Giải mã bí ẩn về người thầy 'khó chịu' của Ánh Viên

23/06/2015 05:26 GMT+7

(TNO) Trên bước đường mà Ánh Viên đang đi, làm sao thiếu được dấu chân của người thầy mà cô nhất mực yêu thương và kính trọng - HLV Đặng Anh Tuấn.

(TNO) Trên bước đường mà Ánh Viên đang đi, làm sao thiếu được dấu chân của người thầy mà cô nhất mực yêu thương và kính trọng - HLV Đặng Anh Tuấn.

HLV-Dang-Anh-Tuan-thay-Anh-VienHLV Đặng Anh Tuấn trong buổi Ánh Viên giao lưu với trẻ em Hà Nội 22.6. Ông Tuấn chưa bao giờ hài lòng với thành tích của Ánh Viên và chính mình - Ảnh: Tuấn Phạm
Hôm gặp Viên ngoài Hà Nội, cả tôi và Viên bị ông Đặng Anh Tuấn “càm ràm” vì đang khởi động mà lại "buôn dưa lê". Khuôn mặt Viên khi ấy xị xuống, ánh mắt đầy vẻ cam chịu. Lát sau, tôi mới dám mon men đến gần cô, khi Viên đã hoàn tất xong xuôi bài biểu diễn rất “ngọt” trước sự ngưỡng mộ của hàng trăm “em bé Hà Nội”. Hỏi: “Sợ nhỉ, cô sợ thầy con lắm”. Viên toét miệng: “Sợ thế thì có mà sợ hoài, thầy la con hoài à”.

