Sầu riêng Trung Quốc có cạnh tranh nổi với Đông Nam Á?

24/05/2023 15:01 GMT+7

Khoảng 2.450 tấn sầu riêng đầu tiên được trồng tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc dự kiến đưa vào thị trường trong tháng tới.

Trung Quốc đang đầu tư trồng sầu riêng để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng và hướng đến việc xuất khẩu. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định sầu riêng Trung Quốc khó có khả năng cạnh tranh với các nước Đông Nam Á trong tương lai gần, theo tờ South China Morning Post.

Sầu riêng Trung Quốc có cạnh tranh nổi với Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Sầu riêng bán trong siêu thị tại Thiên Tân, Trung Quốc

BLOOMBERG

Bổ sung hay cạnh tranh?

Cứ mỗi hai tháng, ông Lim Chi Khee - chuyên gia về sầu riêng người Malaysia, lại đến Trung Quốc để hỗ trợ nông dân trồng trọt sầu riêng. Một trong những lời khuyên của ông Lim, người sáng lập Viện Sầu riêng gần Kuala Lumpur (Malaysia), cho các nhà vườn với diện tích hơn 400 hecta là tránh lãng phí nước và phân bón.

Malaysia xuất khẩu sầu riêng đông lạnh chất lượng cao từ các nhà vườn nhỏ hơn sang Trung Quốc, nước đang là thị trường tiêu thụ ngày càng lớn đối với trái cây nhiệt đới từ Đông Nam Á. Vào năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 824.000 tấn sầu riêng, nhiều gấp 4 lần so với năm 2017.

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 25.5: Trung Quốc tự trồng sầu riêng | Người giàu nhất thế giới mất 11 tỉ USD

Việc ông Lim tận tình hướng dẫn nông dân Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy sự tự tin của Malaysia, cũng như các quốc gia khác ở Đông Nam Á, rằng trái cây Trung Quốc còn phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thay thế hàng nhập khẩu. Dù vậy, các nước như Malaysia, Thái Lan, Philippines... vẫn rất dè chừng trước sự phát triển về lâu dài của Trung Quốc, đề phòng trường hợp họ nổi lên thành đối thủ nặng ký.

Ngành nông nghiệp Trung Quốc đã triển khai trồng trọt trái cây nhiệt đới trên khoảng 206.000 hecta ở tỉnh Hải Nam từ những năm 1950. Sầu riêng bắt đầu được trồng từ năm 2020 nhờ công nghệ đẩy nhanh chu kỳ tăng trưởng và hứa hẹn sẽ trở thành giống cây đem lại lợi nhuận chính của đảo. Hòn đảo này đã sẵn sàng cho vụ thu hoạch sầu riêng đầu tiên trong năm nay, với ước tính khoảng 2.411 tấn sầu riêng xuất ra thị trường vào tháng 6, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin.

Sầu riêng Trung Quốc có cạnh tranh nổi với Đông Nam Á? - Ảnh 2.

Vườn sầu riêng tại Tam Á, Hải Nam

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SOUTH CHINA MORNING POST

Ông Lim cho rằng sản lượng sầu riêng ở Hải Nam sẽ không tăng nhanh đột biến vì còn phụ thuộc vào chi phí canh tác, trong khi tỉnh này thường xuyên có bão. Ông cho rằng sản lượng đó chỉ là phần bổ sung cho nguồn hàng từ Malaysia, hơn là cạnh tranh gay gắt.

Giám đốc phát triển Sam Sin của S&F Produce Group, công ty phân phối nông sản trụ sở tại Hồng Kông, cho rằng khí hậu cận nhiệt đới ở đảo Hải Nam đã làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sầu riêng so với sầu riêng trồng ở Thái Lan, vốn đã có danh tiếng từ lâu. Công ty này vừa sở hữu nông trại tại Thái Lan và thu mua thêm một số loại trái cây nhiệt đới của các nhà vườn Thái Lan để xuất khẩu. "Chúng tôi thấy sự tăng trưởng nhanh chóng tại thị trường Trung Quốc", ông Sam Sin nói, lưu ý tốc độ mở rộng quy mô kinh doanh ở mức 2 con số trong 9 năm qua.

Một lợi thế nữa mà trái cây Đông Nam Á đang có là nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hiệp định được ký kết giữa Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cùng một số nước khác, đã giúp cắt giảm thuế quan đối với nhiều loại trái cây nhiệt đới từ Đông Nam Á sang Trung Quốc.

Điều này giúp xoài, dừa và sầu riêng của Philippines sang được thị trường Trung Quốc, nơi các loại trái cây này "khá khan hiếm”, theo nhà nghiên cứu Aaron Rabena tại tổ chức Quỹ Những con đường đến tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương ở thủ đô Manila của Philippines.

