(TNO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đối mặt với nhiều vấn đề nóng mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt ra trong chuyến công du lần đầu tiên đến Mỹ vào cuối tuần này của ông Tập.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đối mặt với sáu vấn đề nóng ở phòng Bầu dục - Ảnh: Reuters |
Hãng thông tấn của Mỹ AP ngày 21.9 cho rằng có 6 vấn đề nóng đang chờ ông Tập ở phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ông sẽ phải giải đáp những câu hỏi liên quan đến 6 vấn đề nóng này với chủ nhân Nhà Trắng.
1. An ninh mạng
Vụ tấn công của tin tặc, được cho do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, nhắm vào các cơ quan chính phủ và công ty Mỹ là khởi nguồn làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc bị nghi ngờ đánh cắp thông tin, dữ liệu của hàng triệu nhân viên, quan chức và công ty Mỹ. Theo AP, điều Washington quan tâm nhiều nhất là các tin tặc này lấy cắp thông tin nhằm phục vụ lợi ích của công ty Trung Quốc và nó vượt quá giới hạn của thu thập thông tin tình báo truyền thống.
Hồi tháng 5.2015, giới chức Mỹ cáo buộc 5 người được cho là của quân đội Trung Quốc đánh cắp thông tin của công ty Mỹ. Trung Quốc đã chấp thuận đưa vấn đề này vào hội đàm về không gian mạng với Mỹ, trong khi Washington cho biết đang nghiên cứu giải pháp trừng phạt gián điệp công nghiệp, dù biện pháp này có thể không chỉ nhắm vào Bắc Kinh.
2. Biển Đông
Biển Đông được xem là vấn đề nóng thứ 2 sau an ninh mạng mà Chủ tịch Trung Quốc phải đối mặt - Ảnh: Reuters
|
Mỹ không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng vẫn chỉ trích chiến dịch xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh, Washignton cho rằng điều này gây căng thẳng và đe dọa tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế vốn đóng vai trò quan trọng cho giao thương toàn cầu.
Các nghị sĩ Mỹ gây áp lực đòi quốc hội nước này cho phép hải quân Mỹ “nắn gân” Trung Quốc bằng việc đưa tàu chiến áp sát các đào nhân tạo để khẳng định quan điểm không công nhận đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh. Trung Quốc đã phản bác lại, nói rằng Washington nên tập trung chuyện của nhà mình hơn là can thiệp vào chuyện của thiên hạ.
3. Biến đổi khí hậu
Trung Quốc và Mỹ là 2 cường quốc công nghiệp có lượng khí thải lớn, vì vậy cần phải có trách nhiệm hợp tác trong việc giữ gìn môi trường trái đất.
Vấn đề môi trường đang là thách thức cho cả Mỹ và Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg
|
4. Kinh tế
Nền kinh tế của 2 cường quốc này phụ thuộc khá chặt vào nhau khi tổng thương mại 2 chiều đạt 600 tỉ USD, nhưng cán cân thặng dư nghiêng về phía Trung Quốc. Từ lâu, Mỹ ép Trung Quốc phải áp dụng một mô hình kinh tế tự do được quyết định bởi nhu cầu nội địa hơn là xuất khẩu và đầu tư, và cho phép các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc nhiều hơn.
Trong khi đó, Trung Quốc "đủng đỉnh" cải cách kinh tế. Tổng thống Obama sẽ không bỏ lỡ cơ hội gặp ông Tập ở phòng Bầu dục để tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc.
Suy giảm kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng cả thị trường toàn cầu - Ảnh: Reuters
|
5. Nhân quyền
Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp cương quyết đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự trong những năm gần đây. Đó cũng là một phần trong nỗ lực ngăn cản quyền tự do theo kiểu phương Tây xâm nhập vào xã hội Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt hơn đối với Công giáo, nhóm tôn giáo thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương. Chính quyền Obama đã thẳng thắn chỉ trích về vấn đề này của Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền luôn bị các vấn đề nóng khác làm mờ đi trong chương trình nghị sự Mỹ - Trung.
6. Triều Tiên
Vấn đề của Triều Tiên cũng được đưa lên bàn thảo luận của nguyên thủ Mỹ - Trung - Ảnh: Reuters
|
Triều Tiên tuần qua tuyên bố khởi động lại các lò hạt nhân để chuẩn bị phục vụ các vụ phóng tên lửa với mục đích "mừng ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên" vào ngày 10.10.
Vụ sắp phóng tên lửa gây căng thẳng cho mối quan hệ truyền thống giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, nhưng ngược lại khiến Mỹ và Trung Quốc tiến lại gần nhau hơn nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát Triều Tiên. Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn những đòn khiêu khích của Bình Nhưỡng, dù đó là nhiệm vụ khó khăn cho cả hai.
Mỹ muốn Trung Quốc sử dụng đòn kinh tế để gây áp lực với Triều Tiên, trong khi Trung Quốc muốn Mỹ xuống nước trong cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã gián đoạn quá lâu.
Bình luận (0)