THẦY TRÒ ÁNH VIÊN TRẢ LỜI BÁO CHÍ NƯỚC NGOÀI
Trước buổi giao lưu tại Hà Nội, một phóng viên báo hình vì không quen làm thể thao, lần đầu tiên xin phỏng vấn thầy của Viên. Trước máy quay, thầy của Viên không từ chối bất kỳ câu hỏi nào, trả lời cặn kẽ, tỉ mỉ, đầy tâm huyết. Nhưng đến đoạn cuối: “Em cảm ơn anh. Anh cho em xin tên cụ thể và chức danh của anh ạ”.
Thầy của Viên: “Trời ơi, em hỏi anh từ bấy đến giờ mà không biết anh là ai. Trời ơi. Bực mình hết sức”. Mặt thầy của Viên xị xuống, ánh mắt đầy vẻ cáu kỉnh. Báo hại tôi đứng gần đó, chẳng dám mon men hỏi thêm câu nào khác. Sợ bị trút giận.
HLV-Dang-Anh-Tuan-thay-Anh-VienHLV Đặng Anh Tuấn nhắc nhở Ánh Viên rất kỹ lưỡng trong các buổi tập - Ảnh: Thúy Hằng
Kể thế thôi, chứ suốt những tháng ngày Viên tập huấn bên Mỹ, tôi toàn canh giờ để… làm phiền ông Tuấn. “Quấy rối” bằng những cú điện thoại hoặc tin nhắn. Và gần như không bao giờ bị ngó lơ cả. Thành tích của Viên ở những giải đấu do Mỹ tổ chức, trên các trang web chính thống đăng đầy ra đấy. Nhưng vẫn muốn biết đằng sau những chỉ số thành tích ấy là cái gì? Thế nên: “Anh ơi, cho em hỏi một tí. Tại sao hôm nay, Viên chỉ về nhì?”, hoặc bữa khác: “Anh ơi, cho em hỏi một tí. Sao Viên không đăng ký nội dung này mà lại chỉ thi đấu nội dung này?”. Đại loại hàng chục câu hỏi tại sao. Lại cần mẫn trả lời, cụ thể và nhiệt huyết.
Quan sát cái cách thầy của Viên chăm trò ở bể bơi (ngay cả lúc Viên bị quát), không cảm động mới lạ. Chỉ có mỗi hành động nho nhỏ này thôi cũng đủ cho người nhạy cảm như tôi ứa nước mắt: Chiếc khăn bông tắm từ trên vai Viên rơi xuống đất vì Viên bị xô đẩy bởi các em nhỏ, thầy của cô nhặt lên rồi khẽ khàng: “Đau lắm không con?”.
Thầy của Viên cũng xuất thân từ VĐV (ông Tuấn đầu quân cho An Giang) và từng là kỷ lục gia của những nội dung bơi tốc độ. Ông Tuấn khép lại sự nghiệp bơi lội của mình bằng tấm HCV nội dung 200m tự do ở giải vô địch quốc gia năm 1997 tổ chức tại Quy Nhơn. 25 tuổi, thầy (chưa phải của Viên) mới theo học trường Đại học Thể dục thể thao và trở thành trợ lý đội tuyển trẻ năm 2001.
HLV-Dang-Anh-Tuan-thay-Anh-VienNgười thầy theo sát học trò của mình trong các cuộc phỏng vấn với báo chí vì luôn muốn Ánh Viên phải xuất hiện chuyên nghiệp nhất trước truyền thông - Ảnh: Thúy Hằng
Hai năm sau, khăn gói lên tuyển lớn làm trợ lý. Đến năm 2007, thầy của Viên mới chính thức khoác áo HLV trưởng đội tuyển bơi Việt Nam với những thành tích “đầu đời” không thể tuyệt hơn: HCV của Nguyễn Hữu Việt tại 2 kỳ SEA Games 24, 25.
Nhưng SEA Games 24 năm 2007 thực ra lại là một kỳ SEA Games vừa vui vừa buồn của ông Tuấn. Hữu Việt bảo vệ thành công ngôi vô địch SEA Games nhưng một học trò khác lại thất bại, gây ra cú sốc lớn cho ông Tuấn. Khi ấy, Đỗ Huy Long được đánh giá là không có đối thủ ở nội dung bơi ngửa và không ai dám nghĩ Long không thể không giành HCV. Nhưng bước vào cuộc chiến lớn, Long bị trạng thái tâm lý nên chỉ về nhì.
HCB bơi lội không phải thành tích quá tồi nhưng ông Tuấn bị trạng thái tâm lý. Chứng kiến trò cưng không thể về nhất, ông Tuấn đứng trên khán đài và khóc.
Một lần khóc khác của ông Tuấn mới chỉ đây thôi, SEA Games 28. Ánh Viên về nhất nội dung 200m ếch. Tấm HCV thứ 8 của Viên ở đại hội. Đã đạt đến chiếc HCV thứ 8 thì làm sao phải khóc, cả thầy lẫn trò? “Không, phải khóc chứ. Sung sướng lắm, sung sướng vô tận. Bởi nội dung ếch chưa từng là thế mạnh của Viên. Nếu không muốn nói là nội dung mà Viên rất yếu. Nhưng Viên đã chiến thắng đối thủ, chiến thắng cả chính mình”, ông Tuấn kể lại trạng thái tâm lý của mình.
HLV-Dang-Anh-Tuan-thay-Anh-VienHLV Đặng Anh Tuấn hơn là một người thầy, ông như một người cha, người mẹ, người bạn thân thiết của Ánh Viên - Ảnh: Thúy Hằng
Ông Tuấn biết Viên khi Viên 10 tuổi và mới “lội” trong bể như con lăng quăng (lời của ông Tuấn dành cho Viên đấy). Xin 3 lần 7 lượt, cuối cùng ông Tuấn cũng thuyết phục được ngành thể thao cho Viên vào tuyển quốc gia. Kết quả đến nay thế nào, chẳng cần phải kể lại nữa.
Nhưng nhất thiết phải kể chuyện này. Cuộc bầu chọn HLV, VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2013 sau SEA Games 27, ông Tuấn chỉ về nhì sau HLV Nguyễn Hữu Chí của Thạch Kim Tuấn (cử tạ). Có nhiều người bảo, Viên sang Mỹ thì công của chuyên gia chứ công gì của ông Tuấn. Nói thế sai bét.
Chuyên gia có công, hẳn nhiên rồi. Nhưng nên nhớ rằng, chuyên gia chỉ uốn nắn những kỹ thuật còn chưa chuẩn của Viên. Còn mọi thứ tập tành hàng ngày, một tay ông Tuấn lo hết. Và nếu không có chuyên môn giỏi, ngoại ngữ (cực) tốt thì còn lâu ông Tuấn mới được Hiệp hội thể thao dưới nước Mỹ chấp nhận cho lấy bằng huấn luyện chuyên nghiệp (không có bằng này thì mời ông về nước, để Viên đấy cho chúng tôi dạy dỗ).
HLV-Dang-Anh-Tuan-thay-Anh-Vien"Ai nói thành công chứ tôi thì không", HLV Đặng Anh Tuấn có "nhược điểm" lớn là rất cầu toàn - Ảnh: Tuấn Phạm
Về nhì à, có sao đâu. “Miễn là thành tích của Viên tốt là tôi hài lòng. Tôi không quan tâm mình đứng thứ mấy trong bảng xếp hạng. Kệ đi”, ông Tuấn phẩy tay.
Trong giới thể thao, ông Tuấn được yêu quý cũng nhiều mà bị ghét cũng không ít. Vài người am hiểu về bơi lội khen ông Tuấn giỏi giang, nhưng cũng có người chê ông Tuấn tính cách khó chịu chỉ vì: “Nói gì cũng thẳng tưng, thẳng đến mức mất lòng".
Thầy của Viên còn mang một “nhược điểm” lớn nữa là quá cầu toàn. Cái gì cũng đòi hỏi phải hoàn hảo ở mức tuyệt đối. Viên đoạt 8 HCV SEA Games nhưng vẫn cứ “càm ràm”: Ai nói thành công chứ tôi thì không.
Thế thì quả là "khó chịu" thật!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.