Ông Chen Shuang, chủ một cửa hàng trái cây ở Thượng Hải, cho biết các loại trái cây trồng tại Trung Quốc như vải, xoài, đu đủ và thanh long rẻ hơn và bán chạy hơn so với hàng nhập khẩu từ Đông Nam Á. “Tuy nhiên, sản lượng trái cây nhiệt đới tại Hải Nam không thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và không được ổn định lắm”, ông Shuang nói và cho biết thêm rằng vẫn phải nhập khẩu sầu riêng và mận.

Sầu riêng Trung Quốc có cạnh tranh nổi với Đông Nam Á? - Ảnh 3.

Một quầy bán sầu riêng tại Kuala Lumpur, Malaysia

REUTERS

Trung Quốc đẩy mạnh công nghệ

Các nhà phân tích cho biết rằng sự tự tin của Đông Nam Á sẽ bị lung lay nếu nông dân Hải Nam tham vọng hơn, mở rộng trồng trọt kết hợp công nghệ tự động hóa và giảm giá thành trái cây.

“Thời tiết nóng” và có mưa là một lợi thế cho nông dân ở Hải Nam, ông Lim bày tỏ. Đồng thời, họ cũng rất chịu khó tìm tòi và cập nhật các công nghệ mới trong trồng trọt nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Hải Nam có thể trở thành tấm gương cho Malaysia học hỏi khi áp dụng công nghệ tự động hoá để kiểm soát chi phí trên hầu hết các vườn trái cây”, ông Lim nói. Ông cho biết thêm rằng diện tích đồn điền nhỏ là một bất lợi tiềm ẩn của Malaysia trên cuộc đua sản lượng sầu riêng với Trung Quốc.

Sau khi gửi công nhân từ cơ sở ở thành phố Tam Á thuộc đảo Hải Nam sang Đông Nam Á học hỏi, đồng thời làm việc với Học viện Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc để rút ngắn chu kỳ tăng trưởng của sầu riêng từ 10 năm xuống còn 3 năm, ông Du BaiZhong, Tổng giám đốc của Công ty Nông nghiệp Youqi Hải Nam, tuyên bố trong năm nay sẽ thu hoạch đến 50 tấn sầu riêng.

Công ty Youqi Hải Nam đã tìm ra cách tự động hóa hệ thống tưới nước, quản lý phân bón và theo dõi thời tiết. Tuy nhiên, ông Du thừa nhận rằng việc trồng sầu riêng ở Hải Nam đòi hỏi nhiều sự can thiệp thủ công và phải chăm chút kỹ hơn so với tại Đông Nam Á.

Triển vọng xuất khẩu

Dù vậy một số nhà phân tích cho rằng nếu tỉnh Hải Nam duy trì mô hình công nghệ như hiện tại, thì sản lượng trái cây sẽ tăng trưởng đáng kể, không chỉ đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước mà còn xuất khẩu qua các nước Đông Nam Á.

Ông Adam McCarty, người sáng lập kiêm chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Mekong Economics, cho biết trái cây nhiệt đới Trung Quốc dự kiến sẽ sớm xuất hiện ở thị trường Việt Nam thông qua biên giới đường bộ.

“Có rất nhiều trái cây Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn ở Việt Nam như táo và cam. Chúng thường rẻ hơn và có hạn sử dụng lâu hơn các trái cây bản địa”, ông McCarty nói.

Tuy nhiên, tại Philippines, các nhà lập pháp đã bắt đầu hoài nghi về giá trị sự hợp tác thương mại với Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Philippines Imee Marcos hồi tháng 2 đặt câu hỏi liệu có thực tế khi kỳ vọng rằng Trung Quốc mua toàn bộ sầu riêng của Philippines, khi Bắc Kinh đã bày tỏ quan điểm về việc Manila gia tăng hợp tác quân sự với Washington.

Trong khi đó, những người nông dân trồng chuối, dừa và sầu riêng ở Philippines lại phấn khởi sau khi thỏa thuận xuất khẩu trái cây trị giá 2 tỉ USD vào tháng 1 giữa Bắc Kinh và Manila được xác lập.

Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào tại Đông Nam Á về một khuôn khổ hợp tác giúp có lợi cho nông dân trồng trái cây của Trung Quốc.

Như tại Thái Lan, chính phủ thường đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân trong nước và quảng bá trái cây nội địa. Chỉ tính riêng năm 2022, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng chính của Thái Lan, chiếm hơn 96,2% tổng lượng sầu riêng xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á, đạt giá trị 3,1 tỉ USD. Chính phủ Thái Lan tin rằng xuất khẩu các loại trái cây nhiệt đới như sầu riêng, măng cụt, nhãn, xoài và dừa sẽ sớm đạt giá trị hơn 200 tỉ baht (5,83 tỉ USD).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.