Sau rằm tháng giêng mới có thể đánh giá được

01/02/2012 08:59 GMT+7

(TNO) Ngày 1.2, nhóm phóng viên Thanh Niên Online có ghi nhận về ngày đầu tiên TP.Hà Nội thực hiện việc đổi giờ làm, giờ học tại 10 quận nội thành và hai huyện. Theo ghi nhận chung, ùn tắc có giảm...

Tuy nhiên, theo đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Hà Nội, phải sau ngày rằm tháng giêng, khi lượng người đổ về Hà Nội đã ổn định, khi đó mới có thể đánh giá được việc thay đổi giờ làm, giờ học có thật sự hiệu quả hay không.

Sáng 1.2, có mặt tại khu vực Trường tiểu học Nam Thành Công (75 Nguyên Hồng, Q.Đống Đa), chúng tôi nhận thấy tuy đã có sự điều chỉnh, thay đổi giờ học, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra.

Cụ thể, lúc 7 giờ 45 phút sáng, các tuyến đường dẫn tới trường như ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Trúc Khê, Trúc Khê - Nguyên Hồng, Nguyên Hồng - Huỳnh Thúc Kháng… đều bị ùn ứ.

Các dòng xe đều phải nhích từng vòng bánh xe. Thậm chí sợ muộn giờ, nhiều phụ huynh phóng xe máy lên vỉa hè mấp mô đang thi công.

Theo đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Hà Nội: Trước 7 giờ sáng, số lượng học sinh THPT đổ ra đường tăng hơn mọi khi.

Sáng nay 1.2, lượng người tham gia giao thông chưa nhiều nên không thể phản ảnh đúng được tình trạng giao thông khi đổi giờ học và giờ làm việc. Nguyên nhân là do số lượng lớn sinh viên ngoại tỉnh được nghỉ tết, chưa quay lại tập trung đầy đủ để đi học.

Bên cạnh đó, số lượng lớn người lao động ngoại tỉnh cũng vẫn chưa lên Hà Nội làm việc như trong năm.

Chưa hết, ngày đầu xuân, người dân còn đi du xuân nhiều ở tỉnh xa, chưa bắt đầu công việc…

Ông Ngọc cho biết thêm, nhiều khả năng, phải ngoài ngày rằm tháng giêng, khi lượng người đổ về Hà Nội đã ổn định, khi đó mới có thể đánh giá được việc thay đổi giờ làm, giờ học có thật sự hiệu quả hay không. (Hà An)

Lúc 7 giờ 55 phút, tình trạng ùn ứ vẫn chưa được vãn hồi. Đoạn đường Nguyên Hồng chạy qua trước cổng trường Nam Thành Công ken cứng người xe.

Khi được hỏi về tình trạng ùn tắc có thuyên giảm sau khi nhà trường thay đổi lịch học hay không, bác Nguyễn Văn Tùng, một hộ dân kinh doanh đối diện với cổng Trường tiểu học Nam Thành Công cho biết: “Thật sự là tôi vẫn chưa thấy giảm bớt ùn tắc đâu. Vẫn cứ từ 7 giờ 30 phút sáng đổ đi là các ngả đường dẫn tới khu vực xung quanh trường lại ùn tắc. Tình trạng này chỉ hết khi các học sinh đã vào hết trong lớp”.

Dưới đây là một số hình ảnh do phóng viên Hà An ghi được tại khu vực trên.

 
Tại các ngã ba đường dẫn tới trường, các loại xe đều phải lưu thông rất chậm

 
Đường chính Nguyên Hồng dẫn tới trường Nam Thành Công bị ùn tắc

 
Lo muộn học, nhiều phụ huynh lái xe chạy trên vỉa hè

 
 Người phụ nữ này dắt con băng qua đường để vào trường trước dòng xe cộ đông đúc

 
Cậu học sinh này cũng vậy...

 
Cảnh ùn tắc trước cổng Trường tiểu học Nam Thành Công vào lúc 7 giờ 51 phút sáng 1.2

* Sáng nay, tại Hà Nội, giao thông nhiều nơi vẫn bị ùn ứ, không khác nhiều so với những ngày trước đó.

