Cửa hàng cần sa mọc lên như nấm
Không khó để mua được cần sa ở Bangkok. Cứ vài trăm mét, du khách sẽ bắt gặp những cửa hàng bán cần sa quy mô lớn nằm ở mặt tiền đường. Không những thế, cần sa được bán cả ở lề đường tại những khu vực tập trung đông đúc du khách như Khaosan, Silom... hay trong những hiệu thuốc, quán ăn.
Chúng tôi thử ghé vào một cửa hàng trưng bày cần sa có bảng hiệu Cannabis ở gần ga tàu Sala Daeng. Cần sa ở đây được bày bán không khác gì quầy bánh kẹo. Có đông khách bên trong, một số ngửi thử mùi rồi mua và số khác tò mò tìm hiểu, hỏi giá. Sau khi được tư vấn loại phù hợp, khách sẽ đến quầy trả tiền và được nhân viên hỗ trợ cuốn lại như điếu thuốc. Ngoài ra, còn có nhiều loại như kẹo ngậm, bánh quy, kẹo dẻo... chứa chất cần sa được bày bán nhan nhản trên đường.
"Có thể hút công khai ngoài đường?", một khách hỏi nhân viên tư vấn. "Dĩ nhiên, nhưng anh nên dùng ở chỗ không ảnh hưởng đến người cạnh bên", cô nhân viên trả lời. "Chúng tôi mua có cần đưa giấy tờ của bác sĩ không?" và được trả lời, "Hoàn toàn không".
Các cửa hàng bán cần sa được nhận diện khá dễ dàng ở Bangkok, khi bảng hiệu có gắn hình chiếc lá màu xanh. Vào ban đêm, những bảng hiệu lên đèn xanh nhấp nháy, khiến những tuyến đường ở trung tâm Bangkok như được thay áo mới sau đại dịch.
Pattaya, thành phố du lịch cách Bangkok khoảng 3 giờ ô tô, từ lâu nổi tiếng với những quán bar nhạc nhảy xuyên đêm và hàng dài những cô gái đợi khách bên bờ biển, giờ đây dường như sôi sục hơn bởi du lịch cần sa. "Dù đã biết Thái Lan 'mở cửa' cho cần sa nhưng tôi vẫn không hình dung được mức độ phổ biến của những cửa hàng bán công khai như vậy ở một quốc gia châu Á từng rất nghiêm khắc với sản phẩm này", anh Tân, du khách đến từ TP.HCM, chia sẻ.
Về độ phủ của các cửa hàng bán cần sa ở Pattaya so với Bangkok phải nói hơn một bậc. Cứ vài bước chân, du khách sẽ bắt gặp một điểm bán lớn nhỏ khác nhau. Tại phố đi bộ Pattaya, xen kẽ những quán bar nhạc xập xình là cửa hàng có bảng hiệu chiếc lá màu xanh. Mùi cần sa nồng nặc, dù du khách có biết sử dụng hay không sẽ nhanh chóng nhận ra xung quanh mình có nhiều người đang hút.
"Thiên đường" trác táng
Cùng thời điểm Thái Lan "mở cửa" cần sa, Amsterdam lại thực hiện các động thái "rũ bỏ quá khứ". Vào tháng 12 năm ngoái, trong nỗ lực giảm bớt sự ồn ào của du khách, làm sạch hình ảnh như một điểm đến du lịch cấp thấp và khiến thành phố trở nên đáng sống hơn cho chính cư dân của mình, các quan chức của thủ đô Hà Lan đã đề xuất cấm hút cần sa ở các khu vực công cộng trong phố đèn đỏ nổi tiếng và cấm bán hoàn toàn vào cuối tuần.
Đề xuất sau đó đã được thông qua, khi lệnh cấm hút cần sa có hiệu lực từ giữa tháng 5.2023 cùng nhiều quy định mới siết chặt khác. Trong nhiều thập kỷ, Amsterdam là "thiên đường" trác táng của châu Âu, khi mại dâm và cả cần sa đều hợp pháp, trở thành điểm thu hút du khách chính của điểm đến này. Nhưng, thành phố cũng phải trả giá vì các vấn đề về ma túy, bạo lực, tội phạm... gia tăng.
