Sáu ngày đêm trôi dạt trên biển của hai ngư phủ

20/09/2005 23:53 GMT+7

Trước mặt tôi là hai người đàn ông ngồi thất thần, họ vừa thoát khỏi cõi chết. Một người nói, từ khi cơn lốc đánh úp chiếc tàu của ông cùng với 7 thuyền viên thì ông nghĩ mình... chết chắc. Điều ông sợ duy nhất sau 6 ngày đêm trôi trên biển là làm sao chết cho được toàn thây. Rất cố gắng, tôi mới gợi được ông kể lại câu chuyện trong sự đứt rời, chắp vá...

Từ chiều 13/9, tàu Phi Yến CM6506 (Phi Yến 2) đã hay tin thời tiết xấu. Lúc này, tài công (thuyền trưởng) Lê Văn Nghĩa cùng 6 ngư phủ trên tàu đã hoàn thành chuyến đánh bắt 20 ngày ở ngư trường cách đất liền 30 hải lý, và... cũng hết dầu để chạy vào bờ. Tối đó, chiếc Phi Yến 1 đã cập lại cung ứng dầu để cùng vào bờ, nhưng do sóng to, tàu chưa truyền đủ dầu thì đã phải gấp rút tháo lui. Chiếc Phi Yến 1 có trọng tải lớn hơn, công suất máy cũng lớn hơn nên chạy trước.

Đến 22h đêm, gió bắt đầu quật mạnh, kèm theo sóng to và nước xoáy. Kinh nghiệm 40 năm đi biển của ông Nghĩa mách bảo tàu không thể nào tiếp tục "bườn" sóng, hơn nữa cũng không đủ dầu để vào đến bờ. Tình thế buộc ông phải quyết định buông neo. Tuy nhiên, sợi dây dài 120m đã buông hết cũng không thể nào giữ tàu lại được. Tàu tiếp tục trôi cho đến khi va vào cột đáy hàng khơi. Lúc đó đã 22h30, sóng đánh càng hung tợn, nước xoáy càng mạnh. Lúc này trên tàu còn 5 người (1 người đã qua chiếc Phi Yến 1) là ông cùng con trai Lê Ngọc Thành, con rể Lâm Văn Đảm, cháu là Lê Quốc An và một thuyền viên tên Minh. Và một cơn sóng to đã đánh úp tàu. Do tàu nhỏ, chỉ có chông đèn đánh lưới và câu mực, không có định vị, tầm ngư, bộ đàm yếu nên trước đó ông cũng không liên hệ được với tàu nào ở gần.

Khi chiếc tàu lật úp, mọi người chỉ kịp quơ được 4 can nhựa đựng nước loại 20 lít và chiếc áo mưa. Ông Nghĩa phân vội cho Minh và Đảm mỗi người một can, còn ông và Thành, An lấy 2 can. Một sáng kiến ông nghĩ ra là dùng áo mưa buộc lấy 2 nắp can để kết nối với nhau. Ông ôm 1 can, Thành ôm một can và An ôm lấy Thành.

Anh Thành và con gái. Ảnh: Tiến Trình

Khi chiếc Phi Yến 1 phát hiện chiếc Phi Yến 2 mất tích, họ quay lại, quần kiếm khắp một vùng, nhưng chỉ tìm vớt được Đảm và Minh. Còn nhóm ông Nghĩa thì vô vọng. Phần vì đêm tầm nhìn hạn chế, phần vì biển càng ngày càng dữ, nên họ đành quay về. Trời càng về khuya, sóng càng dữ dội, ba con người cứ dùng sức bình sinh ôm lấy can, ôm lấy nhau. Biết không có hy vọng sống, ông Nghĩa động viên hai chàng trai: cố gắng đừng buông, vì nếu có chết thì... vợ con cũng còn tìm được xác mà an táng, thờ cúng.

