Ngày 10.5, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị "Sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững", do Thứ trưởng Hoàng Trung chủ trì.
Tiềm năng lớn nhưng chất lượng bị buông lỏng
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết: Nhờ mở cửa được thị trường Trung Quốc nên doanh thu xuất khẩu sầu riêng đã tăng từ 420 triệu USD năm 2022 lên tới 2,24 tỉ USD trong năm 2023. Đáng nói, tiềm năng phát triển của ngành hàng này còn rất lớn. Tổng dung lượng thị trường toàn cầu năm 2023 lên tới 25 tỉ USD có thể tăng đến 46 tỉ USD vào năm 2032. Trong đó, Trung Quốc chiếm 80% dung lượng thị trường. Tại Trung Quốc, sầu riêng VN hiện chỉ đứng thứ 2 sau Thái Lan. Tuy nhiên, VN cũng đối mặt với nhiều thách thức khi Trung Quốc cũng ký nghị định thư với nhiều nước như Philippines, Indonesia, Malaysia… Nhưng vấn đề quan trọng hơn là ngành sầu riêng VN đang gặp nhiều khó khăn nội tại cần phải vượt qua.
Cụ thể theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua, Cục đã nhận được nhiều cảnh báo và yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm các quy định của nghị định thư từ cơ sở trồng đến đóng gói. Thậm chí nhiều tỉnh diện tích trồng sầu riêng lớn nhưng vi phạm quy định nhiều lần. Cụ thể có 115 mã số vùng trồng và 72 cơ sở đóng gói vi phạm quy định, trong số này có 35 mã số vùng trồng và 29 cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần, nguy cơ đối diện việc tạm ngừng xuất khẩu. Việc theo dõi quản lý cấp mã số cũng như giám sát các cơ sở này sau khi được cấp mã số đã được phân cấp về địa phương cấp tỉnh nhưng một số nơi buông lỏng quản lý.
"Các tỉnh có số lượng mã số vùng trồng nhưng tỷ lệ giám sát thấp như Đắk Nông 0%, Bình Phước là 1,6%, Vĩnh Long 5%, Bình Thuận chỉ 12%, Hậu Giang 27%... Chỉ một số địa phương thực hiện khá tốt như Lâm Đồng đạt 100%, Gia Lai 75,9% và Đắk Lắk 72,1%. Việc thực hiện giám sát các cơ sở đóng gói cũng tương tự", ông Đạt thông tin.
Thiếu quy định xử lý
Giải thích về vấn đề này, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương cho rằng do thiếu nhân lực thực hiện, các quy định của pháp luật chưa đủ nên không thể xử phạt các đối tượng vi phạm. Thậm chí chính sách chồng chéo cũng gây khó cho việc thực hiện cấp mã số và giám sát.
Tại một trong những vùng trồng sầu riêng lớn ở Đông Nam bộ là Đồng Nai, ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh này, khẳng định: Nguyên nhân của vấn đề quản lý chất lượng là nhân lực không đủ và nó xuất phát từ cấp huyện. "Chúng tôi cũng đã báo cáo UBND và Tỉnh ủy để xem xét tháo gỡ. Ngoài ra có những cái thuộc về các quy định pháp luật. Cụ thể như nhiều cơ sở đóng gói chưa được cấp mã số vì nằm ở những vị trí chưa đúng với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Chúng tôi phải chờ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 được ban hành thì mới cấp mã số cơ sở đóng gói được", vị này nêu.
Ông Sinh cũng như đại diện nhiều tỉnh kiến nghị cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành sầu riêng liên thông trên toàn quốc để thuận tiện trong việc giám sát và phối hợp xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, khâu thu hái hiện nay có nhiều vấn đề và VN cần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn để đảm bảo sầu riêng được thu hái đúng tuổi. Góp ý bổ sung, ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, nói: "Lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc họp bàn tìm biện pháp quản lý và xử lý. Tuy nhiên, hiện nay các quy định của pháp luật hiện hành chưa có đủ để xử lý việc thu hái sầu riêng không đúng tuổi. Đây là khó khăn lớn nhất".
Ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk (vùng trồng sầu riêng lớn nhất VN), chia sẻ: "Năm 2023, chúng tôi có tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm của Thái Lan. Họ quản lý chất lượng sầu riêng rất nghiêm, chặt chẽ và có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng. Ở các vùng trồng sầu riêng, khi vào vụ sẽ có lực lượng quản lý chất lượng của cả trung ương, tỉnh và địa phương, thậm chí huy động cả lực lượng cảnh sát tham gia. Dựa trên những kinh nghiệm đó, chúng tôi cũng tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND để xây dựng các quy định tạm thời trong vụ thu hoạch sầu riêng sắp tới. Tỉnh Đắk Lắk xác định cùng với cà phê thì sầu riêng là một trong hai sản phẩm mang lại giá trị kinh tế khoảng 1 tỉ USD mỗi loại nên tích cực tăng cường các biện pháp quản lý".
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty CPTĐ XNK trái cây Chánh Thu, thông tin: "Ở Thái Lan, mã số vùng trồng gần như là tiêu chuẩn bắt buộc mà người nông dân nào cũng phải đăng ký. Còn để thu hoạch sầu riêng thì nông dân phải khai báo lên hệ thống của cơ quan quản lý. Nếu sớm hoặc muộn hơn phải giải trình đầy đủ lý do. Khi được cấp phép thì mới được thu hoạch. Trên đường vận chuyển, lực lượng cảnh sát có thể giám sát thêm khâu thủ tục giấy tờ. Trong khi đó, ở VN nhiều nhà vườn lại không muốn làm việc với Chánh Thu vì chúng tôi "cắt sầu riêng già quá". Khi Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng VN, Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn độ bột (chất khô) từ 33% lên 35% và kế hoạch sắp tới của họ vào năm 2025 là 37%. Sầu riêng là ngành hàng có giá trị kinh tế cao, tiềm năng phát triển còn lớn, cần tách ra thành một ngành kinh tế để xây dựng các tiêu chuẩn, quy định cho phù hợp trong việc quản lý", bà Vy chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung thừa nhận: Thời gian qua, việc quản lý chất lượng sầu riêng của chúng ta chưa được tốt. Ngoài việc vi phạm các quy định của nghị định thư thì các vấn đề liên quan tới an toàn thực phẩm, tồn dư hóa chất cũng đã được cảnh báo. Tình trạng thiếu liên kết, tranh mua tranh bán dẫn đến chất lượng không được đảm bảo, đặc biệt là khâu thu hoạch có vấn đề rất lớn. Có tình trạng trái sầu riêng bổ ra không có màu và mùi vị đặc trưng. "Sau hội nghị này, trước mắt các địa phương phải tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói, cũng như tuyên truyền người dân, doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu sầu riêng VN. Những vấn đề liên quan đến giống, quy định của pháp luật chúng tôi sẽ tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ cũng như tham mưu cho cấp cao hơn. Chúng ta cần tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng sầu riêng vì đây là ngành kinh tế quan trọng, còn nhiều tiềm năng phát triển", ông Trung nhấn mạnh.
Bình luận (0)