Tình huống đặt ra câu hỏi, vì sao Thái Lan vội vàng nhận lấy vị trí của Amsterdam?
Vào tháng 6.2022, Thái Lan gây sốc khi trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa cho mục đích y tế và công nghiệp (quốc gia đầu tiên ở châu Á loại bỏ cần sa khỏi danh sách các chất gây nghiện). Trên mặt luật pháp, cần sa không được phép dùng cho mục đích giải trí.
Tuy nhiên, một cách không chính thức, Thái Lan đã trở thành Amsterdam của phương Đông khi có hàng ngàn cơ sở pha chế cần sa giải trí đang kinh doanh ở đất nước này. Thực tế trên đường phố Bangkok, Pattaya... nói lên điều đó.
Ngay cửa ra vào khách sạn 4 sao thương hiệu nổi tiếng quốc tế chúng tôi ở tại Bangkok là cửa hàng bán cần sa choáng 1/3 mặt tiền. Với hai mặt tiền cửa kính, người ra vào khách sạn mỗi ngày đều ngửi được mùi cần sa và thấy nhiều du khách khác đang ngồi nghe tư vấn. Những ai từng du lịch Thái Lan trước đại dịch và nay mới có dịp trở lại, sẽ "choáng" vì hình ảnh này.
Việc hợp pháp hóa cần sa vào giữa năm 2022 vẫn là cú sốc đối với nhiều người Thái Lan. Vậy, Thái Lan hưởng lợi gì từ quyết định hợp pháp hóa cần sa?
Thời điểm Thái Lan hợp pháp hóa cần sa cũng là lúc vừa kết thúc đại dịch và các quan chức Thái Lan không giấu diếm kỳ vọng vào việc cần sa sẽ thu hút du khách quốc tế.
Du lịch đóng vai trò lớn trong nền kinh tế Thái Lan khi đóng góp gần 20% GDP trước Covid-19. Du lịch cần sa của Thái Lan được dự báo sẽ đạt giá trị khoảng 2 tỉ USD vào cuối năm 2025 và theo một số quan điểm được ủng hộ, ở đâu có sự tăng trưởng, ở đó có nhiều việc làm hơn và tạo ra thu nhập cho người dân địa phương.
"Thái Lan là đất nước có hai mặt: một mặt là quốc gia thanh bình và xinh đẹp, tràn ngập truyền thống Phật giáo và người dân nổi tiếng thân thiện, vui tươi. Mặt khác, có khía cạnh du lịch hoang dã của nó, đặc biệt là các khu đèn đỏ. Thêm cần sa vào thì gần như chắc chắn sẽ khiến Thái Lan là điểm đến trác táng hàng đầu thế giới", anh Tân kết luận.
10 điều du khách cần biết về cần sa ở Thái Lan
-Không được phép mang hạt giống hoặc các bộ phận của cây cần sa đi và đến Thái Lan vì mục đích cá nhân.
-Việc trồng cần sa là hợp pháp nhưng phải đăng ký trong ứng dụng "PLOOK GANJA" của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm hoặc thông qua trang web của chính phủ.
-Sử dụng nụ hoa cần sa để nghiên cứu, xuất khẩu, bán và chế biến vì mục đích thương mại phải có giấy phép chính thức.
-Cá nhân dưới 20 tuổi, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú không đủ điều kiện sử dụng cần sa trừ khi có sự giám sát của các chuyên gia y tế.
-Việc xử lý chất chiết xuất có chứa hơn 0,2 THC và THC tổng hợp phải được phép.
-Các món ăn chứa cần sa có sẵn tại các nhà hàng được ủy quyền.
-Có thể tiếp cận các sản phẩm sức khỏe cần sa đã được phê duyệt thông qua các kênh cụ thể.
-Hút cần sa ở những nơi công cộng, bao gồm cả trường học và trung tâm mua sắm, là bất hợp pháp.
-Tránh lái xe sau khi ăn thực phẩm hoặc sản phẩm chăm sóc sức khỏe có chứa cần sa.
-Những người dùng cần sa nhưng khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để điều trị.
(Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan)
Bình luận (0)