Tại phố Thái Thịnh (Q.Đống Đa), con phố thường ngày nổi tiếng tắc vào giờ cao điểm, 8 giờ sáng nay vẫn đông nghịt người và xe cộ.

Khu vực cổng Trường THCS và tiểu học Thái Thịnh, lúc 7 giờ 45 phút, phụ huynh đưa con đi học vẫn đang phải xoay xở đến trường.

Đã quen với giờ vào lớp là 7 giờ 15 phút, nay khung giờ thay đổi, vào sớm hơn 15 phút (7 giờ) không khiến các học sinh bậc THPT bối rối hay xáo trộn.

Nguyễn Thu Hoài, học sinh Trường THPT Đống Đa cho biết, nhà cách trường gần 3 km, vào lớp sớm hơn 15 phút nên em phải dậy sớm hơn. “Cũng không ngại lắm vì bình thường em đã quen dậy sớm. Đổi giờ thế này, thích nhất là đi học lúc đường phố còn vắng tanh, không khói bụi, tiếng ồn, không ách tắc”, Hoài chia sẻ.

Cũng có một số học sinh chưa quen với giờ học mới, nên đi muộn. Tuy nhiên, hầu hết đều cho biết, sẽ dần quen với nếp sinh hoạt này trong một vài ngày nữa.

Anh Nguyễn Văn Quang có con học tại Trường tiểu học Thái Thịnh cho biết, chỉ thấy bất tiện vì giờ học của con và giờ làm của bố chênh nhau một tiếng, nên khi đưa con đi học mà đến chỗ làm ngay, anh lại phải đợi mở cửa.

“Mình làm ở siêu thị. Theo quy định, 9 giờ siêu thị mới mở cửa mà 8 giờ con đã vào học. Đưa con đi học xong, còn lân la cà phê chán chê mới vào làm được, cũng mất thời gian”, anh Quang nói.

Số đông học sinh tiểu học hào hứng với giờ tan học mới, song cũng có không ít em cảm thấy không hài lòng.

Em Phạm Thanh Ngân, học sinh Trường tiểu học Dịch Vọng, cho biết, lúc 18 giờ em phải học đàn, do vậy, việc tan học muộn, cộng thêm công sở chỗ mẹ làm cũng tan muộn hơn, nên em đang tính phải đổi lịch.

Một số hình ảnh về buổi sáng ngày đầu tiên đổi giờ học, giờ làm do phóng viên Lê Quân ghi lại:


Từ ngày 1.2, giờ vào lớp của học sinh THPT là 7 giờ sáng, sớm hơn 15 phút so với trước đây


Sát giờ vào lớp, học sinh đi đông, nhưng đường không tắc nghẽn


Cổng Trường THPT Quang Trung trên đường Láng (Q.Đống Đa) trước giờ vào lớp 15 phút khá yên tĩnh


Học sinh mầm non, tiểu học bình thường vẫn vào lớp lúc 8 giờ. Do đó, việc đổi giờ hiện nay hầu như không thay đổi nhiều đến nếp sinh hoạt của các bậc phụ huynh


Hai anh em Minh, Hà - học sinh Trường tiểu học Thái Thịnh phải đi học sớm hơn, để kịp giờ bố mẹ đi làm, vì bố mẹ làm việc sớm hơn. Đến trường sớm, hai em lang thang ở sân trường vì chưa đến giờ vào lớp


Chưa quen với giờ vào lớp mới, một số học sinh THPT đi học muộn


Ngày đầu tiên có khung giờ mới, cảnh lộn xộn trong giao thông vẫn diễn ra…


Không khác nhiều so với ngày thường, phố Thái Thịnh, khu vực trước cổng trường vẫn ùn ứ


Một vài tuyến phố khác vẫn đông nghẹt người vào giờ cao điểm. Mọi người đang trông đợi, cảnh ách tắc sẽ hạn chế vào buổi chiều, giờ tan tầm

Hà An - Lê Quân
 (thực hiện)

>> Đổi giờ có hết kẹt xe?
>> Loay hoay chuẩn bị đổi giờ làm việc học hành
>> Nghị trường mổ xẻ chuyện kẹt xe, cướp giật
>> TP.HCM xem xét đổi giờ học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.