Sau vai trò ở Ukraine, vệ tinh Starlink muốn vươn đến Nhật Bản và Ấn Độ

Khánh An
Khánh An
25/06/2023 11:24 GMT+7

Tỉ phú Elon Musk đang muốn đưa dịch vụ internet vệ tinh Starlink đến Nhật Bản và Ấn Độ, trong khi tiếp tục củng cố hệ thống này trên quỹ đạo.

Sau vai trò ở Ukraine, vệ tinh Starlink muốn vươn đến Nhật Bản và Ấn Độ - Ảnh 1.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX trong một cuộc phóng tại Trung tâm Không gian Kennedy (bang Florida, Mỹ) mang theo các vệ tinh internet Starlink lên quỹ đạo

REUTERS

Hãng Reuters ngày 25.6 đưa tin Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đang thử nghiệm hệ thống internet vệ tinh Starlink của tỉ phú Elon Musk, với mục tiêu sử dụng công nghệ này trong tài khóa sắp tới.

Bộ Quốc phòng Nhật đã tiếp cận liên lạc thông qua các vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh, nhưng công nghệ Starlink của Hãng SpaceX (Mỹ) sẽ bổ sung thêm nhiều vệ tinh trên quỹ đạo tầm thấp.

Nhiều nước trên thế giới đang tìm cách xây dựng hệ thống vững chắc nhằm đề phòng nguy cơ bị gây nhiễu liên lạc hoặc tấn công vào các vệ tinh khi xảy ra xung đột.

Nga có tìm cách triệt hạ vệ tinh Starlink của SpaceX?

JSDF đã thử nghiệm Starlink từ tháng 3 với hệ thống được trang bị tại khoảng 10 địa điểm và trong huấn luyện.

Công nghệ Starlink đang được sử dụng bởi Ukraine trong chiến sự, trong khi Nga tìm cách ngăn chặn việc sử dụng này trong khu vực. Hồi tháng 10.2022, tỉ phú Musk nói rằng SpaceX không thể tài trợ cho việc sử dụng Starlink vô thời hạn ở Ukraine.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ về việc đã hợp đồng để cung cấp dịch vụ Starlink ở Ukraine.

Ngoài Nhật, tỉ phú Musk còn đang nhắm tới thị trường Ấn Độ, với hy vọng đưa hệ thống internet vệ tinh Starlink đến nước này sau cuộc gặp giữa ông với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 20.6.

Trang Insider dẫn lời tỉ phú Musk cho biết dịch vụ này "có thể giúp ích một cách đáng tin cậy" tại những làng mạc hẻo lánh.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng ông Musk sẽ gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ tỉ phú Ấn Độ Mukesh Ambani.

Ông Ambani là chủ tịch Tập đoàn Reliance Industries và là người giàu nhất châu Á với khối tài sản trị giá gần 88 tỉ USD. Tập đoàn này sở hữu Reliance Jio, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu Ấn Độ với 439 triệu khách hàng.

Hãng Starlink đang vận động chính phủ Ấn Độ cấp giấy phép cho dịch vụ vệ tinh phù hợp với thông lệ toàn cầu, khi cho rằng đó là tài nguyên thiên nhiên được phân phối giữa các công ty, theo Reuters.

SpaceX không cho Ukraine điều khiển UAV qua kết nối Starlink

Reliance Jio có lập trường ngược lại và kêu gọi đấu giá công khai để đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các bên nước ngoài và trong nước trong lĩnh vực không gian viễn thông truyền thống.

Trong khi đó, theo trang Space.com, SpaceX hôm 24.6 vừa phóng thêm một đợt gồm 56 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo, nhờ tên lửa Falcon 9. SpaceX đã phóng hơn 4.500 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo, trong đó có 4.200 vệ tinh đang hoạt động, theo chuyên gia vật lý thiên văn chuyên theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard – Smithsonian (Mỹ).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.