Ông kể, lúc nhỏ ở quê chỉ ngong ngóng được về Hà Nội ăn phở, giống như hơn 60 năm nay lúc nào cũng chờ nghỉ hè, nghỉ lễ để được tìm về một quán phở ưa thích rất xa nhà chỉ bởi nơi đó bán phở ngon. Nhớ tô phở ăn hồi nhỏ, chỉ có nước và bánh nhưng thật tuyệt. Một vài lần húp hết nước và xin người bán cho thêm, ông già người Hoa bán phở rong thích thú nhìn tôi khi khách hàng nhí của ông húp cạn nước phở. Tuyệt ngon. Ăn phở là một nghệ thuật. Khúc dạo đầu của nó là húp vài muỗng nước dùng (nước lèo) trước. Khi nước phở tạo cảm giác mê phở, mình mới ăn tiếp. Bánh phở trắng đục, thịt tái nạm vừa ăn, miếng gầu dai dai… làm tăng hương vị và gây nên sự khác biệt giữa món ăn này với món ăn khác… Giống như phụ nữ phải có một hương thầm nào đó để mình nhớ đời, không lẫn lộn được.
Ông cụ cười bảo, ăn phở ngon là phải bưng cả tô húp nước. Không ngại người ngoài đánh giá là không văn minh, không lịch sự. Mình ăn cho mình chứ không phải cho họ. Khi ăn phở phải húp cả tô mới ngon.
Bao nhiêu năm ở Pháp, cưới vợ Pháp, vẫn nhớ phở không nguôi. Vợ ông cũng học nấu phở, cũng thích nước mắm, nhưng vẫn không thể nấu giống như ông lão người Hoa ấy. Có thể vì lúc nhỏ hiếm khi ăn phở nên thấy ngon. Giờ ăn phở để nhớ quê hương, làng xóm.
Bây giờ về Việt Nam không còn tìm được hương vị ngon của phở như ngày trước. Có lẽ vì ăn nhiều quá, vì phở các miền đã biến thể qua thời gian, không gian, vì khẩu vị của một người già không giống khẩu vị của trẻ con, hay vì đã trở về lại được với quê hương nên không còn thèm khát, ngong ngóng như trước. Nước phở vẫn ngọt ngào nhưng người thì đổi khác rồi.
Phan Nguyên Minh
Bình luận (0)