(TNO) Hơn một tuần qua, người Sài Gòn hứng chịu những
trận mưa kinh hoàng. Tại khu dự án nằm sau trường tiểu học Nguyễn Hiền (đường Trần Lựu, quận 2), bà Nguyễn Thị Cẩm (65 tuổi) một tay san lại con đường tắt tự phát bằng phẳng cho mọi người lưu thông.
Sau khi cơn mưa vừa dứt, bà Cẩm lại lụi cụi san đường - Ảnh: Bùi Thư |
Phải nói ngay là: đây không thể gọi là đường - nó nằm cắt ngang một dự án nhà ở. Nhưng vì để hoang, lại cắt quá gần qua đường Lương Định Của - nên nó hóa thành một con đường tắt cho nhiều người hằng ngày đi làm qua đây.
Từ cách đây vài tháng, khi trời mưa thì đường lầy lội. Đỉnh điểm là tuần rồi, con đường hụt lủng sâu xuống như một cái hố đầy nước. Người nào đi qua cũng ngán ngẩm - ngán vậy nhưng vẫn đi, vì nó quá gần so với con đường dài chạy vòng vòng quanh Trần Não.
|
|
|
Đợi lát mưa tạnh tui ra làm tiếp. Tui thấy người ta chở con nít đi học khó khăn quá chịu không được nên tui làm. Làm mệt lắm bởi nó đổ bao bao, mình phải bưng từng bao ra, rồi cơi ra cho nó bằng với mấy hố sâu rồi chôn xuống. Tui bị khớp giờ bớt rồi thành ra mới ráng ra làm chớ người ta đi không được thì tội.
|
|
|
Bà Nguyễn Thị Cẩm
|
|
|
Không ai nghĩ phải làm gì với con đường này dù nó lầy lội và ngập ngụa. Là một người "qua đường", nhiều người ứng xử với con đường đúng kiểu... qua đường - nghĩa là đi qua rồi mặc kệ. Suốt mấy tháng không ai đoái hoài gì nó.
Tự dưng 2 ngày trước, một bà giàđi bộ ra, tay dùng xẻng nhỏ, đẩy những cục xà bần trải ra chỗ ngập. Bà nói, nhìn bực quá bà làm.
Hôm kia, một chú nào đó bên môi trường bảo sẽ cho xà bần, còn bà tự trải nha. Ông ấy giữ lời hứa, đổ vào chỗ đó 1 xe xà bần nhưng... chất cao như núi.
Rồi cứ lụi cụi như vậy, từ 10 giờ sáng hôm qua hôm nay, bà đội nón lá đi ra ngồi cời từng cục xà bần xuống vũng nước cho con đường thẳng ra. Bà tên Nguyễn Thị Cẩm - 65 tuổi rồi - nhà bà bán quán ngoài đầu hẻm, chẳng liên quan gì tới vũng nước này, và cũng chẳng bị bẩn thỉu gì từ những đợt nước bắn tung tóe mà người đi đường lướt qua, lụi vào.
Người đàn bà già nua, chậm chạp ấy vừa làm vừa nhăn mặt như sắp khóc, nói với mấy ông lái xe tay ga chạy ngang qua: "Trời ơi, làm ơn đừng có đi qua đây nữa. Tui chặn đường rồi không thấy sao. Để tui làm xong đi rồi đi." - Nhưng không ai nghe bà nói cả. Vài ông rồ ga lao qua chỗ bà vừa xô mớ xà bần xuống sau một phút lưỡng lự nhìn bà. Họ vẫn đang bận đi làm, và vội vàng muốn đi qua một con đường tắt ngắn và đơn giản như mọi ngày. Dù sao cũng lỡ đi vào đây rồi, chẳng thể nào quay lại.
Hỏi đến thì bà Cẩm nói mà hơi cáu bẳn: "Cứ trời mưa nó ngập, ngập miết, nhìn không chịu nổi thì làm. Cái này có phải đường đâu. Rồi tụi xe ben nhào vô đây đi cho nó ngập luôn. Nhìn bực quá thì ra làm cho có đường mà đi!" - Nhìn bà làm, mấy đứa con cháu trong nhà bà cũng ra phụ. Đã mấy ngày trôi qua, những vũng nước dần biến mất dưới bàn tay sỏi đá của bà lão 65 tuổi và mấy đứa con cháu bà.
Nhiều người đưa rước con đi qua đường lầy lội, nguy hiểm - Ảnh: Bùi Thư
|
Vừa ngồi đợi con mưa vơi bớt bà Cẩm vừa nhắc người đi ngang xem chừng để té vì đường gồng ghềnh.
Bà nói: “Đợi lát mưa tạnh tui ra làm tiếp. Tui thấy người ta chở con nít đi học khó khăn quá chịu không được nên tui làm. Làm mệt lắm bởi nó đổ bao bao, mình phải bưng từng bao ra, rồi cơi ra cho nó bằng với mấy hố sâu rồi chôn xuống. Tui bị khớp giờ bớt rồi thành ra mới ráng ra làm chớ người ta đi không được thì tội. Trước nhà tui tui cũng xin đất công trình kế bên để đắp chứ không nó thủng ổ gà ổ vịt không”.
