Sau thảm nạn 9 học sinh chết đuối trên sông Trà Khúc: Gấp rút xóa nạn mù bơi

21/04/2016 09:02 GMT+7

Sự cố 9 học sinh lớp 6 Trường THCS Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) bị chết đuối ở sông Trà Khúc cách đây ít ngày đã khiến Hiệp hội Thể thao dưới nước VN khẩn trương tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em khắp cả nước, mà trước mắt ưu tiên những địa phương có nhiều sông suối.

Sự cố 9 học sinh lớp 6 Trường THCS Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) bị chết đuối ở sông Trà Khúc cách đây ít ngày đã khiến Hiệp hội Thể thao dưới nước VN khẩn trương tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em khắp cả nước, mà trước mắt ưu tiên những địa phương có nhiều sông suối.
Dạy bơi cho trẻ phải phổ cập mạnh mẽ - Ảnh: Ngọc Thắng
Đó là chia sẻ của tiến sĩ Vũ Thị Thu Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thể thao dưới nước VN (gọi tắt là hiệp hội). Bà Hương bày tỏ: “Năm nào tại VN cũng xảy ra những vụ trẻ em bị đuối nước và vụ việc tại Quảng Ngãi khiến những người hoạt động trong lĩnh vực bơi lội chúng tôi cảm thấy hết sức xót xa, đau lòng. Tôi đã đọc kỹ bài báo Tập bơi cho trẻ trên Báo Thanh Niên ngày 17.4 và rất đồng lòng với quan điểm của tác giả. Các học sinh ở rất nhiều trường học ở thôn quê không được trang bị về kỹ năng bơi, kể cả những em nhà ở gần sông nước”.
Cũng theo bà Hương, nhiều trường đã ý thức được tầm quan trọng của môn bơi nhưng ngặt một nỗi, để dạy bơi cho trẻ em không phải là điều đơn giản vì còn liên quan đến rất nhiều thứ. Nhiều địa phương còn nghèo, lấy đâu ra diện tích đất làm bể bơi mà bể bơi cũng phải được xây đúng quy chuẩn mới an toàn. Chưa kể còn phải có đội ngũ HLV bơi, trong khi hiện nay các trường mới chỉ có giáo viên thể chất. Do gặp quá nhiều khó khăn về khách quan nên bơi vẫn là môn học “xa lạ” ở rất nhiều trường học.
Cách đây hai năm, Hiệp hội Thể thao dưới nước VN đã bước đầu triển khai với UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM để đưa bơi trở thành môn bắt buộc trong các môn giáo dục thể chất, sau đó “lan” đến Đồng Nai, Cần Thơ. Song con số 3 địa phương là quá ít so với số lượng tất cả tỉnh thành trong cả nước. “Chính vì vậy, hiệp hội rất muốn nhân rộng ra toàn quốc các hoạt động huấn luyện về bơi trong các trường học. Mà phải thực sự có hiệu quả chứ không phải kêu gọi cho có hoặc làm chăng hay chớ. Phải kiên quyết hành động”, bà Hương nhấn mạnh.
Trước tình cảnh này, ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó tổng thanh tra Chính phủ, Chủ tịch hiệp hội, đã trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thành lập Quỹ phòng chống đuối nước và xóa nạn mù bơi trong cả nước. Ông Hạnh bày tỏ mong muốn sự góp sức của cộng đồng, của toàn xã hội để quỹ có được một khoản tài chính đủ lớn, trước mắt có thể xây dựng được 100 bể bơi thông minh ở các trường.
Theo Chánh văn phòng hiệp hội Nguyễn Thu Hằng: “Bể bơi thông minh làm bằng chất dẻo, có thể sử dụng cơ động và không quá tốn kém. Tùy vào mặt bằng của các trường mà lắp ráp bể sao cho phù hợp, kể cả diện tích nhỏ cũng vẫn được. Miền Bắc sẽ dạy học sinh vào mùa hè còn ở miền Trung và Nam có thể dạy bơi quanh năm. Hiệp hội sẽ cung cấp đội ngũ HLV có đủ năng lực. Các lớp dạy bơi sẽ đi vào hoạt động một cách có quy củ, mang tính chất lâu dài và hữu ích. Đất nước VN có bờ biển trải dài, có nhiều sông suối. Vậy để ngăn chặn tai nạn đuối nước xảy ra, chúng tôi muốn các trường học đều có bể bơi và môn bơi phải được phổ cập. Các học sinh phải được đào tạo kỹ năng phòng chống đuối nước từ nhỏ”.
Ngày 25.4 tại Hà Nội, Hiệp hội Thể thao dưới nước VN sẽ đồng tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Nữ hoàng quyền năng phái đẹp. Các ứng viên của chương trình sẽ cùng CLB Wlin (CLB nữ lãnh đạo quốc tế tại VN) và hiệp hội cùng tham gia chuỗi sự kiện nhằm xây dựng Quỹ chống đuối nước và xóa nạn mù bơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.