SEA Games 33 có gì đặc biệt?
18 năm sau kỳ đăng cai SEA Games năm 2007, Thái Lan trở lại là chủ nhà của SEA Games 33 năm 2025. Quốc gia có nền thể thao số 1 khu vực Đông Nam Á đi đầu trong chủ trương chú trọng tổ chức, phát triển các môn thể thao có trong hệ thống thi đấu của ASIAD, Olympic. Đó là các môn gồm thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bóng nước, bơi nghệ thuật), điền kinh, bắn cung, cầu lông, bóng rổ, canoeing, rowing, xe đạp, đua ngựa nghệ thuật, đấu kiếm, bóng ném, hockey, judo, bóng bầu dục, sailing, bắn súng, bóng bàn, taekwondo, quần vợt, triathlon, bóng chuyền, vật, trượt băng, hockey trên băng và cử tạ. Những môn này nằm trong danh sách của nhóm 1 tại SEA Games 33.
Nhóm các môn thể thao thường tổ chức ở ASIAD, SEA Games như bóng chày, bóng mềm, billiards & snooker, quyền anh, bóng sàn, thể thao điện tử, muay, bóng lưới, pencak silat, bi sắt, cầu mây, squash, bowling, karate, jujitsu, wushu, kabaddi, teqball, kickboxing, bóng gỗ, cờ cũng có mặt ở SEA Games năm sau. Tuy nhiên chủ nhà Thái Lan cũng cắt bỏ khá nhiều phân môn, nội dung thi đấu như thể thao dưới nước không có môn lặn. Ngoài ra khá đáng tiếc khi môn vovinam - Việt võ đạo từng có trong chương trình thi đấu ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp 31, 32 nhưng không có mặt ở SEA Games 33.
Thời gian tổ chức SEA Games 33 cũng quay trở lại vào tháng 12, cụ thể từ ngày 9 - 20.12.2025 sau 2 kỳ liên tiếp tổ chức vào tháng 5 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Lần này Thái Lan cũng quyết định tổ chức SEA Games ở 3 địa điểm là Bangkok, Chonburi và Songkhla.
Việc tổ chức ở 3 địa điểm giúp giảm tải cho nơi tổ chức chính là thành phố Bangkok, vốn thường xuyên kẹt xe, ảnh hưởng rất lớn đến việc di chuyển của các đoàn. Thái Lan cũng là nước có kinh nghiệm tổ chức các giải đấu lớn trong khu vực, nên các nước thành viên đều kỳ vọng đất nước chùa vàng sẽ tổ chức một kỳ SEA Games hoành tráng, thành công.
Lấy SEA Games làm bàn đạp cho ASIAD, Olympic
Lãnh đạo Cục TDTT chia sẻ trong những năm gần đây, thể thao VN chú trọng đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao trong hệ thống thi đấu của ASIAD, Olympic. Trong đó SEA Games là bước đệm để xây dựng lực lượng, từ đó tuyển chọn ra những gương mặt xuất sắc cho ASIAD, Olympic.
Dù định hướng về sự đầu tư như thế nhưng thể thao VN vẫn chưa mang lại hiệu quả, điển hình là thành tích thi đấu bết bát ở kỳ ASIAD, Olympic gần nhất. Điều này khiến giới chuyên môn lẫn người hâm mộ đặt dấu hỏi về sự hiệu quả trong việc đầu tư, lời nói chưa đi đôi với hành động.
Vừa qua tại Hội nghị triển khai chiến lược phát triển thể dục, thể thao VN đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều chuyên gia tiếp tục đặt vấn đề về chiến lược đầu tư như thế nào để mang lại hiệu quả, đặc biệt với thể thao thành tích cao. Ngành thể thao cũng gặp khó từ cơ chế đến kinh phí đầu tư cho thể thao thành tích cao, từ đó nhiều kế hoạch chưa thể triển khai.
Vào tháng 12 tới, ngành thể thao sẽ tổ chức Hội nghị góp ý cho dự thảo chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm cho ASIAD, Olympic. Đây là hội nghị cần thiết, nơi Cục TDTT sẽ mời các chuyên gia, nhà quản lý thể thao trên toàn quốc tham dự, đóng góp ý kiến. Lãnh đạo Cục TDTT kỳ vọng giới chuyên môn cùng các nhà quản lý thể thao sẽ có những đóng góp cụ thể, thiết thực để ngành thể thao hoàn thiện chương trình phát triển thể thao trọng điểm cho ASIAD, Olympic.
Trong bối cảnh thể thao VN có quá ít VĐV nằm trong tốp đầu cạnh tranh ở các môn thể thao ở ASIAD, Olympic thì việc xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đào tạo dài hơi ngay từ tuyến trẻ cần được chú trọng. Theo nhiều chuyên gia, thể thao VN có thể phải chấp nhận cảnh trắng tay ở Olympic 2028 nhưng phải hành động ngay từ bây giờ để tạo đột phá, nếu không sẽ loanh quanh ở "ao làng" SEA Games.
Bình luận (0)