Hỏi thêm về con đường này, bà Cẩm cho hay nó tự phát vì nó đi tắt ra đường lớn dễ dàng.
"Mùa mưa năm rồi thì đỡ, mưa năm nay lớn quá nên hư nhiều quá. Đổ đợt trước ba xe xà bần hết 900 ngàn. Người xung quanh đây tự bỏ tiền ra nhưng không ai san cho nó lành lặn nên tui bỏ 200 ngàn mướn người làm. Nhưng giờ cái đống này ghê quá kêu người tới người ta không chịu làm nữa. Họ nhìn họ sợ không nhận. Mướn xe ủi thì cả 800 ngàn tui không có tiền nên tự làm” - bà Cẩm giải thích.
Bà Cẩm nói nhiều móc sắt vướng vào xe gây nguy hiểm cho người đi đường nên phải làm - Ảnh: Bùi Thư
|
Trời mưa vẫn không dứt, bà Cẩm ngán ngẩm thở dài: “Năm nay mưa lớn quá nên lở đường hết, nước nó đọng lại đâu thoát ra được, xe đi nhiều quá rồi nước càng đọng thì nó càng hư. Rồi xe ben đêm chạy đây để tránh công an. Con đường này tắt ra mấy trường học, đường Lương Định Của nên người ta cứ đi. Tui chặn lại rồi cũng vượt ngang luôn. Bực quá tui dẹp luôn khỏi chặn. Người ta đi thì đi, tui làm luôn”.
Xe ben ngoan cố đi qua khiến con đường bị tắc, nhiều người phải dắt bộ qua - Ảnh: Bùi Thư
|
Con đường khó đi khiến nhiều đứa trẻ phải đi bộ mới qua được - Ảnh: Bùi Thư
|
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Loan, con bà Cẩm cũng ra phụ cùng mẹ. Chị cho biết: “Cái ông đầu đường ổng bỏ cả trăm triệu để đổ cái đường này gần hai năm nay. Hồi đó mới làm sạch sẽ còn giờ xe ben chạy nhiều quá nên vậy. Đường này hổm cũng bể hết trơn tui xin người ta đất mới đầy được như vậy. Đinh ốc không người ta đi bể bánh xe hết”.
Cơn mưa vừa tạnh, bà Cẩm cầm xẻng xúc từng lớp xà bần cho bằng phẳng lại. Người xung quanh đi ngang nói vài bà câu: “Sáng giờ tui thấy có mình bà làm vậy bà Cẩm ơi”. Bà cười hiền, vẫn hì hục làm rồi đáp: “Kệ nó thì mình làm từ từ. Đứa nào rảnh thì kêu nó làm phụ. Làm cho nó bớt bớt người tư đi đỡ nguy hiểm”.
Nhiều người cán thẳng qua tấm ván chặn đường nên chị Loan phải dẹp đi - Ảnh: Bùi Thư
|
Thở dốc, quệt mồ hôi, bà nói tiếp: “Mấy người ở đây phần vì đi quen, phần ngoan cố đi ngắn hơn chứ chở con nít mà đi thì nguy hiểm lắm nên tui làm. Mà ở đây đất cũng phân nền hết rồi, thấy người ta đi nó cho vậy chứ nó rào lại cũng không ai làm gì được. Kệ, làm được nhiêu thì hay bấy nhiêu”.
Chị Loan dọn dẹp phụ mẹ bớt đống xà bần cho người đi đường dễ lưu thông - Ảnh: Bùi Thư
|
Trong một ngày, bà cụ 65 tuổi một mình một xẻng đã san lấp một phần đường để bớt nguy hiểm cho người qua lại.
Trên trang cá nhân, một nhà văn trẻ chia sẻ về hình ảnh bà Cẩm lụi cụi một mình làm giữa nắng, giữa mưa: “Chúng ta đã quên mất chất lượng cuộc sống thực sự, chỉ là những thứ bé mọn ở bên mình, mà chỉ mỗi người cần bỏ ra vài giờ lao động hay chút công sức tí tẹo, là cả tình thế có thể khác đi, cả xóm sẽ không còn rác, cả con đường không còn bẩn, hay cả cái hành lang chung cư không còn ai xé rác vứt đầy. Chúng ta đã quên cách dành cho nhau một giờ rảnh rỗi... như bà Cẩm đã dành suốt 3 - 4 ngày qua cho con đường ngập kia, cho những người đi đường không quen biết và vô tâm mạt hạng như chúng tôi?”.
Một chị thợ hồ gần đó phải đổ đất vào những đoạn đường thủng để mặt đất được bằng phẳng - Ảnh: Bùi Thư
|
Bình luận (0)