Vượt mặt đối thủ đáng gờm
Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy năm 2023, xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của các nước vào thị trường này đạt 24,4 tỉ USD. Trong đó, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 8,6 tỉ USD, chiếm 36% thị phần tại thị trường này. Đứng vị trí thứ 2 là VN với kim ngạch 3,4 tỉ USD. Thị phần của VN tại Trung Quốc tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023 và soán luôn vị trí thứ 2 của Chile (quốc gia này tụt xuống vị trí thứ 3 với kim ngạch 3,2 tỉ USD).
Trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh sự kiện này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN - người có thâm niên trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây, hồ hởi nhận định: "Lâu nay Thái Lan vẫn luôn chiếm vị trí số 1 trong số những đối tác cung cấp rau quả cho thị trường tỉ dân Trung Quốc, tiếp theo sau là Chile, giữ vị trí thứ 2 trong suốt nhiều năm qua. Thế nhưng vị trí của Chile mới đây đã bị VN vượt mặt. Nhìn lại tình hình xuất khẩu rau quả của VN trong những năm qua, đây là một thành tích rất đáng tự hào của ngành rau quả VN".
Theo ông Nguyên, kim ngạch xuất khẩu rau quả của VN năm 2019 mới đạt 2,5 tỉ USD, sau đó vì dịch Covid-19 đã giảm xuống còn 1,7 tỉ USD, đến năm 2022 tụt xuống chỉ còn 1,5 tỉ USD. Trong khi đó, Chile là quốc gia xuất khẩu trái cây nổi tiếng, với những mặt hàng đứng đầu thế giới như cherry, kiwi, nho, lê, việt quất… Đặc biệt, sản lượng cherry của Chile đã tăng từ 95.000 tấn vào năm 2017 lên đến trên 350.000 tấn năm 2022. Chỉ riêng tại thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu cherry của Chile đã mang về xấp xỉ 2,5 tỉ USD/năm.
Một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu trái cây tại TP.HCM giải thích: "Nhiều nước khác cũng có trái cherry như Úc hay Mỹ, thậm chí Trung Quốc cũng có trồng cherry nhưng đều không cạnh tranh nổi với cherry Chile có mùi vị ngọt thanh và màu sắc đỏ tươi. Mùa vụ thu hoạch cherry của Chile chỉ vào 2 tháng cuối năm nhưng công nghệ bảo quản của nước này giúp cho trái cherry tươi ngon kéo dài đến 2 tháng. Chính vì vậy dù khoảng cách địa lý khá xa nhưng giá trị của sản phẩm cherry đã giúp cho Chile giữ vững vị thế á quân tại thị trường Trung Quốc".
Dù Chile là đối thủ đáng gờm nhưng từ khi trái sầu riêng VN được Trung Quốc đón nhận, bảng xếp hạng thị phần lẫn kim ngạch đã có sự thay đổi. Theo đại diện Hiệp hội Rau quả VN, năm 2023 đánh dấu sự phát triển vượt bậc tại thị trường Trung Quốc, vốn đang chiếm đến 65% thị phần xuất khẩu trái cây, rau quả VN. Cụ thể, xuất khẩu mít tăng 44,6%, xoài tăng 44,2%, ớt tăng 34,5%... Trong đó, chỉ với mặt hàng sầu riêng, Trung Quốc đã nhập xấp xỉ 500.000 tấn từ VN với trị giá gần 2,5 tỉ USD. Mặt hàng sầu riêng của VN không những làm giảm đi thị phần trái cây của Chile tại thị trường Trung Quốc mà còn chia sẻ luôn thị phần của Thái Lan, bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước này sang Trung Quốc đã giảm 2% trong năm 2023 so với năm trước đó, tương đương giảm gần 500 triệu USD.
Liệu có soán được "ngôi vương" của Thái Lan?
