê hương, yêu đồng bào đối với bà con Khmer ở xã Tân Hiệp. Tuy không qua một trường lớp đào tạo nào nhưng ông rất có năng khiếu trong việc sáng tác những bài hát nói về đường lối của Đảng, vận động bà con Khmer góp công, góp của cho công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước.
|
Ông cho chúng tôi xem 3 cây đàn chà pây do chính tay ông làm và nó đã gắn bó cùng ông hơn 60 năm. Ông cho biết Chầm riêng Chà pây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào Khmer. Chầm riêng nghĩa là hát, Chà pây tức đàn chà pây, thuộc loại độc xướng có đàn chà pây đệm theo. Người chơi Chầm riêng Chà pây dựa vào cốt truyện để ứng tác thành những đoạn thơ, chủ yếu là thể thơ 4 câu, mỗi câu 7 chữ để hát. Và sau mỗi đoạn thơ lại khảy đàn chà pây một câu nhạc đệm. Để hát xong một đoạn truyện có khi kéo dài suốt đêm. Cũng có khi Chầm riêng Chà pây không có tích truyện mà là những khổ thơ kể về tâm trạng hay tình huống nào đó của cuộc đời. Điệu thức Chầm riêng Chà pây, gồm: phát chây, phát chây cớt, som phôn, som phôn cớt, ang kô reach chơn prây srây, ang kô reach chơn prây rốs.
Thỏa niềm mơ ước
Nói đến Chầm riêng Chà pây trước hết phải nói đến đàn chà pây. Đàn chà pây có cần rất dài, hình dáng giống như hình lá bồ đề và gần giống như đàn đáy của người Việt, nhưng 4 góc thùng đàn được cắt tròn chứ không vuông góc. Đàn Chà pây đã có từ rất lâu đời của người Khmer Nam bộ. Nó là nhạc khí 2 dây gảy gồm 12 phím đàn theo hệ thống thang âm ngũ cung. Thùng đàn có chiều ngang mặt trước 37 cm, chiều ngang mặt sau 30 cm, thành đàn thấp khoảng 6 cm. Thùng đàn làm bằng gỗ cây lành canh hoặc cây mít. Trên mặt đàn có gắn bộ phận mắc dây đàn đồng thời cũng là ngựa đàn. Cần đàn làm bằng gỗ cứng dài khoảng 120 cm, ngọn cần đàn được uốn cong và chạm trổ hoa văn rất đẹp.
Say mê âm nhạc nhưng vì cuộc sống gia đình khó khăn nên ông không theo đuổi sân khấu chuyên nghiệp. Ông chỉ đem ngón đờn, lời ca độc đáo của mình phục vụ cho bà con trong phum sóc vào những dịp lễ hội, cưới xin… Ông tâm sự: “Năm nay tôi đã 74 tuổi, không biết sống nay chết mai. Ước mong cuối đời của tôi là làm sao có thể lưu truyền lại loại hình nghệ thuật quý giá và độc đáo mang đậm sắc thái dân tộc vốn đã có hàng trăm năm tuổi này cho con cháu đời sau. Bởi, Chầm riêng Chà pây hiện nay không còn mấy người am tường, sử dụng thành thạo”.
Ngày 24.4.2013, Bộ VH-TT-DL ra quyết định công nhận “Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây” của đồng bào Khmer là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Sở VH-TT-DL tỉnh Trà Vinh cũng đã có kế hoạch bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc sắc này. Và ông là nhân vật chính diễn thuyết, trình bày, truyền lại nghề. Tâm nguyện cuối đời của ông không phải ước mong mà đã là hiện thực.
Đăng Huỳnh
>> 12 tỉ đồng hỗ trợ đồng bào Khmer
>> Xiếc, kịch nghệ, âm nhạc, vũ đạo trong 'Làng tôi
>> Khổ công truyền nghề 'âm nhạc truyền thống
Bình luận (0)