Ngay sau khi Nghị định 181 được ban hành, giao dịch đất dự án giảm mạnh, đặc biệt là tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Người dân tỏ ra rất lo lắng về các nền đất đã mua. Rất nhiều người tưởng nhầm nhà nước sẽ thu hồi các nền đất đã bán. Thị trường bất động sản vốn đã "đóng băng" do vàng quá cao nay lại càng trầm lắng và một phần nguyên nhân do yếu tố tâm lý.
Theo khoản I, điều 101, Nghị định 181/NĐ-TTg của Chính phủ: tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê chỉ được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án được xét duyệt; không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán nền nhà mà chưa xây dựng nhà ở.
Trong suốt thời gian vừa qua, giao dịch nhà đất dự án đã sụt giảm mạnh kể từ khi văn bản này được ban hành.
Ông Võ Đình Quốc - Phó giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB cho hay: Nghị định 181 có tác động rất lớn tới hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư bất động sản, nhất là các tổ chức, cá nhân bán đất nền. Nhiều khách hàng đã đặt cọc, sau khi nghe thông tin cấm bán đất nền đã xin rút lại tiền hoặc huỷ hợp đồng. Tình trạng sụt giảm giao dịch bất động sản có thể tiếp tục kéo dài cho tới khi thị trường định hình lại sau tác động của Nghị định 181.
Thị trường bất động sản thành phố Hà Nội trong những ngày qua cũng không khá hơn. Khách hàng đến các trung tâm địa ốc chủ yếu để khảo giá và thăm dò chứ không có ý định mua.
Ông Phạm Văn Thiệt - Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho rằng: "Với quy định này, gần như tất cả các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh nhà sẽ không chịu nổi vì phải tăng vốn đầu tư để xây nhà rồi mới được bán ra thị trường". Đương nhiên hệ quả của nó là giá nhà đất sẽ tăng rất cao, trong đó có khoản lớn là lãi suất vay vốn đầu tư. Trong khi đó rất nhiều doanh nghiệp trong nước không có khả năng tài chính để thực hiện việc xây nhà bán hoặc cho thuê.
Theo tin từ Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Sài Gòn, Hội đồng quản trị Công ty vừa quyết định sẽ phải bàn lại việc đầu tư vào dự án khu nhà ở tại Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (Tp.HCM) do giá thành nhà sẽ đội lên rất cao. Có một hình thức kinh doanh đất nền mà vẫn "lách luật" vẫn phổ biến là để khách hàng đăng ký mua nền và trả góp theo từng giai đoạn nhằm hỗ trợ chủ đầu tư về tài chính. Tuy nhiên trước đây thực hiện thì không sao, nay nếu tiếp tục thực hiện sẽ dễ bị coi là đối phó vì đã bán trước khi xây. Nhưng nếu để xây dựng một khu dân cư hoàn chỉnh (chứ không phải một đôi căn nhà hoàn chỉnh) thì giá thành sẽ đội lên rất cao mà khả năng thu hồi vốn chậm.
Chưa khi nào giá nhà đất dự án bị "đội" lên nhanh tới chóng mặt như thời gian qua. Nhà chung cư thì bắt đầu bị tính tiền sử dụng đất. Rồi giá sắt thép, xi măng tăng vọt. Lãi suất đã rục rịch tăng từ lâu. Nay lại "gánh" thêm chi phí lãi vay đầu tư hoàn chỉnh dự án. Ông Nguyễn Hùng Sơn - một người dân ở tập thể Trung Tự (Hà Nội) tỏ ra trầm ngâm: "Giá nhà đất dự án tăng có thể sẽ kéo theo giá nhà đất trong khu dân cư cũng tăng theo, người dân bình thường càng khó có cơ hội mua nhà, còn người giàu thì ngày càng giàu thêm". Đó là mặt trái của "cú sốc" mang tên 181.
Mục đích chống đầu cơ đất của 181, rất đúng. Nhưng giá nhà đất dự án chắc chắn sẽ tăng. Người dân càng khó có cơ hội mua nhà. Nhưng với người đã đầu cơ đất dự án, đây là cơ hội để nâng một vốn bốn lời. Nghĩa là họ đủ mạnh để tiếp tục đầu cơ trong cuộc chơi mà phần thắng vẫn nghiêng về kẻ mạnh.
Bên cạnh đó, theo nhận định của những người am hiểu thị trường thì việc giá vàng tăng còn kéo theo sự chựng lại của thị trường bất động sản. Thống kê của SJC cho thấy, khách mua vàng chủ yếu để phục vụ nhu cầu thanh toán cấp thiết, hầu như không có người mua để tích trữ. Giá cao, thị trường bất động sản lại trầm lắng. Giao dịch tại hầu hết các trung tâm địa ốc đều sụt mạnh dù theo thông lệ hàng năm, thời gian này đang là mùa cao điểm.
Vân Nhàn
(Vneconomy)
Bình luận (0)