An mới 21 tuổi, bật khóc. Cho đến ngày thứ hai, An không khóc mà nằm bất động. Ông Nghĩa và Thành cũng bất động, nhưng họ biết An đã đuối sức. Ông Nghĩa dặn: nếu thấy đuối thì nói để ông lấy áo cột chặt vào thân ông, để có chết thì còn xác. Ngày thứ hai trôi qua thật dài với nước cuốn và sóng to. Đêm đó, An cứ cọ quậy trên vai ông Nghĩa, ông biết An đã bắt đầu không chịu nổi, nhưng bản thân ông cũng bị tê cứng, bàn tay cứ như  phần chết của cơ thể gắn chặt vào chiếc can. Đêm thật dài với hy vọng sáng lại sẽ gặp tàu, hay chiếc phao to hơn. Nhưng ngày thứ hai cũng trôi qua không có bóng tàu, không có phao. Chỉ có sóng biển đánh thốc vào miệng, cả 3 con người đều no vì nước biển. Không ai nói với ai điều gì, vì theo ông Nghĩa là để... giữ năng lượng.

Đêm thứ hai, ngày thứ ba, 3 người chỉ còn là những cái xác không cựa quậy. Sóng đánh vạc cả quai hàm Thành, máu rỉ ra can nhựa. Đêm thứ ba thì Thành phát hiện ở xa xuất hiện đốm sáng đỏ. Ông Nghĩa nói: nếu không phải là... ma thì cũng phải là tàu. Mà nếu là tàu thì mình được cứu rồi. Nước cuốn nhanh đến mức, chỉ chưa đầy 10 phút sau, đốm sáng đỏ đã ở gần họ. Không có chiếc tàu nào, cũng không phải ma, mà là cột đáy hàng khơi của ai đã bỏ lại khi chạy biển dữ. Trên đó là cái chòi lá nhỏ cheo leo. Cơ hội đến. Nhưng liệu 3 người sau 3 - 4 đêm trôi trên biển có còn sức nắm bắt hay không?

Ông Nghĩa bảo Thành bằng mọi giá phải nắm lấy dây đỏi (dây cột lưới). Càng tới cột đáy, nước càng chảy xiết. Thành nhớ lại: lúc ấy không biết sức ở đâu mà có thể níu được dây và leo lên chòi cách mặt nước 1 mét. Rồi ông Nghĩa cũng nắm được dây đỏi, nhưng An thì không còn sức để nắm lấy hy vọng sống. Hai cha con ông Nghĩa chưa biết có thể sống được hay không, chớp mắt đã không còn thấy An đâu nữa. Bản thân ông Nghĩa cũng không thể tự leo lên chòi. Ông nằm trên dây, Thành cột dây vào tay ông mà kéo lên. Ông không còn cảm giác dù lúc được kéo lên, ngực ông đã bị nát nhừ bởi dây xước.

Bà con hàng xóm đến thăm hai cha con ông Nghĩa vừa thoát chết trở về. Ảnh: Tiến Trình

Ngày thứ tư, rồi thứ năm, hai cha con không một mảnh vải che thân trên căn chòi giữa biển. Cũng vài lần họ thấy có chiếc tàu lảng vảng phía xa, cố vẫy tay, nhưng thất vọng vì không ai thấy. Khi họ biết đến đói, khát và lạnh cũng là lúc họ phát hiện trên chòi không còn gì để ăn, uống. Chỉ còn độc một tấm cao su 2m và chiếc keo bằng thủy tinh. Họ dùng chiếc keo để hứng nước uống. Đói, Thành trở nên mê man, không biết rằng ông Nghĩa đã dùng dây... dụ một con rẹm đeo trên cột đáy và... ăn sống. Nhưng theo ông, con rẹm sống lúc đó không tanh hôi, mà ngon như ông chưa từng ăn món gì ngon đến thế.

Chiều 18/9, ông Nghĩa nhìn thấy phía xa có chiếc tàu xuất hiện. Hai cha con không rời mắt khỏi con tàu, và... nước xuống, con tàu càng rõ dần. Ông bảo Thành leo lên nóc chòi, lấy tấm cao su vẫy cho họ thấy tới cứu. Thành nói: con đã vẫy nhiều lần, tấm bạt còn để trên nóc...

Đến khi hai cha con thức dậy thì biết mình nằm trên chiếc tàu cá của ngư dân Kiên Giang. Cập lại đảo Hòn Chuối. Ông không còn nói được, mà chỉ ra hiệu số điện thoại để họ gọi về. Chiếc tàu này không thể đưa cha con ông vào bờ vì... đây là tàu chui, không có giấy tờ. Tới 21h đêm, tàu từ đất liền mới ra tới đảo Hòn Chuối, cùng với một bác sĩ. Được truyền dịch, hai cha con ông Nghĩa tỉnh dậy, lúc này họ mới... sợ chết. Họ không tin là mình được cứu.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.