Người dân hài lòng với dịch vụ cấp nước
Hướng đến kỷ niệm 19 năm hình thành và phát triển, SAWACO đã không ngừng đổi mới, đem đến cho khách hàng - người dân TP.HCM nguồn nước đạt chuẩn, an toàn, liên tục với những dịch vụ hiện đại, tiện ích gắn liền với sự phát triển của TP.HCM.
Trong đó, việc chăm sóc khách hàng luôn gắn liền với 5 mục tiêu: công suất phát nước (công suất tăng theo năm, xây dựng các nhà máy mới, phát triển các dự án nhà máy…); tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ phát triển mạng lưới cấp 1, cấp 2, cấp 3 liên tục được mở rộng; tỷ lệ nước thất thoát, thất thu giảm từ 35% (năm 1998) còn 13,52% (tính đến quý 1/2024); tỷ lệ gắn mới đồng hồ nước…
Mục tiêu SAWACO đặt ra là đảm bảo nước sạch đến người dân thành phố luôn đạt quy chuẩn quốc gia. SAWACO có mạng lưới đường ống được lắp đặt gần như phủ khắp khu dân cư tại TP.HCM. Sau 19 năm, hệ thống mạng lưới cấp nước tăng 500%, đạt gần 11.000 km. Song song đó, số lượng đấu nối dịch vụ tăng 300%. Năm 2023, SAWACO lắp đặt gần 1,6 triệu đồng hồ nước cho khách hàng.
Là khách hàng lâu năm của SAWACO, ông Lương Khắc Phát (79 tuổi, Ở Q.Gò Vấp) cho biết, khoảng năm 2000 thì hệ thống nước sạch mới về đến nơi ông sống, trước đó chỉ xài nước giếng bơm. "Từ khi có cấp nước, chất lượng nước đảm bảo. Việc sửa chữa đường ống có thông báo đàng hoàng đến địa phương. Tôi rất hài lòng về chất lượng phục vụ của cấp nước TP.HCM", ông Phát nói.
Còn anh Nguyễn Minh Hoàng (chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Q.3) chia sẻ: "Trước năm 2022, nhà tôi sử dụng nước qua bồn chung và có quy định giờ sử dụng nhất định. Bây giờ, nước sạch được cấp trực tiếp vào nhà, tôi không phải canh giờ để đi đong nước nữa. Việc thanh toán tiền nước qua ứng dụng điện tử rất thuận lợi, tiết kiệm được thời gian cho tôi".
Ông Nguyễn Doãn Xã, Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành (thuộc SAWACO) cho biết: "Chúng tôi có dịch vụ miễn phí hỗ trợ khách hàng sau lắp đặt đồng hồ nước là sử dụng máy dò phát hiện và tìm kiếm điểm bể. Chúng tôi cũng gắn các thiết bị quan trắc về chất lượng nước để đánh giá chất lượng nước hằng ngày trước khi cấp nước cho khách hàng. Đồng thời, công ty cho gắn các thiết bị quan trắc về áp lực nước để kiểm soát và điều tiết áp lực nước tự động vào giờ cao điểm, thấp điểm để áp lực nước ở mức ổn định".
"Hóa đơn nước là sự trả tiền cho sức khỏe"
Bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia cũng đóng góp một số ý kiến để ngành cấp nước TP.HCM cải thiện trong thời gian tới.
Tại tọa đàm, bà Phan Thị Tuyết Oanh, chuyên viên Phòng Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho biết, theo kế hoạch của UBND TP.HCM, Viện đã thực hiện điều tra xã hội học đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ cấp nước trên địa bàn TP.HCM năm 2023. Việc khảo sát được tiến hành tại 18 quận, huyện của TP.HCM theo 5 tiêu chí cơ bản: tiếp cận dịch vụ; công cụ/phương tiện cung cấp dịch vụ; thái độ phục vụ; chất lượng/kết quả cung cấp dịch vụ; tiếp nhận kiến nghị và phản hồi. Kết quả cho thấy người dân bày tỏ mong muốn cải thiện các yếu tố: chất lượng hệ thống đường ống, chất lượng nước sinh hoạt, tăng cường kiểm tra, bảo trì hệ thống ống.
Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM kiến nghị, ngành cấp nước TP.HCM cần tiếp tục đảm bảo chất lượng nước và khắc phục nhanh khi có sự cố về hạ tầng đường ống xảy ra. Việc tăng, giảm giá nước cần được đánh giá cẩn trọng và chú trọng công tác truyền thông trước khi điều chỉnh giá nước. Bên cạnh đó, SAWACO cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, lắp đặt đồng hồ nước điện tử, tăng cường truyền thông qua các ứng dụng trực tuyến của tổng công ty nhưng phải lưu ý nhóm khách hàng lớn tuổi, ít sử dụng điện thoại thông minh.
TS Huỳnh Văn Thông, giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, ngành điện và ngành nước là những ngành đang dẫn đầu về cải cách hành chính công.
TS Thông nhấn mạnh ứng dụng chuyển đổi số là yếu tố chiến lược và sẽ thay thế các phương thức cũ. Do đó, ngành nước phải tích hợp vào hệ sinh thái dịch vụ kỹ thuật số của TP.HCM. Có thể khuyến khích người dân bằng việc tích điểm khi thanh toán để thay đổi dần thói quen. Đồng thời bổ sung thêm một số tính năng trên ứng dụng để tiện lợi hơn cho khách hàng. "Ngành nước phải đáp ứng kỳ vọng và chốt đòi hỏi mới của người dân. Hóa đơn nước là sự trả tiền cho sức khỏe chứ không còn là nhu cầu cơ bản", TS Thông chia sẻ.
Lắp đặt rộng rãi đồng hồ nước thông minh
Tại tọa đàm, ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc SAWACO cho biết, không riêng gì TP.HCM mà cả nước vẫn còn hạn chế khi lắp đặt và sử dụng đồng hồ nước thông minh đo từ xa.
"Hạn chế thứ nhất là về công nghệ, thứ hai là về giá thành khá cao. Nếu lắp đặt đồng hồ nước đo từ xa, phải tìm kiếm nguồn năng lượng phù hợp để đồng hồ này hoạt động, ghi và truyền dữ liệu về hệ thống. Đây là điểm khó khăn mà chúng tôi đang nghiên cứu tìm giải pháp trên cơ sở đảm bảo tiếp cận với trình độ công nghệ thế giới, đảm bảo sự tiện lợi cho khách hàng", ông Giang cho hay.
Theo đại diện lãnh đạo SAWACO, thời gian qua, SAWACO đã triển khai nhiều đợt thí điểm lắp đặt và sử dụng loại đồng hồ này, với khoảng 40.000 đồng hồ. "Chúng tôi đang lựa chọn loại công nghệ phù hợp, khả thi cho điều kiện ở TP.HCM. Làm sao để chuyển sang công nghệ mới mà vẫn tận dụng lại được hệ thống hạ tầng cũ, làm sao để dữ liệu truyền về ít thất thoát nhất, tiết kiệm năng lượng vận hành. Chúng tôi đã có tiêu chí kỹ thuật cho việc sử dụng đồng hồ nước đo từ xa này, thời gian tới, các đơn vị sẽ cân đối nguồn tiền của mình và tiến hành đầu tư theo năng lực từng công ty để phục vụ khách hàng", ông Giang nói.
Chia sẻ tại chương trình, ông Giang cho biết, hệ thống đồng hồ nước thông minh đo từ xa này đã được lắp đặt thử nghiệm rộng rãi tại H.Cần Giờ, TP.HCM. Sắp tới, SAWACO sẽ triển khai chương trình chuyển đổi cấp nước từ những khu vực sử dụng nguồn vệ tinh sang lắp hệ thống cấp nước sẽ được gắn loại đồng hồ nước mới này, chuyển tới đâu thì gắn đến đó.
Về vấn đề giá thành của đồng hồ nước đo từ xa, ông Giang đánh giá, việc này phụ thuộc vào quy mô đặt hàng cho bên cung ứng sản phẩm. "Chúng tôi có liên hệ với một số đơn vị cung ứng đồng hồ nước cho Cục Cấp nước Tokyo (Nhật Bản), họ nói rằng chúng ta muốn mua bao nhiêu và dự kiến tương lai muốn mua bao nhiêu thì mới định được giá bán. Cho nên quá trình thử nghiệm thì chúng ta sẽ có một cái giá khác, còn khi tiến hành làm lâu dài hoặc công nghệ phổ biến hơn thì giá thành sẽ giảm xuống. Hiện nay, mỗi chiếc đồng hồ nước thông minh có giá khoảng 4 - 5 triệu đồng, tôi hy vọng tương lai sẽ có giá dễ tiếp cận hơn", ông Giang chia sẻ thêm.
Bình luận (0)