Sau thảm họa động đất, Thổ Nhĩ Kỳ nhận nhiều viện trợ, Syria thì sao?

Nguồn: THP
Nguồn: THP
09/02/2023 21:09 GMT+7

Trong khi viện trợ đang được đổ về Thổ Nhĩ Kỳ để khắc phục hậu quả động đất, nhiều người lo Syria sẽ không được hỗ trợ kịp thời.

Số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng đã vượt 16.000, trong đó có hơn 3.000 nạn nhân tại Syria. Lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm nạn nhân dưới các đống đổ nát.

Các nhà phân tích cảnh báo người dân Syria bị ảnh hưởng trong trận động đất kinh hoàng quét qua nước này và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6.2 có thể trở thành nạn nhân của nền chính trị vốn đã chia rẽ đất nước trong hơn một thập niên, CNN đưa tin.

Trong khi Reuters dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cho biết 70 quốc gia và 14 tổ chức quốc tế, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Canada, Liên minh châu Âu,... đã đề nghị hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ động đất, sự hỗ trợ của thế giới dành cho Syria thấp hơn rõ rệt.

Sau thảm họa động đất, Thổ Nhĩ Kỳ nhận nhiều viện trợ, Syria thì sao? - Ảnh 1.

Công nhân bốc dỡ hàng viện trợ từ Iran tại sân bay thuộc thành phố Aleppo ở phía bắc Syria sáng 8.2

AFP

Bà Aya Majzoub, phó giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói với CNN: "Thông thường, những người chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa như vậy là những người vốn đã dễ bị tổn thương".

Đường sá hư hại

Ngày 7.2, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết viện trợ vào Syria đã tạm thời bị gián đoạn do thiệt hại trận động đất gây ra. Bà Madevi Sun-Suon, phát ngôn viên Văn phòng Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo (OCHA) của LHQ, nói với CNN rằng hoạt động hỗ trợ bị cản trở do "những thách thức về đường sá, đặc biệt là con đường từ Gaziantep đến trung tâm trung chuyển ở Hatay". Theo LHQ, cửa khẩu Bab al-Hawa đã bị hư hại là hành lang viện trợ nhân đạo duy nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Hy vọng cứu người sống sót dần tan biến giữa hoang tàn hậu quả động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

Bà Majzoub cho biết cư dân ở phía tây bắc "sống trong điều kiện kinh khủng, ít được tiếp cận với nơi trú ẩn, nước, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe đầy đủ do chính phủ Syria từ chối và cản trở người dân tiếp cận các dịch vụ thiết yếu". Theo CNN, các khu vực do phiến quân kiểm soát cũng đang phải vật lộn với mùa đông khắc nghiệt và đợt bùng phát mới của dịch tả.

"Họ phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nhân đạo thông qua cơ chế xuyên biên giới của LHQ từ Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cho phép LHQ và các đối tác cung cấp viện trợ mà không cần sự đồng ý của chính phủ Syria", theo bà Majzoub.

Xung đột chia cắt đất nước

Một thách thức khác đặt ra là việc Syria đang bị chia cắt và chịu sự quản lý của các lực lượng khác nhau. Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đang phải đối mặt nhiều biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Một số khu vực của Syria bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất đều thuộc quyền quản lý của chính phủ, trong khi những nơi khác đang dưới quyền kiểm soát của lực lượng đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ hậu thuẫn, theo CNN.

Cho đến nay, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Iraq, Iran, Libya, Ai Cập, Algeria và Ấn Độ đã gửi hàng cứu trợ trực tiếp đến các sân bay do chính phủ Syria kiểm soát. Những quốc gia khác như Afghanistan, Ả Rập Saudi, Qatar, Oman, Trung Quốc, Canada và Vatican cũng hứa hỗ trợ cho Syria. Tuy nhiên, hiện không rõ liệu các khoản cứu trợ đó có được gửi trực tiếp đến người dân hay không.

Sau thảm họa động đất, Thổ Nhĩ Kỳ nhận nhiều viện trợ, Syria thì sao? - Ảnh 2.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát của các tòa nhà tại ngôi làng Besnaya, tỉnh Idlib, tây bắc Syria

AFP

Đại diện của Syria tại LHQ - ông Bassam al-Sabbagh và chính quyền Tổng thống al-Assad cam kết mọi viện trợ đều được chuyển đến thủ đô Damascus và chính phủ sẵn sàng hỗ trợ chuyển hàng vào cả những khu vực thuộc quyền kiểm soát của phiến quân. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại viện trợ không thể kịp thời đến tay hàng nghìn nạn nhân động đất ở các khu vực do phiến quân kiểm soát.

Bỏ quê vì xung đột, người tị nạn Syria bỏ mạng nơi đất khách vì động đất

Chính quyền Syria trước đó đã tận dụng cơ hội này để kêu gọi các nước dỡ bỏ trừng phạt. Đặc phái viên al-Sabbagh ngày 7.2 cho biết các máy bay đã từ chối hạ cánh xuống các sân bay của Syria vì lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Cùng ngày, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Syria có trụ sở tại Damascus đã đưa ra lời kêu gọi tương tự. Tuy nhiên, Mỹ từ chối thay đổi quan điểm đối với chính phủ Syria. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.