Xuất khẩu rau quả của VN đang khởi sắc và nhiều tiềm năng vẫn còn chưa khai phá hết nên năm 2024 dự báo sẽ còn tiếp tục bùng nổ. Đặc biệt, 4 sản phẩm có thể được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian tới gồm dược liệu, dừa, sầu riêng đông lạnh và dưa hấu sẽ góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt từ 6,5 tỉ USD. Thậm chí, Hiệp hội Rau quả VN còn kỳ vọng cả năm 2024 có thể đạt 6,5 - 7 tỉ USD, cao hơn so với mục tiêu đề ra…
Nói về mục tiêu soán ngôi số 1 của Thái Lan tại thị trường Trung Quốc, một lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phân tích: "Sản lượng trái cây của Thái Lan hằng năm chỉ có trên 5,5 triệu tấn, thua xa sản lượng 12-13 triệu tấn của VN. Tuy nhiên giá trị kim ngạch trái cây, rau quả của Thái Lan lại hơn gấp đôi so với chúng ta. Điều này chứng tỏ chúng ta đang thua kém về giống. Hiện nay giống cà phê và thanh long của VN đứng đầu và bỏ xa thế giới về năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, các giống rau và cây ăn quả của VN còn kém xa so với Thái Lan. Nếu VN không làm chủ được nguồn giống, không có những giống cây ăn trái mới lạ, độc quyền, chất lượng vượt trội thì khó có thể cạnh tranh được với Thái Lan trong thời gian tới".
Tại thị trường Trung Quốc, VN khó vượt qua Thái Lan, nhưng khi VN đàm phán thành công các mặt hàng khác như dừa, chanh, bưởi, cam, ớt… sang Trung Quốc thì chắc chắn sẽ đem về cho ngành rau quả giá trị kim ngạch xuất khẩu cao hơn nữa trong năm 2024 và sẽ thu hẹp khoảng cách với Thái Lan trong năm nay và những năm tiếp theo. Thị phần cung ứng rau quả lớn thứ hai tại Trung Quốc chắc chắn sẽ được giữ vững và còn bỏ xa Chile.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN
Đồng tình với nhận định này, ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định: "Hiện nay sản lượng trái cây của VN vượt trội so với Thái Lan nhưng nói về chất lượng thì vẫn chưa thể cạnh tranh. Đơn cử như mặt hàng sầu riêng, ngay tại thị trường Trung Quốc thì sầu riêng Thái Lan vẫn được bán với giá cao hơn. Mặt khác, Thái Lan đang có 22 loại trái cây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch trong khi VN chỉ mới có 12 mặt hàng. Số lượng sản phẩm được cấp phép nhiều hơn thì đương nhiên kim ngạch cũng cao hơn. Thậm chí ngay cả khi sầu riêng đông lạnh của VN được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc thì cũng khó có thể "soán ngôi" của Thái Lan được vì sầu riêng đông lạnh của họ được đánh giá cao hơn. Lợi thế của VN ở đây chính là sản lượng thu hoạch được quanh năm, hết vùng này đến vùng khác, trong khi Thái Lan thì thu hoạch vào thời điểm nhất định".
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, cũng thừa nhận: "Doanh nghiệp Thái Lan thích ứng rất nhanh trong xuất khẩu trái cây. Khi VN vừa ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, họ theo chân thương lái VN vào tận các vùng trồng của nước ta tìm hiểu để so sánh, phân tích rõ đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Trong khi đó, để vượt qua được Thái Lan thì VN vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục. Bên cạnh yếu tố chất lượng, các doanh nghiệp còn phải tập trung cải tiến mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu của Trung Quốc, ngoài ra còn phải liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để nông dân và doanh nghiệp đều có lợi".
Mặc dù khó có thể "soán ngôi" Thái Lan tại thị trường Trung Quốc trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, các chuyên gia trong ngành rau quả đều khẳng định sẽ thu hẹp khoảng cách với quốc gia này.
Bình luận (0)